Đắk Nông: Gần 20 năm 'đội đơn' đi xin cấp GCN QSDĐ

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Thắng phản ánh tới Công lý & Xã hội về việc gần 20 năm qua, gia đình ông bà nhận chuyển nhượng đất của những cán bộ Lâm trường Hồng An (cũ), nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCN QSDĐ thậm chí còn bị UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất một cách 'bất ngờ'.

Theo phản ánh, ngày 17/04/1991, UBND huyện Đắk R’Lấp (tỉnh Đắk Lắk) ban hành Quyết định 01/QĐ-UB, quyết định về việc giao đất cho Lâm trường Hồng An để sử dụng vào mục đích làm trụ sở Lâm trường và nhà ở cán bộ công nhân viên. Diện tích theo sơ đồ xin cấp đất xây dựng trụ sở lâm trường Hồng An (cũ), kèm theo Quyết định 01/QĐ-UB là 10.000m2, trong đó chiều dài theo Quốc lộ 14 là 200m, rộng là 50m.

Lâm trường Hồng An (cũ) đã sử dụng quỹ đất được giao trên vào việc xây dựng trụ sở Lâm trường và phần còn lại thì quyết định cấp cho các cán bộ công nhân, viên chức và người lao động của Lâm trường để ổn định cuộc sống. Người thì sử dụng để xây dựng nhà cửa kiên cố, người thì chuyển nhượng cho người khác để sử dụng (bằng hình thức viết giấy tay)

Vào năm 2001, gia đình ông Trần Ngọc Thắng mua lại của một số cán bộ Lâm trường Hồng An gồm: Ông Lê Văn Động - nguyên là Giám đốc Lâm trường Hồng An (nay đã chết); ông Nguyễn Bình Độ - nguyên Kế toán trưởng (nay đã chết) và ông Vũ Xuân Mai -Trưởng phòng tổ chức với diện tích chiều dài dọc Quốc lộ 14 là 32m, rộng 50m, việc mua bán thực hiện dưới hình thức viết giấy tay.

Đến đầu năm 2009, kinh tế khó khăn nên gia đình ông Thắng sang nhượng toàn bộ mảnh đất nêu trên cho ông Nguyễn Bá Minh quản lý và sử dụng. Năm 2013 gia đình ông Thắng, bà Lan mua lại mảnh đất đã bán cho ông Minh. Từ năm 2001 đến hiện nay gia đình quản lý và sử dụng không có bất kỳ tranh chấp nào.

Mảnh đất của ông Thắng, bà Lan đã nhiều lần xin cấp GCNQSDĐ vẫn chưa được

Mảnh đất của ông Thắng, bà Lan đã nhiều lần xin cấp GCNQSDĐ vẫn chưa được

Trước đó, vào năm 2005, Lâm trường Hồng An giải thể theo Quyết định số 1804/QĐ-CTUBND ngày 30/11/2005. Đến 09/08/2008 UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Công văn số 1835/UBND-TH về việc thu hồi đất của Lâm trường Hồng An, Đạo Nghĩa (cũ).

Tại biên bản bàn giao tài sản ngày 06/01/2009, đã chỉ ra rõ vị trí phần đất cần thu hồi (Hiện nay đang xây dựng trụ sở Công an TT Kiến Đức), phần đất còn lại không bàn giao do nằm ngoài khuôn viên văn phòng của Lâm trường.

Cũng trong năm 2009, thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn đi qua TT Kiến Đức, tỉnh Đắk Nông thuộc dự án đường Hồ Chí Minh tại Thông báo (Lần 1) số 02/TB-HĐĐB ngày 06/01/2009, tại số thứ tự 125 có tên ông Nguyễn Bá Minh (ông Minh mua lại mảnh đất của gia đình ông Thắng giai đoạn 2009-2013), ông Minh được đền bù các hạng mục như: Đất đai với số tiền 18.009.000 đồng; Nhà cửa, vật kiến trúc với số tiền 13.758.785 đồng; Cây trồng, hoa màu với số tiền 477.000 đồng; Chính sách hỗ trợ với số tiền 10.800.000 đồng; Tổng cộng ông Mminh nhận được tiền đền bù là 43.044.785 đồng.

