Đại tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái đất

250 triệu năm trước, một vụ thảm sát khủng khiếp đã xảy ra, một tội ác ghê gớm nhất mà hành tinh đã từng chứng kiến.

Nhiều sinh vật khổng lồ biến mất vĩnh viễn sau đại tuyệt chủng.

Nhiều sinh vật khổng lồ biến mất vĩnh viễn sau đại tuyệt chủng.

Điều đáng nói hơn đó lại chính là một trong những yếu tố đầu tiên giúp chúng ta có mặt trên thế giới này.

Vụ thảm sát đẫm máu

Đại tuyệt chủng Permi diễn ra vào cuối kỉ Permi (kỉ cuối cùng của đại cổ sinh) cách đây 250 triệu năm, kết thúc và là lúc đánh dấu bước sang giai đoạn địa chất tiếp theo của Trái đất là kỉ Trias (kỉ đầu tiên của đại trung sinh).

Cuộc đại tuyệt chủng đã xóa sổ 95% số loài động vật tồn tại dưới đại dương và hơn 70% loài trên mặt đất.

Trái đất khi đó không khác gì địa ngục như những cảnh tưởng tượng chỉ có trên phim ảnh, chỉ một chút nữa là sự sống đã biến mất vĩnh viễn trên hành tinh này. Nó được nhiều nhà khoa học ví như một tội ác đẫm máu nhất lịch sử, ghê gớm là thủ phạm đã xóa mọi dấu vết gần như hoàn hảo.

Trong nhiều năm các nhà khoa học không cách nào tìm hiểu được nguyên nhân thật sự của sự kiện khủng khiếp này.

Sự phân tách và hợp nhất của các lục địa, những đợt phun trào núi lửa khủng khiếp cùng nhiều biến đổi địa chất và khí hậu khác đã chôn vùi hầu như toàn bộ các vết tích của thời kỳ này.

May mắn trong những năm đầu thế kỷ 21, các nhà khoa học đã tìm ra được những bằng chứng đầu tiên và dần tiến tới kết luận chính xác cho “vụ án” này.

Các nhà khoa học đã tìm thấy sâu bên trong các mẫu đá hiếm hoi còn lại từ thời Permitrias các phân tử gọi là fullerene. Đây là các tinh thể carbon gần giống than chì, có cấu tạo tinh thể giống như một quả bóng đá.

Bên trong các tinh thể này có dấu vết nguyên tử Heli 3 và Argon 36. Đây là những đồng vị rất khó tìm được trên Trái đất, nó chỉ phổ biến ở các thiên thạch đến từ vũ trụ. Đây là một bằng chứng khá thuyết phục về một tiểu hành tinh đã va chạm với Trái đất vào cuối kỉ Permi.

Nguồn cơn của cuộc đại tuyệt chủng

Vào thời của đại cổ sinh Paleozoic, Trái đất có hai lục địa lớn là Laurasia và Gondwana. Về chuyển động, chúng ta đều biết rằng trong lòng Trái đất là khối dung nham khổng lồ. Nó như một dòng sông của lửa và đá nóng chảy. Bề mặt Trái đất chỉ là một lớn đá rắn mỏng nằm trên đó, giống như lớp băng trên mặt biển các vùng cực.

Do chuyển động của các dòng biển nên lớp băng không thể luôn bền vững, một số chỗ bị nứt vỡ. Chúng có thể trôi, va chạm với nhau khi có các tác động mạnh như các dòng chảy bên dưới hay đơn giản là một va chạm do con người tạo ra phía trên.

Lớp vỏ Trái đất cũng như vậy, nó gồm nhiều mảnh vỡ nổi trên biển dung nham. Mặc dù, các mảnh thạch quyển này có khối lượng rất lớn và xếp khá khít nhau nhưng không có nghĩa là chúng không có những rung chuyển, va chạm. Ngay những núi lửa bình thường lâu ngày lại phun trào cũng chính là do những vết nứt vỡ trên vỏ Trái đất tạo nên.

