Đắk Lắk: Thận trọng với các giống tiêu mới

Tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê 2017, các doanh nghiệp kinh doanh cây giống ở Đắk Lắk đã giới thiệu với nông dân một số loại giống tiêu mới.

Cụ thể, Công ty Cổ phần thương mại Minh Phát giới thiệu 2 giống mới là tiêu Thekken nguồn gốc Ấn Độ và tiêu Srilanca; còn Công ty TNHH MTV Dakfam trưng bày giống tiêu trâu rễ cọc, có nguồn gốc Malaysia.

Theo anh Đậu Chí Thanh, chủ một cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tiêu mẹ Srilanca để lấy chồi ươm giống phần lớn được nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và Camphuchia.

Kết quả trồng khảo nghiệm tại một số địa bàn trong tỉnh, các loại giống tiêu này được đánh giá là khả năng chống chịu, kháng bệnh chết nhanh, chết chậm tốt, từ năm thứ 3 trở đi, năng suất có thể đạt bình quân 8 – 12 kg/trụ (năng suất phổ biến 6 kg/trụ).

Còn tiêu rễ cọc thì được tiếp thị có ưu điểm là bộ rễ khỏe, có khả năng ăn sâu vào đất, nên khả năng chống chịu hạn tốt, thời gian khai thác kéo dài; việc chăm sóc cũng dễ hơn, lượng nước tưới, phân bón giảm so với tiêu rễ chùm.

Chị Nguyễn Thị Dung, thôn 16, xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) cho biết, chưa biết chất lượng thực tế như thế nào, nhưng thấy nhiều người tìm hiểu và mua các loại giống tiêu mới, chị cũng mua 100 bầu tiêu giống Srilanca và tiêu trâu rễ cọc về trồng thử.

Người dân tham quan, chọn mua tiêu giống tại Hội chợ

Khảo sát các vườn ươm tại TP. Buôn Ma Thuột cho thấy những giống tiêu phổ biến là tiêu Vĩnh Linh, tiêu sẻ Lộc Ninh, tiêu sẻ mỡ, tiêu Ấn Độ, tiêu Phú Quốc và tiêu trâu Malaysia.

Mặc dù các nhà vườn quảng cáo chất lượng tiêu giống với những lời “có cánh”, nhưng chất lượng thực tế thì vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Có một tình trạng đáng lo ngại là nhiều chủ vườn ươm không có cây mẹ đầu dòng để làm giống mà mua hom tiêu ngẫu nhiên của người dân rồi cắt thành từng đoạn ngắn để ươm vào bầu.

Còn đa số nông dân thì mua tiêu giống chủ yếu cũng dựa vào kinh nghiệm, việc chọn được giống tiêu tốt là do… hên xui, bởi việc kiểm chứng chất lượng cây giống đang còn nhiều lỗ hổng.

Đặc biệt, thời gian qua, nhiều vùng trồng tiêu trên địa bàn tỉnh xuất hiện các loại bệnh, trong đó, nhiều nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm.

Do tình trạng sản xuất, kinh doanh cây giống như trên nên tiềm ẩn nhiều rủi ro; nông dân mua về trồng không biết tiêu có bị nhiễm bệnh hay không.

Có thể thấy, thị trường giống tiêu rất phong phú, nguồn cung khá dồi dào. Tuy nhiên, bộ danh mục giống tiêu chưa được Bộ NN-PTNT công bố chính thức, các giống tiêu trên địa bàn tỉnh chủ yếu tuyển chọn theo kinh nghiệm trong thực tế và được sản xuất, trao đổi một cách tự phát.

Điều này khiến bà con lúng túng không biết chọn giống tiêu nào bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, một số loại tiêu ghép giống mới đang trồng thử nghiệm để nghiên cứu nên cần chờ kết quả thực tế về năng suất, chất lượng sản phẩm sau thu hoạch mới đưa ra kết luận chính xác, do đó, người dân không nên đưa vào trồng một cách ồ ạt, nhằm tránh thiệt hại về kinh tế.

Theo Tiến sĩ Đặng Bá Đàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên), người dân khi cần mua giống tiêu nên đến các cơ sở vườn ươm có uy tín, bởi giống được chọn lọc từ những vườn năng suất cao sẽ không nhiễm sâu bệnh.

Về mặt cảm quan, giống tốt phải có chiều cao khoảng 30 cm, ít nhất từ 5 – 6 lá và bộ rễ có phát triển không.

Đặc biệt, cách tốt nhất là phải tìm hiểu nguồn gốc cây đầu dòng và xem trực tiếp để biết chất lượng thực tế của giống; theo đó, cây đầu dòng phải khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh và cho năng suất cao, ổn định trong thời gian tối thiểu 3 năm.

Tây Nguyên

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/dak-lak-than-trong-voi-cac-giong-tieu-moi_n21066.html