Điểm đáng chú ý là từ khi sang nhượng mảnh đất nêu trên cho đến nay, gia đình ông Thắng - bà Lan đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin cấp GCN QSDĐ nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa được cấp.

“Gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng nhưng không có ai đứng ra để trả lời tôi vì sao không được cấp GCN QSDĐ. Gia đình tôi đã vất vả, tốn rất nhiều thời gian, công sức tiền của với mảnh đất này. Đây là tài sản tôi mua để dành cho con cháu, giờ không làm được sổ thì phải làm thế nào?”, ông Thắng nói.

Qua tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Vinh - nguyên là cán bộ lâm trường Hồng An (cũ), hiện nay đang là Phó chủ tịch HĐND huyện Đắk R’Lấp, sinh sống trên vị trí đất của Lâm trường, cũng được cấp đất theo theo quyết định của Lâm trường thì đã được cấp GCN QSDĐ.

Hay như trường hợp mảnh đất liền kề với ông Thắng, bà Lan mới đây cũng đã được cấp GCN QSDĐ. Câu hỏi đặt ra, tại sao cùng một lịch sử, cùng một loại đất như nhau mà người thì được cấp GCN QSDĐ, người lại không?

Ở một chiều hướng khác, liên quan đến mảnh đất nêu trên ngày 03/07/2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 994/QĐ-UBND thu hồi mảnh đất trên của gia đình ông Thắng, bà Lan. Trong khi gia đình ông bà không hề hay biết tỉnh có quyết định thu hồi này.

Chia sẻ với phóng viên, bà Lan bức xúc: “Xưa nay, ai sống trong khu vực này cũng đều biết đây là đất của tôi, thậm chí lãnh đạo từ xã đến huyện cũng rõ điều này. Tôi không hề hay biết chuyện tỉnh thu hồi đất của gia đình tôi, cho đến khi tôi nghe được thông tin này từ những người bạn. Tại sao không có một thông báo nào, không có một buổi làm việc chính thức nào mời gia đình tôi làm việc về vấn đề thu hồi đất này? Vợ chồng tôi đều không biết chữ, nhưng khi muốn thu hồi đất của gia đình tôi thì cũng phải thông báo hoặc mời làm việc chứ?”.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên đã liên hệ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk R’Lấp thì một cán bộ cho biết, quyết định là của tỉnh nên phải làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.

Tiếp tục làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Lưu Văn Long-Trưởng Phòng Quy hoạch giao đất cho biết: “Chúng tôi làm văn bản tham mưu cho UBND tỉnh về việc thu hồi dựa vào đề xuất của UBND huyện Đắk R’lấp. Giao lại cho UBND huyện quản lý, bố trí và sử dụng còn việc huyện cấp cho ai thì là thẩm quyền giải quyết của UBND huyện”!?.

Có thể thấy, cùng một loại đất, một lịch sử hình thành nhưng người được tất cả, người lại bị thu hồi... dư luận đặt ra câu hỏi đã có sự công bằng hay chưa?

Chưa bàn về chuyện đúng sai trong việc thu hồi nhưng nếu như thu hồi đất của Lâm trường đã giải thể thì không thể để xảy ra tình trạng “nhất bên trọng nhất bên khinh” như hiện nay. Vì sao gia đình ông Thắng, bà Lan bị thu hồi còn những trường hợp khác lại không? Vì sao các gia đình khác được cấp GCN QSDĐ mà gia đình ông Thắng bà Lan lại không?...

Lê Vương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/dak-nong-gan-20-nam-doi-don-di-xin-cap-gcn-qsdd-41049.html