Đại úy công an mặc kệ dân vật lộn với cướp: Bộ CA xét lại... loại khỏi ngành?

Sau khi dư luận cho rằng mức kỷ luật cảnh cáo với đại úy Nguyễn Thanh Lâm là chưa thỏa đáng, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan xem xét trên các khía cạnh, thực hiện đúng quy chế, quy trình để ra quyết định phù hợp.

Liên quan vụ đại úy công an ở Hà Nội mặc kệ tài xế taxi vật lộn với tên cướp, Trưởng Công an huyện Thanh Oai đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển Đại úy Nguyễn Văn Lâm (SN 1985, Công an xã Cự Khê) về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp công an huyện.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng, mức kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển công tác đối với đại úy Nguyễn Văn Lâm là nhẹ, chưa phù hợp với hành vi thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không tham gia hỗ trợ nạn nhân khống chế tên cướp nguy hiểm.

Mới đây, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, hiện lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan xem xét trên các khía cạnh, thực hiện đúng quy chế, quy trình để ra quyết định phù hợp. Trước ý kiến cho rằng mức độ kỷ luật đối với đại úy Nguyễn Văn Lâm còn nhẹ, chưa phù hợp, phải cho ra khỏi ngành, tướng Xô cho biết, việc này sẽ được cơ quan chức năng xem xét.

Hình ảnh ghi lại vụ việc.

Hình ảnh ghi lại vụ việc.

Dư luận cho rằng, Bộ Công an đã chỉ đạo xem xét lại, đại úy Nguyễn Văn Lâm có thể sẽ bị loại ra khỏi ngành, nếu còn tự trọng, vị đại úy công an này nên tự xin ra khỏi ngành.

Mới đây, trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an đánh giá mức kỷ luật cảnh cáo là thỏa đáng, tạo điều kiện cho đại úy Lâm có cơ hội, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Kỷ luật để giáo dục cán bộ, để khắc phục hạn chế nhằm làm tốt hơn công việc được giao.

Ông Hiếu phân tích, đại úy Lâm đã gọi điện thoại về công an xã xin chi viện lực lượng đến hỗ trợ bắt đối tượng. Từ đó, có thể thấy, đại úy Lâm đã xử lý tình huống rất thiếu chuyên nghiệp, vì đó là trường hợp khẩn cấp, nạn nhân đã bị thương, đang cố gắng vật lộn để bắt giữ đối tượng, sự hỗ trợ từ bên ngoài lúc đó là vô cùng cần thiết. Việc đại úy Lâm không có những thao tác cần thiết, thể hiện sự yếu kém về nghiệp vụ, lúng túng, bị động, không mưu trí, dũng cảm trong giải quyết công việc.

“Công an phải là hiệp sĩ bảo vệ người dân. Trong tình huống người dân đang bị uy hiếp nghiêm trọng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, người chiến sĩ công an không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc dũng cảm đối diện với tội phạm với tâm thế sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để cứu dân ra khỏi hiểm nguy…Đã làm nghề này, phải chấp nhận tất cả vì nhiệm vụ. Còn sợ thì hãy xin ra khỏi ngành” – trung tá Hiếu nêu ý kiến.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho rằng, lãnh đạo Công an Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với đại úy Nguyễn Văn Lâm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Theo luật sư Thơm, hành vi của đại úy Nguyễn Văn Lâm không cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự. Dù đại úy Lâm có hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác. Tuy nhiên, do lái xe taxi không bị tử vong nên hành vi của đại úy Lâm không cấu thành tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, với hành vi thờ ơ, thiếu trách nhiệm như vậy, đại úy Lâm không xứng đáng là người chiến sĩ công an nhân dân, cần loại ra khỏi ngành. Bởi lẽ khi đại úy Lâm đứng đó người tài xế taxi đã bị tên cướp đâm vào ngực, mất nhiều máu... nếu như không khống chế được tên cướp mà bị cướp áp đảo thì hoàn toàn có thể mất đi tính mạng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa ( Đồng Tháp) nhấn mạnh, cán bộ chiến sĩ công an là những người bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, sẵn sàng hi sinh tính mạng của bản thân mình. Khi một chiến sĩ công an vào ngành đã có những lời thề, những quy định và 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân rất rành mạch, rõ ràng. Do đó, một cán bộ công an có hành vi thiếu trách nhiệm như vậy không xứng đáng đứng trong đội ngũ cán bộ chiến sĩ ngành công an.

