Đắk Nông: Cây ăn trái mang lại sự giàu có

Ở Đắk Nông, việc phát triển cây ăn trái từ trồng xen vườn cà phê, hồ tiêu đến trồng thuần đều cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình trở nên giàu có.

 Phát triển cây ăn trái, nông dân tỉnh Đắk Nông thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Ảnh: Mai Phương.

Phát triển cây ăn trái, nông dân tỉnh Đắk Nông thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Ảnh: Mai Phương.

Thu hoạch quanh năm

Khi những vườn cà phê bắt đầu bước vào giai đoạn kết trái thì cũng là lúc người dân ở huyện Đăk Mil (tỉnh Đắk Nông) bắt tay vào thu hoạch mít, xoài, bơ… Đây là những cây trồng được xen trong vườn để bổ sung nguồn thu nhập, phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc, nông dân xã Đăk Rla (huyện Đăk Mil) thổ lộ, dù giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp nhưng nông dân ở địa phương vẫn sống khỏe, vẫn có nguồn thu nhập đều.

Đưa chúng tôi vào thăm vườn, ông Quốc chỉ tay về gốc mít và chia sẻ: “Nếu không có nó (mít) thì vụ này không ăn thua vì giá cà xuống quá thấp. Vườn nhà tôi có 300 cây mít Thái 2 năm tuổi xen với cà phê 10 năm. Cây cho trái bói nhưng từ đầu tháng 3 đến nay, tôi bán được 1,5 tấn trái”.

Theo ông Quốc, những năm trước, gia đình ông chỉ tập trung phát triển 3ha cà phê và mọi nguồn thu nhập đều dựa cả vào nông sản này. Khi giá cà xuống thấp, nguồn thu về chỉ đủ gia đình chi trả các khoản về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền công chăm sóc.

Năm 2013, ông bắt đầu trồng xen bơ vào vườn cà phê và đến 2018 thì tiếp tục trồng thêm mít Thái. Ông Quốc vui mừng chia sẻ: “Bây giờ tiền bán cà phê dành cho các chi phí sản xuất, còn lại, tiền thu từ quả bơ và mít xem như lãi ròng”.

Nông dân này cho hay, trung bình, một ha cà phê cho thu về khoảng 100-120 triệu đồng. Nếu trồng thêm 100 cây bơ thì nguồn thu nhập được cải thiện thêm.

“Bơ hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt nên mỗi ha có thể thu về khoảng 15 tấn trái. Như vậy, mỗi vụ bơ cũng có thể thu về trên 200 triệu đồng”, ông Quốc nhẩm tính.

Trong khi đó, gia đình ông Hùng ở xã Đăk Lao cũng đang có vụ mùa phấn khởi khi 45 cây bơ trong vườn cho trái trĩu cành, chuẩn bị thu hoạch. Gia đình ông Hùng thực hiện trồng xen bơ vào 3,5ha cà phê từ khoảng 6 năm trước và số cây này cho trái đều.

Theo ông, hiện nay, việc phát triển cùng lúc nhiều loại cây trong vườn sẽ giúp nhà vườn tránh được các rủi ro về dịch bệnh, giá cả thị trường.

Ông phân tích: “Cà phê cho thu hoạch mỗi năm một vụ và người làm vườn đầu tư theo hình thức ‘được ăn cả - ngã về không’. Nếu trồng thêm cây bơ, cây sầu riêng thì cơ hội tăng thu nhập được nhân lên, giảm được áp lực về nguồn thu để duy trì sản xuất.

Trong một năm, sau khi thu hoạch cà phê thì chủ vườn sẽ bước vào thu hoạch bơ, thu hoạch sầu riêng… Do vậy, lúc nào cũng có tiền. Nếu cây này thua lỗ thì có cây kia bù đắp”.

Từ trồng xen đến trồng thuần, các loại cây ăn trái đang cho nông dân thu nhập cao. Ảnh: MP.

Mô hình chuyên canh xoài

Trên khu vườn rộng mênh mông, những cây xoài Đài Loan 7 năm tuổi của gia đình anh Tô Văn Trường (ngụ xã Đăk Rla) trĩu quả và bắt đầu cho thu hoạch. Anh Trường quê Lạng Sơn vào Đắk Nông lập nghiệp năm 2001.

Thời gian đầu, gia đình anh phát triển kinh tế bằng hình thức canh tác cà phê, bắp, đậu tương. Đến khoảng năm 2013, thấy hiệu quả kinh tế không cao nên anh chuyển 6.000m2 vườn sang trồng thử nghiệm giống xoài Đài Loan. Hiện nay, những cây xoài lứa đầu tiên phát triển mạnh, cho thu hoạch đều đặn mỗi cây từ 50-80kg trái/vụ.

