Đảm bảo an ninh năng lượng gắn với bảo vệ môi trường

Nhằm hạn chế những thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng tại Việt Nam, sáng 9/8, tại Hà Nội Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn năng lượng Việt Nam với chủ đề 'Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững'.

Báo cáo tại Diễn đàn, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, năm 2017, tổng điện sản xuất và mua đạt 192,45 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2016, điện thương phẩm đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016. Trong giai đoạn 2011-2015 tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc tăng bình quân 12,8%/năm, cao hơn mức tăng trưởng phụ tải cực đại cùng giai đoạn là 9,6%/năm, trong đó công suất đặt nguồn điện năm 2015 đạt 39.350 MW, đứng thứ 2 trong các nước Asean.

Toàn cảnh diễn đàn năng lượng Việt Nam 2018

Cũng theo ông Lực, thách thức thứ nhất trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng mà Việt Nam có thể sẽ đối mặt đó là, việc hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Thứ hai, tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở. Thách thức về tác động môi trường của hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh…

Tham gia thảo luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hiện nay có khoảng trống cần nghiên cứu, bổ sung, đề xuất để phát triển toàn diện ngành năng lượng ở Việt Nam. Theo ông quân, khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên trong các Quyết định, mảng khoa học công nghệ chưa thực sự nổi bật. Các giải pháp còn chung chung. Trong 10 năm qua, số lượng đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về năng lượng tái tạo rất ít, dẫn tới phụ thuộc nhiều vào công nghệ, nguồn năng lượng nước ngoài. “Để năng lượng phát triển bền vững phải tập trung vào phát triển khoa học công nghệ” ông Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Điện gió và điện mặt trời là 2 nguồn năng lượng tái tạo được ông Quân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên ông cũng cho biết những nghiên cứu chủ lực về sử dụng nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn rất ít. Để phát triển nguồn năng lượng này Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị ngành năng lượng cần làm chủ về công nghệ trong đó có nghiên cứu về công nghệ vật liệu và công nghệ cơ khí chế tạo. Nếu không làm chủ được công nghệ sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó đẩy giá thành lên cao, điều này sẽ khó được Chính phủ chấp nhận.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo, nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030 sẽ tăng trưởng cao so với các nước, từ 7-11%/ năm. Đây là một trong những thách thức trong giai đoạn tới để đảm bảo nguồn cung.

Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Đây là hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Quan điểm của Chính phủ đã chỉ ra trong mọi trường hợp không để thiếu năng lượng, thiếu điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Đây không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn là vấn đề của xã hội. Chính vì vậy Thứ trưởng nhấn mạnh, cần đặt mục tiêu “trong mọi hoàn cảnh phải đáp ứng nhu cầu năng lượng”.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề, trong đó chú trọng đến việc phải có sự phát triển phù hợp trong ngành năng lượng giữa than, dầu, khí. Trong giai đoạn tới nhiều khả năng sẽ thiếu điện nên cần có cơ chế đặc thù triển khai những dự án, đẩy nhanh tiến độ các dự án mới. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh Việt Nam tạm dừng các dự án điện hạt nhân, các dự án nhiệt điện than ngày càng khó thực hiện do sức ép đến từ các địa phương. Đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong đó, vấn đề then chốt được Thứ trưởng Vượng nhắc tới đó chính là chính sách về giá điện, giá năng lượng trong thời gian tới. Hiện nay giá điện vẫn nằm trong sự điều tiết của nhà nước. Tuy nhiên phải phát tín hiệu để người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng đó là đảm bảo an ninh năng lượng hiệu quả gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dam-bao-an-ninh-nang-luong-gan-voi-bao-ve-moi-truong-78161.html