Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đoàn chèo Quân đội

Trân trọng giới thiệu bài tham luận của Thượng tá, NSƯT - Nhạc sĩ Nguyễn Thế Phiệt - Nguyên Đoàn trưởng Đoàn nghệ thuật Chèo Tổng cục Hậu cần, nay là Nhà hát Chèo Quân đội ' Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đoàn chèo Quân đội' tại Hội thảo 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc' do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12/2018 nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1994 - 22/12/2018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hội thảo Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc là dịp may mắn để đội ngũ nghệ sĩ, chiến sĩ Đoàn nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần nay là Nhà hát chèo Quân đội, được bày tỏ tâm huyết của mình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và lòng biết ơn với nhân dân tỉnh Quảng Bình kính yêu đã che chở cho Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần, là lực lượng văn nghệ sĩ đầu tiên của những năm chống Mỹ đặt chân lên dải Trường Sơn hùng vĩ. Từ khi khai sinh ra con đường 559 Đoàn đã có mặt ở đây đến khi thống nhất đất nước, là địa bàn hoạt động, chủ yếu của Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần đến với những chiến sĩ giao liên, thanh niên xung phong, chiến sĩ lái xe, chiến sĩ công binh mở đường cho các chiến dịch, sau ba tháng phục vụ trên tuyến đường, Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần đã về đến Quảng Bình để tập huấn, phục hồi sức khỏe và đi phục vụ các đơn vị ở Miền Bắc thì nhận được lệnh về biểu diễn phục vụ hội nghị Quân chính của Bộ Quốc phòng tại hội trường Câu lạc bộ quân nhân tại số 5 Hoàng Diệu-Hà Nội với hoạt cảnh cheoÀnh lái xe và cô chống lâỳvà vở chèo Trần Quốc Toàn ra quân. Chuẩn bị đến giờ mở màn thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện. Đại tướng giơ tay vẫy chào khán giả và giơ tay chào dàn nhạc của đoàn.

Buổi biểu diễn diễn ra sôi nổi, khán giả cổ vũ những cảnh diễn hay mỗi khi cắt cảnh là những tràng vỗ tay vang lên động viên các nghệ sĩ. Ngay từ khi bước chân vào hội trường, Đại tướng rất cởi mở, tươi cười, trong buổi biểu diễn Đại tướng chăm chú theo dõi và vỗ tay cùng khán giả làm cho đêm biểu diễn gắn kết giữa diễn viên và khán giả. Khi kết thúc chương trình biểu diễn, Đại tướng lên sân khấu bắt tay, tặng hoa động viên các nghệ sĩ, rồi Đại tướng xuống dàn nhạc tặng hoa và bắt tay dàn nhạc và khen chương trình rất hay. Là một nhạc công lâu năm của đoàn, từ trước tới nay tôi chưa được đồng chí lãnh đạo nào xuống tặng hoa cho dàn nhạc, đây là kỷ niệm số một của mỗi nhạc công trong đoàn.

Năm 1979 Đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần bắt đầu dàn dựng bộ chèo ba tập “Bài ca giữ nước”. Tập một “Lý Thánh Tông tuyển hiền”; tập hai “Nhiếp chính Ỷ Lan”; Tập ba “Lý Nhân Tông kế nghiệp”. Nhà văn Tào Mạt là tác giả, là học trò cưng của GS Đặng Thái Mai, ông Đặng Thái Mai đã sinh ra bác Đặng Bích Hà phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do vậy, tác giả Tào Mạt là người thân thiết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong lúc dàn dựng bộ chèo ba tập đã nhiều lần tác giả Tào Mạt và tôi lên nhà Đại tướng, Đại tướng xuất thân là một giáo viên dạy sử, trong lúc trò chuyện với Đại tướng, anh Tào Mạt và tôi được Đại tướng nói nhiều về lịch sử đời nhà Lý, nhà Trần, anh Tào Mạt và tôi rất chăm chú nghe từ đó tác giả Tào Mạt đã có những bài học bổ ích để chỉnh lý kịch bản của bộ chèo lịch sử đời nhà Lý. Riêng bác Đặng Bích Hà có tham gia về nhân vật Hề, là một nhân vật diễn xuất liên tục chạy suốt ba tập, bà nói: Là phận vua tôi có nhiều cảnh lời văn nói hơi tự nhiên tỏ ra bình đẳng trước vua quan triều đình là không được phép, bà nói tiếp chế độ thời đó là không cho phép phát ngôn tự do thế. Anh Tào Mạt là tác giả đã tiếp thu ý kiến của bác Hà về có chỉnh lại văn cho phù hợp.

