Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bài học

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, trở thành mốc son chói lọi 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Trong sự kiện lịch sử hào hùng ấy, cái tên Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của dân tộc được nhắc tới với biết bao sự nể phục và niềm tự hào vô hạn. Vị đại tướng bước ra từ chiến thắng vĩ đại còn khiến bất kì ai được làm việc, gặp gỡ càng thêm yêu kính và học được từ ông những bài học sâu sắc.

“Tôi có may mắn bốn lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần nào cũng vậy, nhân cách, những bài học từ vị Đại tướng của nhân dân cũng đều để lại trong tôi những kỉ niệm không thể nào quên” - Đó là câu chuyện mà ông Nguyễn Khuê Bích, nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên), tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ. Câu chuyện ấy cứ theo tôi, gây xúc động cho một người trẻ chưa từng một lần được gặp Đại tướng nhưng đã tự cảm phục, tự thấy kính yêu từ trong tiềm thức với vị tướng của nhân dân.

Lãnh đạo Huyện ủy Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1998. Ông Nguyễn Khuê Bích, nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Hưng bấy giờ đứng cạnh, bên trái Đại tướng.

Lãnh đạo Huyện ủy Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1998. Ông Nguyễn Khuê Bích, nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Hưng bấy giờ đứng cạnh, bên trái Đại tướng.

Nhớ những lần gặp Đại tướng

Yên Hưng trước đây, nay là TX Quảng Yên - mảnh đất lịch sử gắn với ba lần đại thắng giặc trên dòng sông Bạch Đằng là địa điểm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không dưới ba lần về thăm khi tới Quảng Ninh. Ông Khuê Bích kể rằng mình nhớ nhất hai lần gặp Đại tướng là năm 1995 và 1998.

Năm 1995, khi Đại tướng về thăm, có mấy cụ già đến đón Đại tướng tại Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng. Các cụ kể về sự tích trận thủy chiến Bạch Đằng, về câu chuyện bà hàng nước bên bến đò Rừng lúc ấy đã chỉ cho Hưng Đạo Vương về những đặc điểm địa hình của vùng sông nước Bạch Đằng, thủy triều Bạch Đằng, rừng Bạch Đằng, đất Bạch Đằng và người dân Bạch Đằng... giúp cho Hưng Đạo Đại Vương lập kế trận thủy chiến Bạch Đằng chống quân Nguyên Mông. Các cụ cũng kể về sự tích lập miếu Vua Bà, đền thờ Đức Thánh Trần... Xúc động, Đại tướng nói: “Sáng kiến của một người dân bình thường cũng có thể làm nên sự nghiệp lớn. Hưng Đạo Đại Vương đã chắt chiu sáng kiến của nhân dân để làm nên sự nghiệp lớn cho dân tộc”. Câu nói của Đại tướng cho đến tận sau này với ông Khuê Bích và những người đi cùng luôn có ý nghĩa sâu sắc, đó là một tổng kết và là bài học ở tầm chiến lược quý giá, nhất là với những người lãnh đạo.

Trong lần về thăm này, trò chuyện thân mật với lãnh đạo Huyện ủy, Đại tướng nói: “Cần nêu cao tự hào truyền thống cách mạng của nhân dân Quảng Yên và Bộ đội chiến khu Đông Triều. Quảng Yên là tỉnh lị đầu tiên trong nước giành chính quyền cách mạng vào ngày 20/7/1945, trong khi mãi đến ngày 15/8/1945 mới có chủ trương của Trung ương Đảng về Tổng khởi nghĩa và Hội nghị Quốc dân Tân Trào phát lệnh Tổng khởi Nghĩa! Sự kiện này có thể rút ra bài học lớn là: Khi đường lối của Đảng đã thấm nhuần trong nhân dân thì nhân dân có thể làm thành công những việc lớn đúng đường lối của Đảng trước khi có chủ trương cụ thể của Đảng”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng cây đa tại khuôn viên Khu di tích lịch sử Bạch Đằng.

