Đắk Nông: Đường điện chạy về làng, vẫn tù mù đèn dầu vì không đấu nối

Mặc dù đường điện kéo về làng đã 2 năm nhưng không thể đấu nối, bà con làng Dao phải thắp đèn dầu hoặc sử dụng bình ắc quy, sống trong cảnh 'đói' điện.

Người dân làng Dao phải dùng bình ắc quy, đèn dầu thắp sáng hơn 10 năm qua.

Người dân làng Dao phải dùng bình ắc quy, đèn dầu thắp sáng hơn 10 năm qua.

Ngày ngày mong ngóng điện

Theo phản ánh của người dân làng Dao, hơn 10 năm qua, bà con phải sống trong cảnh tù mù của đèn dầu, cực khổ, thiệt thòi trăm bề vì không có điện. Hiếm hoi lắm mới có vài gia đình sắm được pin năng lượng mặt trời để thắp sáng.

Cực chẳng đã, bà con nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền để “xin” điện về làng.

Năm 2019, một đường điện hoành tráng đã được kéo thẳng về làng Dao và cho hạ áp qua 2 trạm. Bà con ai nấy đều mừng, nghĩ bụng sẽ sớm có điện.

Thế nhưng, đường điện treo trên cao như "trêu ngươi" vì không đấu nối, không có điện dùng sinh hoạt. Đến nay, đã vào những tháng cuối năm 2020, người dân làng Dao vẫn chưa có điện.

Đường điện vào làng Dao đã hoàn thành nhưng chưa thể đấu nối.

Ông Triệu Văn Hùng (người làng Dao) cho hay: “Chúng tôi sống cảnh tăm tối tù mù lâu cũng quen rồi. Thế nhưng, các con, các cháu, thế hệ trẻ sau này cần ánh sáng, cần điện để học hành, phát triển. Giờ điện đã kéo về làng mà không đấu nối khiến chúng tôi càng thêm sốt ruột. Mong ngóng lắm!”.

Cũng theo ông Hùng, vì không có điện, đất lại nhiều đá nên bà con không khoan, không đào được giếng. Trong làng Dao, người dân thường phải dùng nước sinh hoạt từ ao. Nhà nào có máy nổ thì bơm, nhà nào không có thì xách về đổ vào thùng phi dùng dần, cuộc sống bộn bề khó khăn.

Bà Chìu Thị Tài (65 tuổi, người làng Dao) cho hay, hiện bà đã lớn tuổi, cuối đời bà không mong ước gì hơn ngoài việc được thấy điện về làng. “Tôi già rồi, xách nước còng lưng cả chục năm nay. Giờ tôi chỉ mong có điện, cho bà con khoan giếng, dùng nước sạch chứ dùng nước ao bẩn, tội nghiệp mấy cháu nhỏ lắm”.

Người dân làng Dao phản ánh việc “đói” điện ngay dưới đường điện.

Bao giờ đấu nối?

Ông Hoàng Văn Thoại, trưởng thôn Đức Bình cho hay, năm 2007-2008, hàng chục hộ dân di cư từ Lạng Sơn vào sinh sống tại thôn Đức Bình và thành lập nên làng Dao. Hiện, trong làng có khoảng 50 hộ với 300 nhân khẩu sinh sống.

Do không có điện nên bà con tại làng Dao chịu nhiều thiệt thòi, gặp muôn vàn khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. “Giờ điện đã kéo về làng nhưng chưa đấu nối. Tôi sẽ cùng bà con kiến nghị để các cấp chính quyền xem xét, giải quyết, đấu nối điện trong thời gian sớm nhất cho làng Dao”, ông Thoại cho hay.

Nhiều người phải xách nước từ ao hồ về sinh hoạt vì không khoan, đào được giếng.

Theo hồ sơ, dự án lắp đặt thiết bị điện tại làng Dao có tổng mức đầu tư 4,3 tỉ đồng, khởi công ngày 16/7/2019, dự kiến hoàn thành tháng 7/2020. Đây là gói thầu thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia sử dụng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2014-2020.

Trước đây, điện lực Đắk Nông đã có thỏa thuận đấu nối vào đường điện có sẵn của mỏ đá Thạch Lợi (thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh). Tuy nhiên, tháng 12/2019, khi khối lượng thi công đạt được 95%, có 2 hộ dân không cho kéo điện qua đất mình và đòi tiền bồi thường.

Đến nay (năm 2020), mỏ đá Thạch Lợi bị rút giấy phép nên không cho điện lực đấu nối vào đường dây của họ. Hiện tại, gói thầu đã được UBND tỉnh Đắk Nông điều chỉnh thời gian thực hiện đến tháng 12/2020.

Ông Nguyễn Quang Tứ, Giám đốc ban Quản lý dự án Giao thông - Dân dụng - Công nghiệp tỉnh Đắk Nông (đơn vị chủ đầu tư) cho biết hiện đơn vị đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông về giải pháp đấu nối điện cho người dân làng Dao trong thời gian tới.

Chia sẻ với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc chi nhánh điện lực Đắk Mil cho hay, các đơn vị liên quan đã nhiều lần tổ chức họp, xem xét vấn đề đấu nối điện về làng Dao. Hiện nay chưa có kết quả cuối cùng nhưng quan điểm của ngành điện lực là luôn ủng hộ, sẵn sàng cấp điện để bà con làng Dao ổn định cuộc sống.

Trần Nhân - Hải Dương

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/dak-nong-dan-do-i-dien-duo-i-duo-ng-day-die-n-270003.html