Đắk Nông: Uẩn khúc 23 năm chưa làm được 'sổ đỏ'

Từ chàng thanh niên trai tráng, trải qua 23 năm vật vã đi làm sổ đỏ, nay mái đầu ông Phương đã bạc đi so với tuổi của mình. Bấy nhiêu năm qua, ông luôn trằn trọc nhìn 09 thửa đất do mình khai hoang, gắn bó bị chiếm dụng bất hợp pháp.

Ngày 17/10/2019, Báo điện tử Kinh tế nông thôn đăng bài viết: “Đắk Nông: Khu phố không phép giữa đô thị”.

Bài viết trên nhận được sự quan tâm của nhiều đọc giả, trong đó có ông Nguyễn Trung Phương ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông).

Trao đổi với phóng viên, ông Phương cho biết, 8/16 hộ dân (ở TDP8, thị trấn Kiến Đức, Đắk R’lấp, Đắk Nông) xây dựng nhà không phép mà Báo Kinh tế nông thôn phán ánh đang xảy ra tranh chấp đất với gia đình ông.

Uẩn khúc kéo dài 23 năm

Gần nửa đời người, ông Phương vẫn chưa đăng ký được quyền sử dụng của mảnh đất mình đã từng khai hoang, sinh sống.

Theo ông Phương, ngày 17/04/1996, ông làm đơn xin đăng ký cấp sổ đỏ cho 9 thửa đất, gồm: 83, 58, 59, 46, 112, 138, 142, 137, 159 thuộc tờ bản đồ số 10. Sau khi nộp đơn, ông đã nhiều lần tìm đến UBND xã Kiến Đức, nay là thị trấn Kiến Đức, để hỏi kết quả. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông chỉ được thông báo bằng miệng rằng, các thửa đất trên không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Phương cho rằng, ngôi nhà này xây dựng trên thửa đất mà cơ quan chức năng đã từng cấp sổ đỏ cho gia đình ông.

Trong lúc ngược xuôi tìm hiểu lý do thì, toàn bộ diện tích đất trên lần lượt bị nhiều hộ dân lấn chiếm, sử dụng. Đầu năm 2019, khi chuẩn bị bước sang độ tuổi lục tuần, nghi ngờ có sự tồn tại của 09 sổ đỏ mang tên mình, ông Phương âm thầm đi tìm sự thật.

Gõ cửa nhiều phòng ban, cuối cùng ông đã thu thập được nhiều giấy tờ quan trọng, chứng minh cơ quan chức năng đã cấp sổ đỏ cho các thửa đất mà ông làm đơn xin cấp vào năm 1996. Lúc này, ông mới vỡ lẽ, hàng chục năm qua, 09 sổ đỏ của gia đình đã bị ai đó “giữ hộ” vì mục đích riêng.

Qua tài liệu mà ông Phương cung cấp thấy: Ngày 15/06/1996 (khoảng 1 tháng sau khi ông Phương nộp đơn xin cấp sổ đỏ), Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp đã ban hành Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.106 cá nhân, trong đó có hộ ông Nguyễn Trung Phương, với 09 thửa đất đủ điều kiện được cấp sổ đỏ. Theo quy định, các thửa đất trên sẽ được cơ quan chức năng in bìa và giao lại cho ông quản lý, sử dụng. Thế nhưng, mọi chuyện lại đi theo một ngã rẽ khác.

Sở TNMT tỉnh Đắk Nông xác nhận, 09 thửa đất của ông Phương đã được cấp GCNQSD đất vào năm 1996.

Cũng theo ông Phương, sự bất thường này vẫn chưa dừng lại. 8 năm sau đó, vào ngày 05/01/2004, ông Lê Xuân Vọng, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp thời điểm đó đã ra quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của 202 sổ đỏ do UBND huyện Đắk R’lấp cấp năm 1996. Lý do được đưa ra là: “Do biến động diện tích hoặc chủ sử dụng nằm trong khu vực quy hoạch và một số không có chủ đất đến nhận”. Trong số 202 sổ đỏ bị hủy bỏ giá trị pháp lý thì có 09 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình ông Phương.

