Đắk Lắk: Lừa tiền tỷ chỉ bằng… 'nước bọt'

Dù không có khả năng xin việc nhưng các đối tượng đã đưa ra nhiều thông tin gian dối như quen biết nhiều lãnh đạo ở các đơn vị, sở, ban, ngành với mục đích chiếm đoạt tiền của người dân để tiêu xài cá nhân. Chỉ đáng tiếc là đã có nhiều người đã phải mất tiền một cách oan ức.

Bị cáo Y Tuyến K’sơ tại tòa

Bị cáo Y Tuyến K’sơ tại tòa

Từ nữ quái siêu lừa đến hiệu trưởng trường học

Ngày 26/9/2018, Viện KSND Đắk Lắk đã ban hành cáo trạng, truy tố bị can Nguyễn Thị Hoa (SN 1962, ngụ xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) và bị can Nguyễn Thị Kim Thiên (SN 1982, ngụ xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, cùng tỉnh Đắk Lắk) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Thông tin ban đầu cho thấy, trong thời gian từ năm 2012 đến 2014, hai đối tượng Hoa và Thiên đã đưa ra thông tin gian dối về việc có nhiều mối quan hệ, quen biết với nhiều lãnh đạo các sở ban ngành ở các lĩnh vực công an, y tế, giáo dục, ngân hàng nên có khả năng xin đi học, xin việc làm, và luân chuyển công tác.

Trước những lời ngon ngon, hàng chục người dân đã tin tưởng, đưa hàng tỷ đồng cho hai đối tượng này để xin việc làm. Cụ thể, Hoa nhận 36 bộ hồ sơ xin việc và 1 hồ sơ xin kết nạp Đảng, đồng thời nhận tổng số tiền 2,1 tỷ đồng. Còn đối tượng Thiên nhận 455 triệu đồng của người dân để “chạy việc”.

Sau khi nhận tiền, cả hai đối tượng đã tiêu xài vào mục đích cá nhân. Sau thời gian chờ đợi, không thấy Hoa và Thiên thực hiện việc như đã hứa, người dân đã đến gặp hai người này để đòi lại tiền. Sau nhiều lần đòi tiền không được, các nạn nhân đã làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các đối tượng.

Đáng chú ý, vào cuối tháng 3/2018, Huỳnh Bê, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cũng bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận tiền “chạy” vào biên chế giáo viên.

Trong quá trình điều tra, bị can Huỳnh Bê khai nhận từ năm 2013 đến năm 2017, đã nhận tổng số tiền 890 triệu đồng để “chạy việc” cho 11 người, trong đó, có 8 trường hợp “chạy” vào làm giáo viên trong biên chế, 3 trường hợp hứa nhận vào dạy hợp đồng tại trường do bị can làm hiệu trưởng, nhưng tất cả đều không xin được việc làm.

Đối tượng Huỳnh Bê tại cơ quan công an

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pắk còn nhận thêm 6 trường hợp tố cáo bị can Huỳnh Bê nhận hơn 1 tỷ đồng để chạy việc. Tuy nhiên, bị can Huỳnh Bê khai nhận những trường hợp này chỉ là vay mượn bình thường, không liên quan đến vấn đề xin việc.

Lợi dụng danh nghĩa công an để lừa đảo

Cũng trong ngày 26/9/2018, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn Quyết định Khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Duy Tuất (SN 1982, ngụ phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Được biết Tuất nguyên là Đại úy công an, công tác tại Phòng tổ chức cán bộ Công an tỉnh Đắk Lắk.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ ngày 19/11/2013 đến 3/10/2017, Tuất đã đưa thông tin gian dối với ông Nguyễn Như Hậu (ngụ tỉnh Nghệ An) và bà Mai Thị Thu (ngụ huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), rằng mình có khả năng xin cho con em của họ được đi nghĩa vụ, sau đó chuyển qua chuyên nghiệp trong ngành công an.

Bằng thủ đoạn này, Tuất đã nhận của ông Hậu hơn 2,3 tỷ đồng đồng và nhận của bà Thu 200 triệu đồng, hứa hẹn xin cho 10 trường hợp được chuyển chuyên nghiệp và một trường hợp vào nghĩa vụ ngành Công an.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền xong, Tuất đã chi tiêu tiền vào mục đích cá nhân mà không thực hiện lời hứa. Đến thời điểm bị bắt, Tuất mới chỉ trả lại cho ông Hậu và bà Thu mỗi người 10 triệu đồng.

Trước đó không lâu, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt tù chung thân đối với bị cáo Y Tuyến Ksơr (nguyên thượng tá, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an tỉnh Đắk Lắk) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong thời gian giữ chức vụ Phó phòng Kỹ thuật nghiệp vụ và Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đắk Lắk (từ tháng 5/2012 đến tháng 8/2016), Y Tuyến Ksơr tự mạo nhận quen biết lãnh đạo Bộ Công an và nói với nhiều người rằng ông ta có thể xin việc, chạy việc một cách dễ dàng. Bằng thủ đoạn này, Y Tuyến Ksơr đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều gia đình muốn “chạy” cho người thân vào học tại các trường cảnh sát hoặc công tác trong ngành công an.

Cơ quan tố tụng xác định Y Tuyến Ksơr mang hồ sơ của bị hại đi tiêu hủy. Số tiền hơn 25 tỷ đồng chiếm đoạt của 69 người từ năm 2013 đến năm 2016, ông ta đã dùng trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Tại tòa, bị cáo khai đã sử dụng một phần số tiền hơn 24 tỷ đồng để mua quà biếu cho nhiều lãnh đạo, nhằm tạo mối quan hệ. Ông Y Tuyến Ksơr đề nghị HĐXX làm rõ hành vi của những lãnh đạo này để xác định số tiền bị cáo phải khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng việc bị cáo khai “tặng quà” cho nhiều lãnh đạo là không có cơ sở. Trước đó, cơ quan tố tụng đã cho đối chất nhưng không ai thừa nhận. Còn bị cáo cũng không cung cấp được bằng chứng “tặng quà”.

Có thể thấy rằng, với sự nhẹ dạ cả tin, nhiều người dân có nhu cầu xin việc, luân chuyển việc đã dễ dàng dính bẫy và nhận quả đắng. Trong khi con em không xin được việc, không chuyển được công tác mà bản thân thì phải mang gánh nợ trả lãi từ các khoản vay từ ngân hàng.

Bởi vậy, thiết nghĩ bên cạnh sự vào cuộc, phối hợp mạnh mẽ của các cơ quan trong việc đấu tranh trấn áp loại hình tội phạm nguy hiểm này cần phải có sự tham gia của các cơ quan truyền thông nhằm tuyên truyền rộng rãi để cảnh báo, nâng cao sự hiểu biết của người dân. Hơn nữa, người dân khi có nhu cầu xin việc làm, nên trực tiếp đến trụ sở của các cơ quan liên quan để tìm hiểu và nộp hồ sơ tuyển dụng, tránh bị mất tiền oan ức.

Nhật Minh – Tự Lập

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ho-so-vu-an/dak-lak-lua-tien-ty-chi-bang-nuoc-bot-416157.html