Đắk Lắk: Áp dụng nhiều giải pháp nâng cao năng suất chất lượng mật ong

Nhiều chương trình, giải pháp đã được tỉnh Đắk Lắk áp dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mật ong, tăng thu nhập cho các hộ nuôi ong.

Nuôi ong là thế mạnh của khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Mỗi đàn ong đảm bảo các tiêu chí về kỹ thuật và chất lượng con giống nếu được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, dự kiến năng suất mật sau 1 năm khai thác đạt 38kg mật/đàn/năm trở lên.

Để phát huy thế mạnh của mình, nhằm nâng cao năng suất chất lượng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ nuôi ong về quy trình kỹ thuật nuôi ong lấy mật, các sản phẩm mật ong; trong đó, tập trung vào quy trình thực hành chăn nuôi tốt, chăn nuôi ong an toàn (chương trình VietGAHP), những kiến thức cơ bản về đàn ong.

 Các đơn vị chức năng tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi ong về việc chuẩn bị địa điểm trong từng mùa.

Các đơn vị chức năng tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi ong về việc chuẩn bị địa điểm trong từng mùa.

Các đơn vị chức năng cũng tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi ong về việc chuẩn bị địa điểm trong từng mùa, dụng cụ nuôi, công tác thú y, khai thác mật… để đạt năng suất cao, chất lượng mật ong tốt.

Hướng dẫn các quy tình kỹ thuật, văn bản quy định hiện hành về nuôi ong và sản phẩm mật ong bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tiêu chí xuất khẩu trong đó tập trung vào quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi ong an toàn.

Đồng thời, các học viên đã được tìm hiểu một số tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi ong mật như công tác giống, chọn lọc giống ong; công tác thú y, phòng trị bệnh cho ong; cây nguồn mật, phấn; kỹ thuật nuôi ong và khai thác sản phẩm; truy xuất nguồn gốc và các vấn đề tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm mật ong. Ngoài ra, các học viên còn được giảng viên định hướng thị trường và chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những rào cản, thách thức, hạch toán kinh tế và quản lý đàn phù hợp với tình hình thực tế sản xuất tại địa phương.

Ngoài ra, Đắk Lắk đã khuyến khích, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vay vốn đầu tư phát triển đàn ong mật đưa nghề nuôi ong trở thành ngành nuôi ong mật hàng hóa.

Tính đến giữa năm 2017, tỉnh đã có trên 1.500 hộ nuôi ong, với 201.000 đàn ong, chủ yếu là đàn ong ngoại nhập, sản lượng mỗi năm đạt từ 8.400 tấn đến trên 10.000 tấn mật ong xuất khẩu sang thị trường các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức… Đây cũng là địa phương có đàn ong và sản lượng mật ong nhiều nhất khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Nhờ phát triển nghề nuôi ong, nhiều hộ gia đình ở các địa phương như Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk… đã vươn lên làm giàu, có gia đình mỗi năm thu hàng tỷ đồng như gia đình anh Nguyễn Huy Bát, ở phường Tân Tiến có 3.000 đàn ong mật giống nhập ngoại, mỗi năm khai thác trên 100 tấn mật thu lãi hàng tỷ đồng…

Hòa Lê

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/dak-lak-ap-dung-nhieu-giai-phap-nang-cao-nang-suat-chat-luong-mat-ong-d149264.html