Đăk Lăk: Chợ kiên cố đạt hơn 65%

Là tỉnh miền núi có vị trí địa lý ở trung tâm vùng Tây Nguyên, việc phát triển hệ thống chợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đăk Lăk.

Chợ ở Buôn Đôn (Đăk Lăk)

Chợ ở Buôn Đôn (Đăk Lăk)

Theo Sở Công Thương Đăk Lăk, mặc dù là một tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên rộng, mật độ dân số thấp, dân cư phân bố rộng khắp, điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh khá ổn định, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng cả về chất lượng và mẫu mã, chủng loại. Ước tính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 350.674 tỷ đồng (theo kế hoạch 340.997 tỷ đồng), tăng 2,84% so với kế hoạch đề ra. Có được kết quả tăng trưởng khá như vậy nhờ hiệu quả từ việc thường xuyên thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến mãi kích cầu… Hàng hóa đầy đủ đáp ứng nhu cầu người dân đã bước đầu phát huy sự chi phối, dẫn dắt và định hướng giúp thị trường ổn định, cùng với công tác xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm…

Bên cạnh đó, mục tiêu xây dựng mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đồng bộ, hài hòa, đáp ứng yêu cầu cho sản xuất hàng hóa và nhu cầu cho đời sống nhân dân được triển khai rộng khắp. Điều này đã góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển ngành thương mại, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng chợ, gắn kích thích phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đến nay, số chợ được xây dựng kiên cố chiếm 65,7%, ngày càng phục vụ tốt hơn tiêu dùng và sản xuất, với 19 chợ do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, chiếm 12,8% tổng số chợ trên địa bàn tỉnh; tổng vốn đầu tư xã hội hóa hơn 460 tỷ đồng. Đặc biệt, ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi tại tỉnh Đăk Lăk gồm 3 huyện Ea HLeo, Buôn Đôn, Ea Súp. Có 9/23 chợ (39% số chợ tại 3 huyện) đã chuyển đổi thành công mô hình chợ do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, với 24,5 tỷ xã hội hóa trong đầu tư xây dựng chợ. Năm 2020, tiếp tục có dự án đầu tư chợ với vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng.

Nhìn chung, hệ thống mạng lưới chợ phát triển đảm bảo đồng bộ với quy hoạch phát triển dân cư; các công trình công cộng, hạ tầng cơ sở được hình thành và phân bố rộng khắp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu dùng xã hội, lưu thông hàng hóa thuận lợi. Có thể nói, hệ thống chợ đã có nhiều đóng góp vào sản xuất và đời sống dân cư, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa sản xuất trên địa bàn và cung ứng kịp thời các điều kiện đầu vào cho sản xuất, góp phần nâng cao đời sống dân cư thông qua điều tiết cung - cầu kịp thời giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh Đăk Lăk và các tỉnh ngoài.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tình hình thương mại của tỉnh Đăk Lăk đã phát triển theo hướng tích cực, tăng trưởng kinh tế đạt khá, kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, điều dễ dàng nhận thấy nhất là việc mua bán của người dân ngày càng thuận lợi.

Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dak-lak-cho-kien-co-dat-hon-65-147678.html