Đảm bảo an ninh mạng phải song hành với sự phát triển của đất nước

Chiều 13-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật An ninh mạng. Qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng với xu thế phát triển về thông tin mạng như hiện này rất cần thiết phải ban hành Luật. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần rà soát để tránh sự trùng lặp với các luật khác có cùng nội hàm, cũng như nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, mạng ảnh hướng rất lớn đến an ninh quốc gia. Ảnh: Viết Hà

Nói về sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng, nhiều đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật sẽ tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi, quản lý tốt lĩnh vực này, góp phần bảo vệ thông tin cá nhân của người dân và an ninh quốc gia...

Theo đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Nghệ An), mạng internet ảnh hướng rất lớn đến an ninh quốc gia và đời sống của nhân dân. Các thế lực thù địch có thể lợi dụng để kích động chống phá Nhà nước, kích động bạo loạn, phát tán những thông tin sai sự thật... Mặt khác, mạng có tác động lớn về tư tưởng, vì hiện nay khi các thông tin chính thống điều chỉnh dư luận chưa tốt, những thông tin mạng không chính xác được phát tán, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, an ninh kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, cần có chế tài vững chắc để bảo vệ, điều chỉnh các hành vi vi phạm an ninh mạng.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, Luật An ninh mạng được trình tại QH lần này có phạm vi điều chỉnh và nội hàm bao trùm lên nội dung của các luật khác như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh quốc gia, Luật Cơ yếu, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Quốc phòng. Vì vậy, Ban soạn thảo cần có sự rà soát kỹ lưỡng để tránh trùng lặp với các luật khác.

Theo đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang), tại khoản 12, Điều 3, dự án Luật xác định chiến tranh mạng là một trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước. Đại biểu cho rằng, trước khi chiến tranh tổng lực, đối phương sử dụng chiến tranh mạng tấn công trước để vô hiệu hóa thông tin. Nếu quy định như tại khoản 12, sẽ chồng chéo với nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong tác chiến, chiến tranh không gian mạng. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu rất kỹ, để khi ban hành Luật không xảy ra tình trạng chồng chéo nhiệm vụ giữa các Bộ, ảnh hưởng tính khả thi của Luật.

Đại biểu Sùng Thìn Cò đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ để Luật An ninh mạng không trùng lặp với các luật khác. Ảnh: Viết Hà

Trong buổi thảo luận tại tổ, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án Luật An ninh mạng rất quan trọng, đây là đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước và thực hiện Hiến pháp năm 2013, liên quan đến quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đây được xem là vấn đề khó, không chỉ với Việt Nam mà với thế giới và không quốc gia nào trên thế giới không phải xử lý.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, mạng internet đã đi vào mọi mặt của đời sống xã hội chứ không chỉ là quốc phòng, an ninh quốc gia, điện lực, hàng không...

"Internet đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... Không thể ngăn chặn, cản trở sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì đảm bảo an ninh chúng ta không sử dụng, không ứng dụng tiến bộ của internet sẽ dẫn đến tụt hậu, không thể hội nhập với thế giới. Nhưng khi chúng ta tham gia vào thế giới mạng, bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh, nếu chúng ta không làm chủ”. - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo Thượng tướng Tô Lâm, Chính phủ đang phát triển Chính phủ điện tử, cách mạng công nghiệp 4.0 là ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, internet vào đời sống, đến tự động hóa... Thực tế này cho thấy việc đảm bảo an ninh mạng phải song hành với sự phát triển của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ. Ảnh: Viết Hà

“Đời sống thực có tội phạm gì thì trên không gian mạng cũng có tội phạm đó. Đời thực thì xử lý được, thu thập được chứng cứ, có hiện trường, nhưng đây là chứng cứ ảo, chứng cứ số thì sẽ được xử lý thế nào? Để phục vụ điều tra, xét xử thì chứng cứ số cũng là vấn đề, nếu không quy định các chế tài xử lý rất khó khăn. Vì vậy, Luật này ra đời, sẽ tạo ra hệ thống pháp lý đủ mạnh để xử lý các loại tội phạm mạng, giúp toàn xã hội hiểu được an ninh mạng, hiểu được nguy cơ và thấy trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo được an ninh mạng”. - Thượng tướng Tô Lâm cho biết thêm.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dam-bao-an-ninh-mang-phai-song-hanh-voi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc/