Đắk Glei-Kon Tum: 'Chảy máu' tài nguyên, trách nhiệm thuộc về ai

Tình trạng 'chảy máu' tài nguyên trên địa bàn huyện Đăk Glei diễn ra hết sức phức tạp, phải chăng các đơn vị có liên quan chưa làm hết trách nhiệm.

Tài nguyên liên tục bị “chảy máu”

Trong những năm qua đã có hàng loạt bài báo phản ánh tình trạng “chảy máu” tài nguyên tại huyện Đăk Glei (Kon Tum). Nhưng sau khi báo chí phản ánh thì công tác xử lý các cá nhân, tập thể có liên quan vẫn chưa tiến hành. Chính việc chậm trễ trên đã làm cho sự hoài nghi về việc bao che cho tình trạng buông lỏng quản lý để tình trạng "chảy máu" tài nguyên trên địa bàn cứ tiếp diễn.

Vào giữa tháng 10/2016, UBND xã Đắk Long đã gửi báo cáo cho UBND huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Glei về việc truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn. Theo báo cáo này UBND xã Đắk Long khẳng định, đã tổ chức kiểm tra và đẩy đuổi được các đối tượng khai thác vàng trái phép tại khu vực thôn Dục Lang ra khỏi địa bàn trong ngày 14/10/2016.

Một vụ khai thác vàng sa khoáng có quy mô lớn tại huyện Đắk Glei vào tháng 8/2016.

Một vụ khai thác vàng sa khoáng có quy mô lớn tại huyện Đắk Glei vào tháng 8/2016.

Thế nhưng, ngày 18/10/2016, khi Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đắk Glei bất ngờ kiểm tra hoạt động khai thác vàng trái phép tại thôn Dục Lang thì phát hiện 1 tổ máy gồm 3 máy nổ, 1 sàng xổ bằng sắt, 15m ống nước có đường kính 90 – 160 mm, 1 lán trại cùng nhiều vật dụng dùng để khai thác vàng khác của 6 đối tượng là người từ các địa phương khác đến.

Có khi các hộ dân địa phương như: Y Bông, Y Jú, A Báo, Y Tiên, A Tần và A Khéc ở thôn Đăk Ôn dẫn người ở khu vực phía Bắc vào tổ chức khai thác vàng trái phép với số lượng lên đến 6 tổ máy tại khu vực hồ Đắk Blóc, mỗi tổ máy thường từ 8 đến 10 người. Khai thác trong một thời gian dài mà các cơ quan chức năng không hay biết(?).

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ngày 28/8 vừa qua, Pháp luật Plus lại phản ánh tình trạng khai thác vàng đồi có quy mô lớn trên địa bàn xã Đắk Long diễn ra cả tháng trời, khu vực này thuộc địa bàn Đồn biên phòng 673 quản lý. Phòng TNMT huyện Đắk Glei cũng đã có báo cáo về vấn đề khai thác vàng mà báo phản ánh là đúng sự việc.

Hồ chứa quặng vàng và hóa chất độc hại phía trên khu vực trồng lúa của dân, vụ khai thác vàng cuối tháng 8/2017 tại xã Đắk Long, huyện Đắk Glei.

Hệ lụy của việc khai thác vàng bừa bãi là các đối tượng sử dụng nhiều chất độc hại làm ô nhiễm môi trường; việc chặt phá cây cối dẫn đến sạt lở đất, gây ra lũ lụt vào mùa mưa, thiệt hại nặng nề cho các hộ dân là điều đã được dự báo trước, song nó vẫn xảy ra.

Cũng trong công tác quản lý và xử lý vấn đề khai thác trái phép lâm sản trên địa bàn huyệntrong năm 2016 và hơn nửa năm 2017, Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glei đã thu giữ nhiều khối lượng gỗ vô chủ trên địa bàn. Bắt nhiều phương tiện vận chuyển gỗ trái phép nhưng tuyệt nhiên chẳng bắt được đối tượng khai thác rừng trái phép nào(?).

Cuối tháng 8 đầu tháng 9/2017, cũng trong chuyến hành trình về xã Đắk Long để phản ánh về tình trạng vàng tặc hành hoành, chúng tôi vào thôn Đắk Tu, rồi đi qua cầu treo Đắk Long đi vào rừng khoảng 6 cây số. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, có cả cũ lẫn mới, những thân cây đã bị xẻ và bỏ lại cành lá, bìa nằm ngổn ngang. Vì vậy có thể khẳng định khu rừng này bị phá trong một thời gian rất dài mà không một cơ quan chức năng nào ngăn chặn.

Gốc cây gỗ lớn bị cưa hạ tại khu rừng gần xã Đắk Long.

Một số đồng nghiệp chúng tôi đã báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum để sớm xử lý vụ việc.

“Chảy máu” tài nguyên, ai chịu trách nhiệm ?

Phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glei. Theo ông Thông cho biết: Về chỗ phá rừng vào cuối tháng 8 đầu tháng 9/2017 thì huyện, Chi cục Kiểm lâm và Đồn Biên phòng 673 đã xác minh đây là gỗ do người dân tận thu. Huyện đã có báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý...

Văn bản Báo cáo UBND tỉnh Kon Tum của UBND huyện Đắk Glei về vụ khai thác vàng trái phép mà Pháp luật Plus phản ánh ngày 28/8/2017.

“Về vụ khai thác vàng trái phép thì huyện đã phối hợp với Ủy ban tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã vào truy quét, thu giữ và tiêu hủy máy móc. Trục xuất các đối tượng ra khỏi địa bàn. Chúng tôi cũng đã làm văn bản gửi Ủy ban tỉnh có văn bản đề nghị Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh xử lý các cán bộ đồn biên phòng Đồn 673 đã để xảy ra tình trạng trên…,”- ông Thông cho biết.

Vấn đề quản lý và bảo vệ tài nguyên cho đất nước là vô cùng cần thiết. Khi những đối tượng khai thác trái phép tài nguyên sẻ có nhiều vấn đề đặt ra, như: Nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, nhà nước mất đi một nguồn thuế vô cùng lớn, khai thác bừa bãi không có kỹ thuật và sử dụng một số chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh…

Vàng tặc, lâm tặc thường xuyên hoành hành trên địa bàn xã Đắk Long, các đối tượng khai thác trái phép thì quy mô ngày càng lớn, thời gian khai thác diễn ra lâu…vậy mà chính quyền xã, Đồn biên phòng 673 không hay biết(?).

Con đường đất rất lớn này nằm ngay sau thôn Long yên, xã Đắk Long, là con đường rất đông người đi vào khu khai thác vàng trái phép tháng 8/2017 mà lực lượng chức năng không biết

Dư luận ở nơi đây đang đặt ra một câu hỏi lớn là: Sau mỗi lần báo chí vào cuộc đăng tải thì các cơ quan có thẩm quyền nơi đây mới vào cuộc và giải quyết vấn đề nhức nhối trên. Phải chăng có những thế lực nào đứng sau cho những đối tượng khai thác trái phép tài nguyên trên. Sao vấn đề kỷ luật cán bộ chưa được tiến hành và công khai cho cho công luận được biế t(?).

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

B.T- M.Y

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/dak-glei-kon-tum-chay-mau-tai-nguyen-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-d53195.html