Với niềm yêu kính và nể phục dành cho Đại tướng, tháng 8/1998, khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi nghỉ ở Bãi Cháy, ông Khuê Bích rất mong muốn được tiếp Đại tướng thêm một lần nữa. Ông chủ động xin phép Tỉnh ủy Quảng Ninh và sau khi được chấp nhận, ông trực tiếp đến mời Đại tướng về thăm, chơi tại Huyện ủy Yên Hưng. Được Đại tướng chấp nhận và về chơi, thăm Huyện ủy hai ngày, ai nấy đều phấn khởi. Ông nhớ lại: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghỉ tại cơ quan Huyện ủy Yên Hưng, nói chuyện thân mật với cán bộ Huyện ủy và Hội CCB huyện, ăn cơm với cán bộ nhân viên cơ quan Huyện ủy, thăm Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, xem chứng tích Bãi cọc trận Bạch Đằng, bến đò cổ Bến Rừng, thắp hương đền thờ Vua Bà, đền thờ Trần Hưng Đạo, xem Bảo tàng Bạch Đằng..., Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất vui”.

Theo Bác, học Bác…

Trong những câu chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông Khuê Bích còn nhớ, có rất nhiều chuyện về Bác Hồ, với tâm huyết là suốt đời học và làm theo Bác…

Trong lần về thăm thân mật, trò chuyện với cán bộ và người dân Quảng Yên năm 1998, Đại tướng kể nhiều câu chuyện, nhưng đọng lại trong ông là câu chuyện học Bác của Đại tướng đã góp phần thay đổi cách đánh của cả chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". “Đại tướng kể, Bác Hồ dặn trước khi ra trận phải “Chắc thắng thì đánh” để từ đó người đứng đầu trận đánh đã quyết định chuyển từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, một quyết định mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Đó là một quyết định khó nhất trong đời!” - ông Khuê Bích nhớ lại.

Ông Bích còn tự hào kể về cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” do chính Đại tướng viết. Đó cũng là cuốn sách ông may mắn được Đại tướng tặng và bao nhiêu năm nay vẫn trân trọng, gìn giữ. “Tôi cảm xúc sâu sắc rằng Đại tướng suốt đời “Theo Bác, học Bác” nên tâm can của Đại tướng luôn luôn vì dân, trọng dân, nghe dân, làm cách mạng vì dân... Do đó, Đại tướng luôn luôn giản dị mà sáng suốt, sáng suốt trong trí tuệ, trong ý chí, mẫn tuệ trong mọi tình huống khó khăn..., luôn luôn coi trọng cách làm việc” - ông Khuê Bích chia sẻ.

Được Đại tướng tặng cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, bao năm nay, ông Nguyễn Khuê Bích vẫn giữ gìn, trân trọng.

Những lần gặp Đại tướng, được nghe, được “thấm” những câu nói để đời của Đại tướng và quan trọng hơn là những câu chuyện ý nghĩa về bài học lãnh đạo, trọng dân, nghe dân,... cảm kích và xúc động, ông Khuê Bích viết đôi câu đối về Đại tướng: “Theo Bác, bền gan tâm nghĩa hiệp/Nghe dân, mẫn tuệ vóc sơn hà”. Khi Đại tướng mất, rồi nhân ngày giỗ đầu của Đại tướng, ông cũng đã viết bài thơ: “Tựa Hoành Sơn Đại tướng với nước non…” và nhấn mạnh "nguyện mãi mãi học Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Những ngày này, nhớ tới vị tướng của dân tộc, ông Bích chia sẻ: “Ở Di tích lịch sử Bạch Đằng có cây đa đặc biệt, cây đa được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng khi cây còn nhỏ, nay đứng thẳng, sum sê... Tán cây che phủ cả hậu cung đền Trần và hậu cung miếu Vua Bà. Ai đến đây chiêm ngưỡng cũng có những tình cảm đẹp, ngưỡng mộ...”.

Câu chuyện những lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp của ông Khuê Bích khiến thế hệ sau như chúng tôi hiểu vì sao vị tướng huyền thoại luôn được nhớ đến không phải chỉ vì những chiến công, mà đó còn là “tầm vóc của một Đại tướng xứng tầm Người của thế giới”! Chiến thắng Điện Biên Phủ tròn 65 năm tuổi, cũng là lúc để tất cả lại nhớ về Đại tướng, để thêm tự hào và học theo những bài học sâu sắc mà Đại tướng đã truyền cảm hứng.

Khánh Đan

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201905/dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-nhung-bai-hoc-2439715/