Ở kỉ Permi, lớp vỏ Trái đất biến động dữ đội, các mảng thạch quyển khổng lồ rung chuyển, nứt vỡ, di chuyển và va chạm. Hai lục địa Laurasia và Gondwana tiến tới gần nhau và hợp nhất thành siêu lục địa Pangaea (lục địa duy nhất trên Trái đất khi đó). Sự hợp nhất này gây ra sự va chạm khủng khiếp, sự nứt vỡ xảy ra hàng loạt, một khối lượng dung nham khổng lồ bị nén lại và phun trào lên mặt đất.

Theo con số tính toán của các nhà khoa học hiện nay, lượng dung nham đã được ném lên bên trên bề mặt hành tinh của chúng ta khi đó là khoảng 1,5 triệu km3. Đây là một con số khổng lồ đến mức khó tưởng tượng.

Để đối sánh, những núi lửa ghê gớm nhất từng phun trào trong lịch sử loài người cũng khó có thể phun ra tới 1km3 dung nham. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu có tới 1,5 triệu ngọn núi lửa như vậy phun trào khắp nơi trên mặt đất?

Cả hành tinh là một biển lửa không gì có thể dập tắt. Bụi và khí carbonic tràn ngập trong không khí phủ kín bầu trời gây ra hiệu ứng nhà kính làm không khí càng nóng thêm.

Dưới đại dương, các dòng hải lưu thay đổi và nhiều hệ tinh thái biến mất do sự di chuyển và va chạm lục địa. Toàn bộ quá trình này là hệ thống các nguyên nhân gây ra cuộc đại tuyệt chủng tàn khốc nhất lịch sử.

Cuộc tuyệt diệt cũng có những giá trị nhất định

Khi tiểu hành tinh lao vào Trái đất cùng các va chạm lục địa xảy ra, một phần loài bò sát, cá và đa số các loài côn trùng khổng lồ bị tiêu diệt. Nó chính là điều kiện để một số nhóm bò sát phát triển thành loài khủng long. Khiến chúng lên ngôi, trở thành kẻ thống trị hành tinh thật sự trong suốt hơn 150 triệu năm.

Không chỉ thế, sự thay đổi này cũng đã tạo điều kiện cho những tổ tiên xa xôi nhất của chúng ta tồn tại và phát triển. Dù chỉ luôn là những kẻ chạy trốn trong thế giới của khủng long nhưng ít nhất các loài động vật có vú này vẫn có thể tồn tại chờ thời khắc của mình.

Nhìn lại lịch sử phát triển của Trái đất, mỗi cuộc tuyệt diệt đều mang lại những giá trị quan trọng của nó. Cây cối chết hàng loạt ở kỉ carbon tạo nên những mỏ than đá cho chúng ta ngày nay. Cá chết hàng loại trong thảm họa đại tuyệt chủng Permi cung cấp nguồn dầu mỏ khổng lồ mà ngày nay chúng ta không thể thiếu...

Chúng ta cũng thấy rằng, thiên thạch/tiểu hành tinh và các núi lửa luôn là những kẻ dường như nắm quyền sinh sát trên hành tinh này. Chính những cuộc tấn công của thiên thạch từ 4 tỷ năm trước đã mang những chất hữu cơ đầu tiên đến Trái đất để những dạng sự sống đầu tiên ra đời.

Mỗi khi núi lửa phun trào đều gây ra thảm họa cho sinh vật. Nhưng chính nó đã cứu hành tinh vào thời kỳ đóng băng toàn cầu 850 triệu năm trước. Nhưng rồi nó lại cùng với một tiểu hành tinh quay trở lại thành kẻ hủy diệt vào đại tuyệt chủng Permi, cũng là đấng sáng thế cho một hệ sinh vật mới. Và khi triều đại của khủng long đã kéo dài đủ lâu, những thế lực này một lần nữa sắp xếp lại tất cả, để kết quả cuối cùng là chúng ta ngày nay.

Ngày nay, các nhà khoa học vẫn không ngừng quan sát và dự đoán, để ngăn chặn những kẻ tàn sát tiếp theo có thể một ngày sẽ tới thăm Trái đất.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/dai-tuyet-chung-lon-nhat-trong-lich-su-trai-dat-iZxxf7JMR.html