Năm 1987 Công ty nghe nhìn của Đài truyền hình Việt Nam có ghi hình tập một và tập hai: Tập một “Lý Thánh Tông tuyển hiền”; tập hai “Nhiếp chính Ỷ Lan”, là hai tập tôi sáng tác âm nhạc khi dựng hình xong, tôi mang hai đĩa hình biếu Đại tướng xem, khi xem xong Đại tướng khen diễn viên diễn hay, âm nhạc hay, nhưng về sân khấu khi ghi hình không nên quay cảnh ngoài trời, tuy lạ mắt nhưng nó không hợp với sân khấu truyền thống. Đặc biệt là sân khấu chèo, Đạitướng còn dặn: Là Đoàn Chèo duy nhất của Quân đội, mọi việc nghiên cứu, kế tục truyền thống, nghệ thuật của các cụ và phát triển cần thận trọng, phải thực hiện lời dạy của Bác Hồ đừng “gieo vừng ra ngô”. Đây là một góp ý rất đúng, là một bài học nằm lòng của những người làm nghệ thuật dân tộc truyền thống như chúng tôi.

Năm 1989 Đoàn Chèo Quân đội chúng tôi dàn dựng thành công vở “Chiếc bóng oan khiên”Vở diễn Chiếc bóng oan khiên. Khi đoàn dàn dựng xong đã biểu diễn 15 tối tại Cung Hữu nghị Việt-Xô, 8 đêm ở Nhà hát Hồng Hà, được khán giả nồng nhiệt ủng hộ, đêm diễn nào cũng đông nghẹt khán giả, là một sự kiện văn hóa của Thủ đô ngày ấy, Viện nghiên cứu sân khấu Bộ Văn hóa đã tổ chức hội thảo về vở diễn này. Sau đó, Đoàn đã tổ chức biểu diễn 8 đêm ở hội trường Ba Đình đến đêm thứ 5 đoàn được phục vụ hội nghị Quân chính toàn quân. 9h sáng hôm đó tôi lên nhà mời Đại tướng đi xem và Đại tướng nhận lời. Đại tướng hỏi tôi tình hình xây dựng Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, ngồi tiếp tôi có bà Hà là phu nhân của Đại tướng, tôi đã báo cáo với Đại tướng về quân số, về trang bị kỹ thuật, về tạo nguồn lực lượng diễn viên, về sử dụng đội ngũ cộng tác viên và tôi đã báo cáo nội dung của vở diễn tối nay. Đại tướng còn hỏi tôi xây dựng một Đoàn chèo cần những yếu tố nào, tôi trả lời: Thưa Đại tướng để xây dựng một Đoàn nghệ thuật, đặc biệt trong công tác chỉ đạo nghệ thuật một đoàn chèo duy nhất của quân đội cần bốn yếu tố sau: Có dàn diễn viên mạnh; Có chỉ đạo nghệ thuật tốt; Tập thể đoàn phải đoàn kết; Có nhiều tác phẩm khán giả nhớ. Đại tướng hỏi tiếp: Người chỉ đạo nghệ thuật là một người cầm quân trong lính vực nghệ thuật, một trận đánh riêng về nghệ thuật thì người chỉ đạo phải có những tố chất nào để xây dựng nên một tác phẩm hay. Đây là một câu hỏi có tính chất nghề nghiệp và cũng như kiểm tra sát hạch đối với tôi. Tôi báo cáo tiếp câu hỏi của Đại tướng là: Người chỉ đạo nghệ thuật phải có tư duy tổng hợp, phải hiểu về âm nhạc, về công tác đạo diễn và nghệ thuật múa, nhưng điều quan trọng của người chỉ đạo nghệ thuật và công tác tổ chức của một Đoàn nghệ thuật phải có phong cách truyền thống, có khuynh hướng, có phương pháp nghệ thuật, đặc biệt là khâu chọn đọc kịch bản, phải phát huy được năng lực của lực lượng diễn viên, của cộng tác viên như đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa v.v… Người chỉ đạo nghệ thuật phải có đầu óc am hiểu toàn diện, có xu hướng nghệ thuật ổn định, khi chọn một kịch bản mà dàn dựng xong phải có tính thời đại, có sức truyền cảm thuyết phục tới người xem, tôi báo cáo đến đây Đại tướng mới tươi cười và bắt tay tôi, còn mời tôi uống nước, khi chia tay với Đại tướng ra về trong lòng tôi rất vui, phấn chấn hẳn lên, chắc chắn tối nay Đại tướng sẽ đến xem đoàn biểu diễn tại hội trường Ba Đình.