Điều đáng nghi ngờ là, ở thời điểm này, ông Phương đều không hay biết về sự tồn tại của sổ đỏ và việc bị hủy như đã nêu. “Chỉ có lãnh đạo huyện thời điểm đó mới biết về thực hư câu chuyện gian dối, bí ẩn này. Giờ họ vẫn còn sống nên tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật để trả lại công bằng cho gia đình tôi”, ông Phương nói.

Sự thật bị bóp méo

Ông T., một cán bộ công tác trong ngành tài nguyên nêu quan điểm: “Ở đây rõ ràng có sự mờ ám khi năm 1996, cơ quan chức năng đã không bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phương. Tại sao những hộ dân ở cùng thời điểm đó được giao sổ đỏ, còn ông Phương thì lại không? Nếu có sai sót thì cơ quan chức năng phải thông báo bằng văn bản chứ không thể “im lìm” rồi xóa dấu vết những lô đất này. Về vấn đề này, cần phải làm rõ động cơ đằng sau và phải truy trách nhiệm của các cán bộ có liên quan ở thời điểm đó”.

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Trung Phương bức xúc, việc chính quyền lấy lý do thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1996 cũng chưa thuyết phục. Theo ông Phương, thực trạng đất ở thời điểm đó (năm 2004) vẫn còn nguyên vẹn, nếu đất thuộc diện quy hoạch, tại sao cơ quan chức năng lại làm ngơ để nhiều hộ dân ngang nhiên xây dựng nhà không phép? Còn chuyện chủ đất không đến nhận sổ đỏ thì hoàn toàn thiếu thuyết phục khi hàng chục năm qua tôi nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng để hỏi về “số phận” những sổ đỏ này.

Mảnh đất nơi ông Phương khai hoang, sinh sống trước đây giờ đã bị lấn chiếm.

Một điều bất thường khác mà ông Phương mong muốn có lời giải đáp chính xác, đó là, quá trình cơ quan chức năng ra quyết định cấp bìa, hủy bìa, ông là người liên quan trực tiếp nhưng tại sao lại không hay biết?!

Cơ quan chức năng gặp khó hay nhắm mắt làm ngơ?

Sau khi phát hiện có sự tồn tại của 09 sổ đỏ, ông Nguyễn Trung Phương đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan, với mong muốn các đơn vị liên quan giao lại toàn bộ sổ đỏ cũng như công nhận ông là chủ sử dụng duy nhất của 09 thửa đất nêu trên.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Lê Văn A, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk R’lấp, cho biết, phòng tôi được UBND huyện giao phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai và một số đơn vị khác xử lý đơn của ông Phương. Qua nghiên cứu đơn thấy, sự việc diễn ra hàng chục năm trước nên rất khó kiểm chứng được thông tin liên quan đến việc cơ quan chức năng thời điểm đó đã giao bìa, giao quyết định hủy bìa cho ông Phương hay chưa? Đối với 9 thửa đất mà ông Phương yêu cầu cơ quan chức năng giao lại sổ đỏ thì cơ quan chức năng đã ra quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý các thửa đất nói trên từ năm 2004. Đến nay, do phát sinh tranh chấp giữa 1 bên là ông Phương và bên còn lại là 8 hộ dân, nên cơ quan chức năng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa đất này. Đối với tranh chấp đất đai trên, chúng tôi khuyến khích các hộ tự hòa giải với nhau. Trong trường hợp hòa giải bất thành, 1 trong 2 bên tranh chấp có thể khởi kiện ra tòa để xử lý theo đúng quy định.

“Tranh chấp đất đai gắn liền với tài sản trên đất thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Khi có bản án của tòa, chúng tôi sẽ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thắng kiện”, ông A nói.

Kể về câu chuyện đi làm sổ đỏ cho chúng tôi nghe, ông Phương nói chuyện với giọng đầy nghẹn ngào: “Nhiều năm qua, tôi vất vả ngược xuôi mong làm được sổ đỏ để có chỗ ăn chỗ ở ổn định. Thế nhưng, không hiểu sao, toàn bộ tài sản, đất đai của tôi đã bị người khác lấn chiếm, làm nhà một cách dễ dàng? Phải chăng cơ quan chức năng đang tiếp tay cho người khác chiếm đoạt những lô đất của gia đình tôi?”.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin sự việc trên đến bạn đọc.

Trần Luật

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dak-nong-uan-khuc-23-nam-chua-lam-duoc-so-do-post31299.html