Đảm bảo 100% chủ tàu cá nắm được quy định mới ban hành của tỉnh

Ngày 24/10, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND quy định tạm thời xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đây là quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong xử lý khai thác thủy hải sản tận diệt. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2018 và đang được rất nhiều bà con ngư dân quan tâm. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT để làm rõ nội dung này.

- Thưa ông, việc áp dụng quy định tạm thời xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản vào thời điểm tỉnh đang kiên quyết xử lý vấn nạn khai thác thủy sản tận diệt sẽ có tác động như thế nào?

+ Quảng Ninh là tỉnh ven biển, ngư trường đánh bắt thủy sản lớn, ngư dân có nhiều điều kiện để phát triển ngư nghiệp. Tuy nhiên, một số ngư dân vẫn đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, tỉnh đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn, đặc biệt ngày 1/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vi phạm, một số địa phương vẫn gặp những vướng mắc, nhiều trường hợp phát sinh khó xử lý... Vì vậy việc ban hành quy định tạm thời xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản vào thời điểm này là rất kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đây là công cụ pháp lý chặt chẽ giúp các lực lượng chức năng tháo gỡ một phần khó khăn trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hành vi khai thác tận diệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó, quy định này sẽ hỗ trợ tích cực trong triển khai xử lý các phương tiện khai thác thủy sản không rõ nguồn gốc; không đảm bảo an toàn hoạt động (quá cũ, nát); rút ngắn thời gian xử lý tang vật, nhất là đối với tang vật vi phạm dễ ôi thiu, mau hỏng; tang vật là ngư cụ cố định trên ngư trường như đăng đáy. Đặc biệt, quy định còn cho phép lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ được tiêu hủy tang vật tại chỗ và tịch thu phương tiện vi phạm (cả tàu cá) không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không được phép hoạt động, qua đó tạo tính răn đe lớn đối với trường hợp vi phạm.

- Là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành quy định tạm thời xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về hoạt động thủy sản, vậy chúng ta đã lường trước được những khó khăn gì trong quá trình triển khai?

+ Trước khi ban hành quy định này, tỉnh đã lấy ý kiến rộng rãi trong dân, vì vậy khi triển khai chắc chắn người dân và cả hệ thống chính trị sẽ đồng tình, ủng hộ cao. Quy định tạm thời xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản có 13 điều chi tiết, rõ ràng từng nội dung về quyền, nghĩa vụ của người vi phạm cũng như cơ quan thực thi. Qua đó sẽ rút ngắn thời gian xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản so với các quy định hiện hành.

Quy định có nhiều điểm mới, vì vậy trong thời gian đầu áp dụng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Ví dụ, tại Điều 3 quy định chỉ một số cơ quan chuyên trách, như: Sở NN&PTNT, bộ đội biên phòng, kiểm ngư được cấp địa điểm xây dựng, các cơ quan khác phải thuê địa điểm để tạm giữ, cất trữ và bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trong khi đó hiện nay, cơ quan chuyên trách chưa có địa điểm riêng để tạm giữ, cất trữ và bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Mặt khác, hoạt động khai thác thủy sản còn có tính chất là nghề "cha truyền con nối", đặc tính ngư dân vùng biển coi tàu là nhà, biển là quê hương, nguồn lợi thủy sản là nguồn mưu sinh, do vậy khi triển khai quy định này cũng cần thiết phải có các biện pháp triển khai tổng thể trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân.

Lực lượng chức năng xử lý trường hợp ngư dân dùng lồng bát quái để khai thác thủy sản ngày 6/9/2018. Ảnh: Việt Hoa

- Để triển khai hiệu quả quy định này, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương có kế hoạch, giải pháp, lộ trình thực hiện ra sao, thưa ông?

+ Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 15/11/2018, hiện Sở NN&PTNT đang khẩn trương tập trung công tác tuyên truyền đến từng chủ tàu cá, đảm bảo 100% chủ tàu nắm được quy định mới ban hành của tỉnh. Cùng với đó, Sở chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, nâng cấp tàu thuyền cho ngư dân; xây dựng đề án cụ thể thực hiện kế hoạch của tỉnh chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang khai thác xa bờ và những nghề khác.

Đồng thời, khảo sát các bến bãi, xin tỉnh chủ trương xây dựng địa điểm lưu giữ tang vật, phương tiện vi phạm để thực hiện đồng bộ quy định; sớm thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương; tăng cường cơ sở vật chất, năng lực thực thi cho cán bộ, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ mất an toàn khi ngư dân có biểu hiện chống đối người thi hành công vụ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Tăng (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201811/dam-bao-100-chu-tau-ca-nam-duoc-quy-dinh-moi-ban-hanh-cua-tinh-2407624/