Tối hôm đó tôi đứng trước cửa hội trường Ba Đình, tôi thấy tất cả các xe chở các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các quân khu, quân đoàn đến xem đoàn biểu diễn, tôi chờ mãi, một lát sau, khi thấy đồng chí thư ký và hai đồng chí bảo vệ Đại tướng gặp tôi trao đổi truyền đạt lời của Đại tướng là Đại tướng chuẩn bị đi xem thì có khách ở Miền Nam ra làm việc nên Đại tướng cử chúng em phải gặp được đồng chí đoàn Trưởng đoàn nghệ thuật, Đại tướng đưa bốn giấy mời cho các đồng chí phục vụ đi xem. Một chi tiết nhỏ của một lãnh đạo lớn làm cho chúng tôi cảm động. Một kỷ niệm nữa của Đoàn nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần là nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần đã dàn dựng vở Ánh sao đầu núi để lên Điện Biên Phủ biểu diễn phục vụ ngày lễ, trước khi lên đường, cả đoàn lên thăm Đại tướng cũng để báo cáo chương trình nghệ thuật đi phục vụ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong khi tiếp đoàn Đại tướng rất vui và tặng đoàn nhiều sách về chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng ghi dòng chữ vào sách tặng đoàn là: Chúc các anh chị em đoàn chèo Tổng cục Hậu cần giữ vững nghệ thuật chèo truyền thống và hát thật hay. Hà Nội ngày 27 tháng 4 năm 2004 ký tên Võ Nguyên Giáp.Lời căn dặn này của Đại tướng làm tôi nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28/3/1967 khi đoàn vào biểu diễn tại Phủ Chủ Tịch phục vụ Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bác đã dạy: “Các cháu là người lính, người nghệ sĩ, các cháu phải rèn luyện để diễn cho bộ đội, cho nhân dân ngày càng hay hơn”.

Những kỷ niệm không bao giờ quên của cán bộ, nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần nay là Nhà hát Chèo Quân đội với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những lời động viên, căn dặn ân cần của Đại tướng -Tổng tư lệnh, chúng tôi luôn ghi sâu trong ký ức của mình, dù trong hoàn cảnh nào cũng vươn lên xây dựng một đoàn chèo duy nhất của quân đội, giữ vững nghệ thuật chèo truyền thống và hát thật hay đó là lời Đại tướng căn dặn cán bộ, nghệ sĩ Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần. Với quyết tâm cao của cán bộ, nghệ sĩ Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần đã phấn đấu không biết mệt mỏi luôn luôn nâng cao chất lượng nghệ thuật, đã dàn dựng nhiều vở diễn hay, tham gia các đợt hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quân và toàn quốc đều được tặng Huy chương vàng, Huy chương bạc, nội bộ đoàn kết, là một trong những đoàn chèo mạnh của cả nước được Đảng và Nhà nước phong tặng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới: Đó là thực hiện lời căn dặn động viên Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần của vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đã năm năm trôi qua, kể từ ngày Người về cõi vĩnh hằng, những lời căn dặn cán bộ, nghệ sĩ Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần nay là Nhà hát Chèo Quân đội còn ghi nhớ mãi, là hành trang để các lớp thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Quân đội hôm nay bước tiếp truyền thống của một đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Thượng tá.NSƯT- Nhạc sĩ Nguyễn Thế Phiệt - Nguyên Đoàn trưởng Đoàn nghệ thuật Chèo Tổng cục Hậu cần, nay là Nhà hát Chèo Quân đội

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-doan-cheo-quan-doi-66276