Đắk Lắk: Khuyến công góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

Các chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, từng bước góp phần đổi mới công nghệ, cải tiến máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho người lao động.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, các hoạt động khuyến công, đặc biệt là hoạt động chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, thiết bị tự động hiện đại gắn với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển đời sống văn hóa xã hội, đặc biệt là những địa phương khó khăn, vùng biên giới của tỉnh.

Các cơ sở công nghiệp nông thôn còn nhận được hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghiệp nông thôn.

Trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk đã thực hiện được 86 đề án khuyến công, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ 9,121 tỷ đồng, vốn đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn là 13,243 tỷ đồng trong tổng số kinh phí thực hiện 22,364 tỷ đồng, đạt 16% so với kế hoạch. Trong đó có 4 đề án khuyến công quốc gia, với tổng kinh phí thực hiện hơn 5,978 tỷ đồng, 82 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí thực hiện là 20,608 tỷ đồng.

Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk - chia sẻ, việc hỗ trợ một phần kinh phí khuyến công đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, năng lực cạnh tranh nhằm phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, tạo tiền đề cho xây dựng nông thôn mới.

Đơn cử như với Công ty TNHH SX&TM Vương Thành Công, đề án Hỗ trợ máy móc thiết bị máy rang cà phê với công suất 120kg/mẻ đã giúp cho công ty mở rộng kinh doanh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk đã thực hiện được 86 đề án khuyến công

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk đã thực hiện được 86 đề án khuyến công

Trong giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương đã chỉ đạo, chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP. Buôn Ma Thuột và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện được 42 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ: 4,892 tỷ đồng, kinh phí đối ứng là 12,199 tỷ đồng, chiếm 66% kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó: có 3 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với tổng số tiền là 700 triệu đồng, kinh phí đối ứng là 3,178 tỷ đồng; 39 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương với kinh phí hỗ trợ 4,192 tỷ đồng, kinh phí đối ứng là 9,21 tỷ đồng.

Một số ngành nghề trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được tập trung hỗ trợ đổi mới, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, khuyến khích cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến, đóng gói nông sản, sản xuất gia công, cơ khí chế tạo phục vụ nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu; sản xuất vật.

Ông Lưu Văn Khôi nhấn mạnh, các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị nghiệm thu và đưa vào hoạt động đã giúp cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng doanh thu cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

“Có những đề án, mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, giảm nghèo bền vững, là mô hình mẫu, tác động nhân rộng mô hình cho các đơn vị khác học tập, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk”, ông Khôi chia sẻ.

Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dak-lak-khuyen-cong-gop-phan-vao-viec-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-nong-thon-150277.html