Đắk R'lấp (Đắk Nông): Những thành tựu nổi bật trong 10 năm xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đắk R'lấp đã đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010. Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình, nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ khi triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), đã thực hiện dựa trên những thành quả có sẵn của địa phương, đồng thời huy động nội lực trong nhân dân cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, tập trung phấn đấu thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 8/2019 chương trình NTM đã thu hút và huy động nguồn lực của toàn xã hội với hơn 8,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 963 tỷ, vốn tín dụng hơn 7 nghìn tỷ, vốn các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác hơn 408 tỷ, vốn huy động đóng góp của dân cư hơn 338 tỷ.

UBND xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp Công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới

UBND xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp Công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới

Qua 10 năm thực hiện Chương trình, dưới sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn huyện có 07 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Cụ thể, 03 xã Đạo Nghĩa, Nhân Cơ, Nhân Đạo đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2011-2015; 04 xã Đăk Wer, Quảng Tín, Đắk Ru, Nghĩa Thắng đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 -2020. Dự kiến, cuối năm 2020 huyện Đắk R’lấp đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Song song với đó, công tác tuyên truyền xây dựng NTM cũng đem lại nhiều hiệu quả, người dân ngày càng có ý thức trong việc đóng góp xây dựng địa phương. Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được chú trọng. Từ đó, bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều đổi mới theo hướng hiện đại hóa, hệ thống cơ sở vật chất như đường giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa…được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân.

Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2018 là 54,6 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 9,26%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 13,84% (từ 18,96% năm 2011 xuống còn 4,76% vào cuối năm 2018). Ngoài ra, huyện cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh; Kinh tế ngày càng phát triển theo hướng bền vững; Văn hóa xã hội ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị xã hội ngày càng được giữ vững.

Hiện nay, tình hình kinh tế trong nước có giai đoạn khó khăn, giá cả nguyên liệu, hàng tiêu dùng tăng, giá một số mặt hàng nông sản chủ lực bấp bênh, không ổn định. Cùng với đó, các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa thực sự hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp tham gia; Trình độ dân trí không đồng đều dẫn đến việc tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm cũng là nguyên nhân khiến việc thực hiện chương trình xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.

Những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng vào trong sản xuất kinh doanh của người dân xã Kiến Thành

Từ những thành tựu và hạn chế đó, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 huyện Đắk r’lấp đã có những kinh nghiệm được rút ra như sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu là yếu tố then chốt để đạt kết quả xây dựng NTM ở địa phương. Trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện cần phải có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát của các cấp ủy chính quyền, sự quyết tâm, phối hợp thực hiện của các thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã và sự đồng thuận của nhân dân.

Thứ hai, xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn nhưng hợp với lòng dân. Vì vậy, mọi việc làm phải dựa trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng với nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

Thứ ba, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa chủ thể xây dựng NTM.

Thứ tư, bám sát định hướng xây dựng NTM của Nhà nước, vận động linh hoạt chủ trương của Đảng, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo của địa phương, triển khai đồng bộ các tiêu chí, xây dựng lộ trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng xã, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Lê Vương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/dak-rlap-dak-nong-nhung-thanh-tuu-noi-bat-trong-10-nam-xay-dung-nong-thon-moi-64045.html