Đắk Nông: Ngổn ngang băn khoăn ở những người làm công tác dân số

Tỉnh Đắk Nông mới đây đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, việc sắp xếp đang có những bất cập khiến nhiều cán bộ làm công tác dân số, đặc biệt là cán bộ nữ, băn khoăn và tâm tư.

Cán bộ dân số sợ sẽ bị "lơ là" công tác truyền thông, vận động

Trước đó, theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tại tỉnh Đắk Nông đã triển khai tiến hành sát nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm y tế thành Trung tâm Y tế đa chức năng tại các huyện/thị. Tại tuyến xã/phường, cán bộ chuyên trách trước đó UBND cấp xã quản lý, nay chuyển về cho trạm y tế xã quản lý; Về đối tượng cộng tác viên dân số tại các thôn/bản cũng đã cắt giảm...

Mặc dù trước đó, ngày 08/5/2018 Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố phối hợp với các Sở/ngành có liên quan tiếp tục củng cố, kiện toàn, ổn định bộ máy làm công tác Dân số và phát triển ở địa phương đến khi có quy định mới để không ảnh hưởng tới tâm lý của cán bộ, công chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tại Đắk Nông đã nảy sinh những khó khăn, bất cập.

Ở cấp tỉnh, mới đây Sở Nội vụ đã có ý kiến về việc Đề án sắp xếp tổ chức bên trong, theo đó Chi cục Dân số, sau khi sắp xếp lại, từ 3 phòng với 12 biên chế, 1 hợp đồng, giờ giảm xuống còn 10 biên chế và đề nghị không thành lập phòng bên trong Chi cục; Toàn bộ bộ phận văn thư, thủ quỹ, kế toán, lái xe của Chi cục bị chuyển về Văn phòng Sở y tế… Sự thay đổi này đang gây ra nhiều khó khăn trong triển khai các hoạt động chuyên môn của Chi cục.

Tại cấp huyện/thị, trong khi tại nhiều tỉnh/thành khác, Giám đốc Trung tâm dân số huyện/thị được chuyển sang làm Phó Giám đốc trung tâm Y tế huyện/thị phụ trách công tác dân số thì ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), nữ lãnh đạo Trung tâm Dân số bị điều chuyển sang làm việc ở 1 khoa liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản kết hợp với dân số trực thuộc Trung tâm Y tế; Tại huyện Krông Nô, Giám đốc Trung tâm Dân số cũng vừa điều chuyển về làm trưởng khoa Dân số của Trung tâm Y tế huyện…;

Tại tuyến xã, hầu hết cán bộ cán bộ chuyên trách trước đó UBND cấp xã quản lý, nay chuyển về cho trạm y tế xã quản lý nhưng hiện chưa được tiếp cận với đề án sắp xếp nhân sự việc làm; Nhiều chị em trong diện này cảm thấy hoang mang, lo lắng vì không biết công việc mới của mình khi chuyển sang trạm y tế sẽ như thế nào, sợ sẽ bị “y tế hóa dân số”; Trong khi đó, theo chị em, công tác dân số là việc làm khó. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, cán bộ chuyên trách dân số không chỉ vận động một lần mà phải đi đến từng hộ dân, vận động người dân hai, ba lần, thậm chí nhiều hơn mới có kết quả, giờ sát nhập, họ sợ sẽ lơ là công tác truyền thông vận động bà con thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển...

Các nữ cán bộ chuyên trách cấp xã ở Krông Nô cho biết trước những xáo trộn về thay đổi bộ máy nhân sự làm họ băn khoăn, lo lắng sắp tới sẽ không còn được dành nhiều thời gian cho các hoạt động của dân số và phát triển (vận động chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh...)

Về đối tượng cộng tác viên dân số tại các thôn/bản, năm 2018 tại một huyện như Krông Nô cắt giảm từ 203 người xuống chỉ còn 104 người và trong số đó giữ lại rất ít người làm dân số mà đa phần là do cộng tác viên y tế được thay thế vào và kiêm nhiệm; một số người còn mới nhận nhiệm vụ, chưa nắm bắt được công việc liên quan đến dân số…

Theo ông Trần Quýt nguyên Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Krông Nô: “Việc giảm số lượng cộng tác viên dân số, thay thế vào là cộng tác viên y tế kiêm nhiệm nên có những người mới nhận nhiệm vụ, chưa nắm bắt được công việc mới liên quan đến truyền thông, vận động về dân số và phát triển, kế hoạch hóa gia đình nên đã phần nào làm ảnh hưởng đến các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua”

Gặp khó khăn khi ngân sách bị cắt giảm

Bên cạnh việc xáo trộn về nhân sự, trong thời gian qua, nguồn kinh phí cho công tác dân số ở Đắk Nông cũng bị cắt giảm do nguồn hỗ trợ từ kinh phí địa phương hạn chế. Cụ thể, đối với biện pháp đình sản, các cặp vợ chồng phải tự chi trả toàn bộ chi phí theo quy định của bệnh viện đa khoa huyện; Tại huyện Krông Nô, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi cũng bị cắt giảm, đặc biệt là tại tuyến xã đã bị cắt hoàn toàn. Hiện, tài liệu truyền thông chưa đáp ứng được nhu cầu truyền thông tại tuyến huyện và xã; Sản phẩm truyền thông chưa đáp ứng được nhu cầu cả về lượng và chất; thiếu các sản phẩm dành cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Về phụ cấp cho cộng tác viên, theo chị Nguyễn Thị Hà (thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa), đại diện cho nhóm chị em cộng tác viên dân số tại địa bàn cho biết: “Ở đây cư dân sống rải rác, đường đi lại khó khăn, mỗi lần đi truyền thông, vận động đến từ ngõ, gõ từng nhà rất là cực. Nhiều gia đình, chúng tôi phải đi bộ mới tìm được đến nơi trong khi đó, mức thù lao trước đó quá thấp, chỉ có 170 ngàn/tháng, nay lại bị cắt giảm xuống chỉ còn 70 ngàn đồng/tháng".

Theo chị Nguyễn Thị Hà: "Với sự đầu tư, động viên không thỏa đáng, tâm lý cộng tác viên bị nản, có nhiều người đã chán, bỏ không làm nữa”

Làm thế nào để đạt được hiệu quả hoạt động sau khi sát nhập đang là một câu hỏi lớn và khó đối với những người làm công tác dân số ở Đắk Nông, nhất là khi Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới yêu cầu chuyển hướng trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển với nhiều nhiệm vụ và yêu cầu lớn hơn.

Theo thông tin từ Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh Đắk Nông, trong thời gian qua, rất nhiều chỉ tiêu liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh... đề ra đã không đạt được. Hiện ở Đắk Nông mức sinh vẫn còn cao; năm 2017, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 1.420 trẻ. Việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh chỉ được 191 ca (40,38%), tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật sơ sinh là 54,9%; Trong 9 tháng 2018, kế hoạch đề ra với phụ nữ cấy thuốc tránh thai cũng chỉ đạt 49%, chỉ tiêu đặt dụng cụ tử cung ở toàn tỉnh là 7.500 ca nhưng chỉ thực hiện được 3.520 ca (46,9%); trong đó huyện Đắk Song thấp nhất là 23,8%, thị xã Gia Nghĩa là 31,4%...

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/dak-nong-ngon-ngang-ban-khoan-o-nhung-nguoi-lam-cong-tac-dan-so-post50506.html