Đắk Lắk: Tìm hướng đi mới cho nghề truyền thống tiềm năng của đồng bào DTTS

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại Đắk Lắk đã mai một dần. Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk cùng các cơ quan chuyên môn đang nỗ lực để phục hồi một số nghề truyền thống có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Nghề dệt thổ cẩm tại Đắk Lắk đang gặp khó vì ít đầu ra

Nghề dệt thổ cẩm tại Đắk Lắk đang gặp khó vì ít đầu ra

Nhiều nghề truyền thống

Đắk Lắk là một trong những tỉnh có rất nhiều nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số như Ê Đê, M’nông… Những sản phẩm truyền thống mà bà con làm ra không đơn thuần là những vật dụng mà còn chứa đựng các giá trị văn hóa, thẩm mĩ, phong tục tập quán, tín ngưỡng tâm linh của người dân nơi đây.

Cùng với sự phát triển của xã hội, một số nghề truyền thống tại tỉnh Đắk Lắk đã bị mai một dần do không còn thiết thực, nhưng hiện nay vẫn có nhiều nghề truyền thống lâu đời, có tiềm năng phục hồi, phát triển với những sản phẩm đặc biệt được nhiều người biết đến như dệt thổ cẩm, rượu cần, gốm…

Việc phát triển nghề truyền thống ở Đắk Lắk trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả của việc khai thác, phát huy các giá trị của sản phẩm truyền thống còn nhiều tồn tại, hạn chế. Có một số nghề đang hoạt động theo kiểu tự phát, chưa được đầu tư nhiều để phát triển thành các sản phẩm hay thương hiệu.

Bên cạnh đó, sự tác động của hội nhập kinh tế chưa thể làm chuyển biến những đặc điểm mang tính cố hữu của sản xuất thủ công truyền thống. Hiện nay, vẫn còn tình trạng sản xuất manh mún, phân tán, chưa hình thành làng nghề chuyên sâu. Điều này khiến các sản phẩm làm ra nhỏ lẻ, chất lượng hạn chế, kiểu dáng mẫu mã chưa đang dạng, phong phú nhưng giá thành lại cao làm mất đi tính cạnh tranh.

Theo các đánh giá chuyên môn, hình thức tổ chức sản xuất, tại làng nghề và các cụm nghề nông thôn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, đa số chủ thể là nông dân, sản xuất với quy mô nhỏ, trình độ quản lý thấp, các sản phẩm còn nhiều lỗi, chưa phù hợp với thị hiếu của khách hàng gây lãng phí công sức và thành quả lao động.

Bên cạnh đó, phần lớn máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất tại các cụm nghề còn lạc hậu, kém hiệu quả. Nhìn chung, trong các cụm nghề tại Đắk Lắk hiện nay, chỉ có nghề thủ công mỹ nghệ và sản xuất bánh tráng mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Ngoài ra, những cụm nghề khác như dệt thổ cẩm, làm gốm… mức thu nhập còn thấp.

Cần hướng đi đúng

Nếu tìm được đầu ra, nghề dệt thổ cẩm sẽ tận dụng được nguồn lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân

Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk xác định, cần tìm hướng đi mới, mang tính bền vững cho những nghề truyền thống trên địa bàn và tạo mọi điều kiện để những cụm, điểm nghề truyền thống phát triển thành làng nghề chuyên sâu.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ có duy nhất một làng nghề làm bánh tráng tại xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn). Còn lại, những nơi khác đều là cụm nghề truyền thống như dệt thổ cẩm tại xã Ea Tul, huyện Cư Mgar và xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột; nghề nấu rượu bằng men lá tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng; cụm nghề trồng hoa-cây cảnh tại xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột).

Theo phân tích chuyên sâu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cụm nghề nấu rượu bằng men lá, nghề dệt thổ cẩm và nghề thủ công mỹ nghệ có nhiều tiềm năng, yếu tố để phát triển thành làng nghề truyền thống trong tương lai, giúp bà con có việc làm và thu nhập ổn định.

Chẳng hạn như nghề thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các sản phẩm mỹ nghệ về gỗ đang phát triển thịnh hành tại Đắk Lắk. Hiện nay, nguồn nguyên liệu khan hiếm nhưng nhu cầu của khách hàng vẫn cao, đây cũng là mặt hàng cao cấp, dự tính sẽ có khả năng phát triển thành làng nghề.

Tuy nhiên, cái khó của nghề thủ công mỹ nghệ đó là việc cần vốn nhiều để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất. Hơn thế, nghề này cần phải có ít nhiều năng khiếu về thẩm mỹ, mỹ thuật.

Theo bà H’Jing Ayun-Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thổ cẩm xã Ea Tul (Cư Mgar, Đắk Lắk), để HTX tồn tại và phát triển, khâu quan trọng nhất vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm. Trên thực tế, hiện nay HTX đang gặp khó vì chưa có đầu ra ổn định, các xã viên chỉ tranh thủ làm việc những lúc nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.

Còn chị H’Dăm Niê-Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao-TP Buôn Ma Thuột) cho hay, đa số các mặt hàng của HTX sản xuất ra chỉ nhập đến các quầy bán hàng lưu niệm và điểm du lịch trong tỉnh, còn việc xuất hàng đi thị trường ngoại tỉnh chưa đáng kể.

Cũng theo lời chị H’Dăm, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm bằng máy, chất liệu vải mỏng, đẹp giá cả lại rẻ nên được ưa chuộng hơn. Trong khi đó, sản phẩm thổ cẩm dệt tay phải mất nhiều thời gian, kì công, giá lại cao nên khó cạnh tranh.

Trước thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có đề án phát triển làng nghề truyền thống có định hướng đến năm 2020. Theo đề án này, các cơ quan, ban ngành tỉnh Đắk Lắk cần nỗ lực, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ những cụm nghề truyền thống có tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngoài việc hỗ trợ vốn, các đơn vị cũng cần chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt là phải tạo nên thương hiệu của từng sản phẩm để tạo uy tín, lòng tin với khách hàng.

Trần Nhân-Hải Dương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dak-lak-tim-huong-di-moi-cho-nghe-truyen-thong-tiem-nang-cua-dong-bao-dtts-post277278.info