Đắk Nông - Xứ sở của âm điệu

Có thể bạn sẽ lấy làm lạ khi Đắk Nông chọn cho mình câu slogan để phát triển du lịch là Xứ sở của những âm điệu. Nhưng bạn sẽ không thấy lạ nữa khi đến với vùng đất hội tụ đến 40 dân tộc; trong đó có 3 dân tộc bản địa là Mạ, M'Nông và Ê Đê. Sự đa sắc tộc đã tạo nên sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và đặc biệt là nhạc cụ.

Tại vùng đất cao nguyên M’Nông này, năm 1949, nhà dân tộc học và nhân chủng học người Pháp Georges Condominas đã phát hiện bộ đàn đá đầu tiên của lịch sử loài người với 11 thanh đá xám có dấu hiệu ghè đẽo bởi bàn tay con người. Giữa năm 1950, GS Georges Condominas đưa những thanh đá này về Pháp và chúng được nghiên cứu bởi GS âm nhạc André Schaeffner. Sau đó, năm 1951, nhà nhân chủng học Georges Condominas công bố kết quả nghiên cứu độc đáo này ra thế giới: bộ đàn đá có niên đại khoảng 3.000 năm. Bộ đàn đá này đang được trưng bày tại Bảo tàng Con người Paris (Pháp).

Người xưa quan niệm thanh âm của đàn đá như một phương tiện để kết nối cõi âm với cõi dương, giữa con người với thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Còn cố GS-TS Trần Văn Khê gọi thanh âm loại nhạc cụ này là "Biểu hiện tâm tư hệt như con người".

Một hang động tuyệt đẹp nằm trong Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông

Một hang động tuyệt đẹp nằm trong Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông

Đắk Nông chọn slogan "Xứ sở của những âm điệu" chính bởi Công viên Địa chất Đắk Nông là một phần trong không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tiếng hát của những cô gái M’Nông hòa trong tiếng cồng chiêng, vọng qua những hang động để đến với tiếng thác Trinh Nữ, Gia Long, Dray Nu, Dray Sáp, Liêng Nung, Đắk G’lun. Và nổi bật trong những thanh âm đó chính là tiếng đàn đá - thanh âm nguyên thủy để kết nối con người với đất trời, thần linh… Đó là những gì bạn có thể cảm nhận được khi đến Đắk Nông.

Trên logo của Công viên Địa chất Đắk Nông có trọng tâm là 2 vòng tròn mà nhìn vào người ta có thể nhận thấy đó là miệng núi lửa, nơi đã tạo ra Công viên Địa chất Đắk Nông. Ngoài ra, 2 vòng tròn còn là biểu trưng của cồng chiêng, một nhạc cụ quen thuộc của các dân tộc ở Tây Nguyên. Vòng ngoài của logo là hình ảnh 5 thanh đá, tượng trưng cho bộ đàn đá đầu tiên của lịch sử loài người được tìm thấy nơi đây. Hình của 5 thanh đá cũng được sắp xếp để nhìn vào người ta có thể cảm nhận được đó còn là 5 ngón tay trên một bàn tay đang vẫy gọi du khách cũng như các nhà đầu tư đến với Đắk Nông để cùng chung tay gìn giữ và phát huy những giá trị di sản của vùng đất này. Trên logo này, kết nối của những thanh đàn đá ấy là 5 dòng kẻ, biểu trưng của một khung nhạc.

Một logo với những đường nét giản đơn nhưng đã khái quát hết những di sản văn hóa, thiên nhiên đặc sắc của Đắk Nông mà trong đó "xứ sở âm điệu" là điểm nhấn độc đáo nhất.

Bài và ảnh: Nhật Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dak-nong-xu-so-cua-am-dieu-2020092420535241.htm