Đắk Lắk: Có không việc ngang nhiên cho thuê đất công không đúng quy định?

SPL - Việc tận dụng diện tích giữa các hàng cao su tái canh để cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trồng xen các loại cây như cà phê, khoai lang hoặc các loại cây ngắn ngày khác đang được diễn ra 'công khai' tại các Công ty cao su trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, tuy nhiên, việc này có được sự cho phép của pháp luật?.

Vườn cây cà phê được trồng xen giữa các hàng cao su tái canh

Vườn cây cà phê được trồng xen giữa các hàng cao su tái canh

Để tìm hiểu nội dung này, Phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam đã có buổi làm việc tại Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk (Công ty cao su Dakruco - sau đây gọi tắt là Công ty Dakruco).

Theo số liệu Công ty Dakruco cung cấp cho nhóm phóng viên, thì hiện nay, Công ty đang quản lý 7329,81 hecta cao su; diện tích cây cao su tái canh từ năm 2015 đến năm 2020 là 4.239,92 hecta; diện tích trồng thuần cây cao su là 4.205,65 hecta; diện tích trồng xen trên băng 15m giữa hai hàng cao su là 3.170,97 hecta; diện tích đất công ty chuẩn bị dự kiến làm dự án nông nghiệp công nghệ cao là 469 hecta.

Công ty Dakruco đã ký kết các “Phụ lục hợp đồng” cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất trồng xen trên băng 15m giữa hai hàng cao su.

Phụ lục hợp đồng ký kết giữa Công ty Dakruco và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

Trong nội dung của các “Phụ lục hợp đồng” này nêu rõ “Mục đích sử dụng đất: Bên B (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) sử dụng diện tích đất được thuê để trồng các loại cây ngắn ngày….”. Đơn giá cho thuê đất khoảng 105 triệu đến 110 triệu đồng/ hecta cao su. Tuy nhiên, Công ty Dakruco có được phép cho thuê đất hay không?

Công ty Dakruco được nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Theo Điều 175 Luật Đất đai năm 2013, thì tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm chỉ được cho thuê lại quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm đối với đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Tuy nhiên, việc Công ty Dakruco cho thuê đất dưới hình thức “Phụ lục hợp đồng” không thuộc trường hợp này, do đó, là không phù hợp theo quy định tại Điều 175 luật Đất đai nói trên.

Bên cạnh đó, về mục đích sử dụng đất thì mục đích Nhà nước giao đất cho Công ty Dakruco là trồng cây lâu năm cụ thể là cây cao su. Ngoài trồng cao su ra thì không được trồng cây khác nếu chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Muốn trồng cây khác (cây hàng năm) thì phải chuyển mục đích sử dụng đất, phải đăng ký biến động đất đai. Mặc dù, Công ty Dakruco có trồng cao su, tuy nhiên, việc trồng xen các loại cây hàng năm là sai mục đích so với mục đích ban đầu nhà nước cho thuê đất.

Để tìm hiểu rõ thông tin về việc này, ngày 10/01/2021 nhóm phóng viên có buổi làm việc với ông Bùi Quang Ninh - Tổng Giám đốc Công ty Dakruco. Tại buổi làm việc, ông Ninh cho biết: quỹ đất Công ty tái canh cao su từ năm 2015 đến năm 2020 do Công ty quản lý và không cho hộ gia đình nào thuê, Công ty thực hiện cho hợp đồng trồng xen trên băng 15m giữa hai hàng cao su theo mô hình thiết kế mới không phải là diện tích đất trống mà là diện tích đã được thiết kế trồng cao su nằm đan xen trong lô cao su đủ rộng để Công ty tận dụng cho hợp đồng trồng xen nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đặc biệt không ảnh hưởng đến mật độ cây cao su, bởi vì Công ty không có thuê đất nguyên lô, thửa mà vẫn thực hiện mục tiêu trồng cao su kết hợp với trồng xen các loại cây trồng khác trên toàn diện tích tái canh cao su. Bên cạnh đó, ông Ninh còn cho biết, hiện nay có 200 hecta đất làm nông nghiệp công nghệ cao chưa triển khai nên Công ty tạm thời tận dụng sử dụng đất cho thuê ngắn hạn làm khoai lang để tránh lãng phí đất. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi Công ty cho thuê dựa trên cơ sở pháp lý nào? Thì ông Ninh chưa đưa ra được cơ sở về việc cho thuê này.

Khi Phóng viên hỏi về việc hơn 3.170 hecta đất Công ty thiết kế trồng cao su hàng 15m và cho thuê với giá từ 105 đến 110 triệu đồng/hecta/năm trong thời gian 22 năm. Vậy số tiền khủng hàng trăm tỷ đồng Công ty thu về sẽ hạch toán vào đâu? Thì ông Ninh nói rằng Công ty không cho thuê đất mà chỉ làm hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Dân sự.

Như vậy, có vẻ đây chỉ là những “ngụy biện” từ phía Công ty, bởi lẽ, như phân tích ở trên thì việc cho thuê đất của Công ty Dakruco là không đúng theo quy định tại Điều 175 của Luật Đất đai. Và việc một Công ty quản lý hơn 7.000 hecta đất của Nhà nước mà không nắm rõ các quy định của pháp luật dẫn đến việc “ngang nhiên” cho thuê đất và thu lợi như trên có được các cơ quan có thẩm quyền biết và xử lý?.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì đối với hành vi cho thuê đất sai quy định như trên thì có thể xử phạt lên đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, phải kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định này như: Buộc bên cho thuê đất phải nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho thuê đất, cho thuê lại đất; Buộc hoàn trả tiền cho thuê, cho thuê lại đất (trong trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê) trong thời gian sử dụng đất còn lại theo quy định của pháp luật dân sự.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin.

Nhóm PV

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/dak-lak-co-khong-viec-ngang-nhien-cho-thue-dat-cong-khong-dung-quy-dinh-17201/