Ông cho rằng, nếu cơ quan chức năng không tước quân tịch, đại úy Lâm cũng nên xin ra khỏi ngành. Đó mới là sự ăn năn, hối lỗi trong thời điểm này.

Trao đổi với báo chí, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên phó chánh án TAND tối cao nói rằng, không thể chấp nhận được.

Tướng Độ cho rằng, bắt cướp là nhiệm vụ, trách nhiệm của công an chứ không phải công an giúp dân bắt cướp. Hành động thiếu trách nhiệm của đại úy Lâm làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người chiến sĩ công an, gây hình ảnh phản cảm trong dư luận xã hội. Do đó, đại úy này không không xứng đáng là người chiến sĩ công an. Cần phải tước danh hiệu công an nhân dân để xây dựng lại hình ảnh người chiến sĩ công an trong mắt nhân dân.

Ngoài những ý kiến trên, nhiều ý kiến khác bày tỏ sự không đồng tình với việc kỷ luật cảnh cáo đối với đại úy Lâm, đồng thời cho rằng, cần tước danh hiệu công an nhân dân, loại ra khỏi ngành chứ không chỉ điều chuyển công tác.

Bởi với việc chứng kiến cảnh tài xế taxi vật lộn với tên cướp, một cán bộ công an lại không có hành động can thiệp, không cùng người dân khống chế tên cướp dù có lý giải xử lý tình huống thiếu chuyên nghiệp cũng rất khó để chấp nhận. Đó không chỉ là thiếu chuyên nghiệp mà còn thiếu trách nhiệm, vô cảm, thậm chí có thể dùng từ hèn nhát. Một cán bộ như vậy sao xứng đáng đứng trong lực lượng công an nhân dân, sao xứng đáng với niềm tin của người dân dành cho lực lượng thực thi pháp luật.

Mới đây, đầu tháng 5/2021, câu chuyện nam sinh viên Nguyễn Văn Nhã bị đuổi nước khi dũng cảm quên mình cứu sống 3 bạn nữ sinh bị sóng cuốn trôi khiến bao người thương xót, cảm phục.

Ngay trong ngành công an, biết bao cán bộ, chiến sĩ công an đã dũng cảm, hi sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Người dân sẽ không bao giờ quên những tấm gương sáng như trung sĩ Võ Văn Toàn và đại úy Đặng Thanh Tuấn hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ truy bắt nhóm đua xe, cướp giật ở Đà Nẵng trong đêm 2/4/2020; Đại úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hi sinh khi tìm kiếm cứu nạn 7 dân thôn Tà Rùng - Ka Tiêm (xã Hướng Việt) đi làm rẫy bị mất tích ngày 17/10/2020; đại úy Sầm Quốc Nghĩa, chiến sĩ trẻ thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - ma túy và kinh tế của Công an huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ; Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh (sinh năm 1990), cán bộ Công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) ngày 10/11/2020 đã dũng cảm hy sinh tính mạng khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, để giữ gìn hạnh phúc cho nhân dân…

Hay như mới đây, thiếu tá Trịnh Văn Khoa ở Đồ Sơn, xin ra khỏi ngành để bảo vệ danh dự và tố cáo tội phạm.

Trước những tấm gương sáng về sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ công an nhân dân như trên, đại úy Nguyễn Văn Lâm liệu có xứng đáng tiếp tục đứng trong ngành công an khi “Ông này mặc quần áo công an mà chả thấy can ngăn gì, chỉ thấy đứng gọi điện" như một người dân nói trong clip ghi lại vụ việc. Có xứng đáng tiếp tục đứng trong hàng ngũ khi chính đại úy Lâm đã làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân.

Bác Hồ từng dạy: “Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc“…Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy…”. Mỗi một cán bộ, chiến sĩ công an khi đứng trong lực lượng phải luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời dạy của Bác, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình bảo vệ tính mạng của nhân dân. Nếu sợ hãi, vô cảm xin hãy ra khỏi ngành.

Mời độc giả xem thêm video Bắt gọn kẻ dùng kéo khống chế, cướp taxi ở Bình Dương

Nguồn: THTPCT

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/dai-uy-cong-an-mac-ke-dan-vat-lon-voi-cuop-bo-ca-xet-lai-loai-khoi-nganh-1537968.html