Đắk Lắk: Nhiều diện tích cao su trên đất rừng khộp kém phát triển

Ea Súp là một trong những huyện của tỉnh Đắk Lắk với nhiều diện tích rừng khộp bị phá bỏ chuyển đất sang trồng cao su. Đến nay, nhiều diện tích cao su trồng trên đất rừng khộp kém phát triển dù hết chu kỳ kiến thiết cơ bản (từ 5 - 6 năm) nhưng vườn cây vẫn khẳng khiu chưa đưa vào kinh doanh khai thác mủ được.

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN).

Thậm chí, nhiều vườn cây kém phát triển nên chủ dự án, hộ gia đình không chăm sóc để chết hàng trăm hécta, hoặc phá bỏ chuyển sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn huyện Ea Súp có 9 dự án thí điểm trồng cao su của doanh nghiệp, với tổng diện tích thuê đất gần 7.000 ha; trong đó, trồng được 1.050 ha.

Theo đó, Công ty cổ phần Cao su Trí Đức có diện tích trồng nhiều nhất, với gần 300 ha, các doanh nghiệp khác trồng thí điểm từ 100 - 200 ha.

Qua kiểm tra, đánh giá của các đơn vị chức năng, nhiều diện tích cao su của các dự án sinh trưởng kém, không đồng đều nguyên nhân là do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không thích hợp, không được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chưa thực hiện tốt phòng cháy chữa cháy, chống ngập úng…

Năm 2010, Công ty TNHH Anh Quốc được tỉnh Đắk Lắk cho thuê 1.160 ha tại tiểu khu 293, xã Cư M’Lan để trồng 434,5 ha cao su, diện tích còn lại là trồng rừng. Đến năm 2011, Công ty đã trồng 100 ha cao su thế nhưng chỉ vài năm sau đó, diện tích cao su mới trồng này đã chết gần hết.
Công ty TNHH TM-DV-XNK Hoàng Gia Phát được tỉnh cho thuê gần 978 ha đất tại tiểu khu 134, 138 ở xã Ia J’Lơi để trồng cao su.

Đến nay, Công ty đã trồng trên 100 ha, nhưng qua kiểm tra đã có 30 ha bị chết cháy, chết khô, diện tích còn lại cũng phát triển kém. Công ty TNHH SX-XD-TM Đức Tâm cũng có nhiều diện tích cao su èo uột, chậm phát triển…

Không chỉ diện tích cao su của các doanh nghiệp kém phát triển mà phần lớn diện tích cao su của các nông hộ ở 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ea Súp trồng trên diện tích đất rừng khộp cũng xảy ra tình trang tương tự nên các nông hộ chặt bỏ chuyển đất sang trồng cây ăn quả như: xoài, chuối, hoặc các loại cây ngắn ngày như mía đường, ngô lai, đậu đỗ…mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tú, ở xã Ea Lê trước đây do chạy theo phong trào nên gia đình cũng đã đầu tư hàng chục triệu đồng để trồng trên 3 ha cao su. Sau 5 năm trồng, đầu tư chăm sóc nhưng vườn cây vẫn không phát triển nên gia đình mạnh dạn chặt bỏ toàn bộ diện tích chuyển sang trồng mía để có thu nhập cho gia đình…

Theo TS Tôn Nữ Tuấn Nam- Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, điều kiện đất đai, khí hậu vùng rừng khộp rất khắc nghiệt bởi tầng đất canh tác mỏng, khả năng ngập úng trong mùa mưa cao, lượng bốc hơi, nhiệt độ cao trong mùa khô nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây công nghiệp dài ngày, trong đó có cây cao su.

Do vậy, cần thận trọng khi có chủ trương phát triển cây cao su trên đất rừng khộp.

Quang Huy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/dak-lak-nhieu-dien-tich-cao-su-tren-dat-rung-khop-kem-phat-trien-tintuc409966