Nông dân 43 tuổi này chia sẻ, vùng đất ở thôn 8 xã Đăk Rla phù hợp với xoài, mít và bơ. Do vậy, cây phát triển nhanh, ít sâu bệnh và năng suất cao.

“Xoài cho trái nhiều, thị trường tiêu thụ đều nên hiện nay, gia đình tôi chuyển đổi toàn bộ 5ha sang trồng loại này. Trong đó, 6 sào cho thu hoạch đều đặn 10 tấn trái/vụ, số còn lại cho thu trái bói khoảng 8-9 tấn”, anh Tô Văn Trường chia sẻ.

Trên vườn, gia đình anh Trường phân bổ cây theo những hàng riêng biệt với cự ly 5m một cây. Xoài được chăm bón tỉ mẩn, cẩn thận nên mỗi trái có trọng lượng từ 8 lạng đến 1kg. Với giá bán dao động khoảng 15.000 đồng/kg, mỗi vụ, gia đình anh có cơ hội đạt lợi nhuận 200 triệu đồng/ha.

“Ngày chưa trồng xoài, cuộc sống gia đình rất chật vật. Nguồn thu từ cà phê, đậu tương, bắp có năm đủ trang trải cuộc sống, có năm mất mùa, mất giá thì thua lỗ. Bởi vậy nên cứ sinh ra nợ nần mãi”, anh Trường thổ lộ.

Hiện nay, mô hình trồng xoài Đài Loan ở thôn 8 xã Đăk Rla phát triển mạnh và trở thành sinh kế của nhiều gia đình.

Theo lãnh đạo địa phương, thôn 8 có khoảng 110 hộ dân thì trong đó có đến 70 hộ chuyển qua chuyên canh xoài Đài Loan với tổng diện tích ở vào khoảng 100ha. Người dân địa phương cho hay, nông sản họ làm ra và chủ yếu bán cho các thương lái trong vùng.

“May mắn khi nông sản làm ra bao nhiêu cũng đều tiêu thụ được. Đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá xoài có phần giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thương lái vẫn đến vườn thu đều. Nếu giá giảm xuống còn 8.000-10.000 đồng/kg thì một ha xoài chúng tôi vẫn lãi được 100 triệu đồng”, chị Nậm Thị Tuyết cho hay.

Phát triển chuỗi liên kết

Ở Đăk Mil, việc phát triển cây ăn trái từ mô hình trồng xen đến trồng thuần đều giúp nông dân cải thiện nguồn thu nhập, phát triển kinh tế.

Tuy vậy, việc phát triển cây trồng mang tính chất tự phát nên ngành nông nghiệp cần có biện pháp để hướng đến phát triển bền vững.

Ở Đăk Nông, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây ăn trái. Ảnh: MP.

Ông Nguyễn Bá Chín, Phó phòng NN-PTNT huyện Đăk Mil cho biết, địa phương có khoảng 31.000ha cây công nghiệp lâu năm, trong đó có trên 28.000ha cà phê và hồ tiêu. Cũng ở diện tích 28 nghìn ha này, nông dân đã trồng xen vào đó các loại cây ăn trái như mít, sầu riêng, bơ… để cải thiện nguồn thu nhập.

Ông Chín chia sẻ: “Diện tích trồng xen trên 80% và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích cao hơn nhiều lần so với trồng thuần. Do vậy, địa phương đã định hướng cho người dân thực hiện các mô hình xen canh, đặc biệt xen cây sầu riêng, bơ, mít vào vườn cà phê vì đây là những cây trồng có giá trị kinh tế cao”.

Cũng theo ông Chín, việc trồng xen được xem là mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng luôn hướng dẫn nông dân thực hiện một cách thận trọng. Không để cây trồng xen lấn át cây thuần và không phát triển một cách ồ ạt. Ngành nông nghiệp xác định cây cà phê, hồ tiêu vẫn là cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương.

Cần cơ sở chế biến, đóng gói cây ăn trái

Ông Nguyễn Bá Chín: Huyện Đắk Mil đang phát triển mạnh về cây ăn trái và mỗi năm đạt sản lượng lớn. Tuy vậy, việc phát triển thị trường chỉ phụ thuộc vào buôn bán tự do, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Huyện chưa có đơn vị nào xây dựng cơ sở chế biến hay đóng gói xuất khẩu nên tiềm ẩn nguy cơ rủi ro từ biến động giá thị trường.

Huyện đã có nhiều chính sách kêu gọi đầu tư, tạo cơ hội cho các tổ hợp tác, doanh nghiệp nhưng vẫn chưa thể phát triển theo mong muốn.

MINH HẬU – KIM SƠ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dak-nong-cay-an-trai-mang-lai-su-giau-co-d267213.html