Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng nhân dân

Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 4/10/2013) là một tấm gương phản chiếu gần trọn thế kỷ XX - thế kỷ dữ dội nhất và cũng bi hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Với tài thao lược, cùng với bản lĩnh cầm quân kiệt xuất, Đại tướng đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lập nên những chiến công hiển hách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kỷ niệm 109 năm ngày sinh của Đại tướng, chúng ta cùng nhớ về ông với một sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với người dân xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Ảnh: Tư liệu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với người dân xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Ảnh: Tư liệu.

Nhân kỷ niệm Ngày sinh của Đại tướng, đồng bào các dân tộc Cao Bằng lại nhớ về Khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình), bởi theo chỉ thị của Đảng, Bác Hồ, ngày 22/12/1944, Đại tướng đã về đây, khai sinh ra đội quân cách mạng, đội quân công nông bách chiến, bách thắng. Để rồi từ cánh rừng này, Đại tướng với tài thao lược, với lòng yêu nước thiết tha đã chỉ huy 34 chiến sỹ bắt đầu cuộc trường trinh bằng chiến thắng trận đầu Phai Khắt - Nà Ngần, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc.

Không chỉ lừng danh là một vị tướng thiên tài của thời đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được biết đến là một vị tướng tài đức, văn võ song toàn, một nhà chính trị vì dân. Đức độ, tài năng của ông đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của chính những tướng lĩnh đã từng đối đầu trên chiến trường. Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, với tư cách là Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, Đại tướng đã quyết đoán đề nghị thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đề nghị này của Đại tướng được Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch phê chuẩn. Phương án “đánh chắc, tiến chắc” trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng cao nhất với sự hy sinh xương máu thấp nhất. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và nỗ lực của toàn quân, toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã thiết kế nên một thế trận giải phóng miền Nam với mưu kế kỳ diệu: Căng địch ra ở hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế - Đà Nẵng, phía Nam giữ địch ở Sài Gòn, làm cho địch bộc lộ sơ hở ở quãng giữa miền Trung và Tây Nguyên. Khi địch đã rơi vào thế trận của ta sắp đặt, ta bất ngờ phá vỡ Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ, ta giải phóng Huế, Đà Nẵng đẩy địch vào thế tan rã, và sau đó ta tập trung toàn bộ lực lượng gồm 5 quân đoàn giải phóng Sài Gòn.

Có thể nói, những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mà Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên, đã tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Những chiến tích ấy đã nâng ông lên tầm một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của mọi thời đại, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới.

Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Đại tướng dành nhiều tâm sức cho việc viết hồi ký và lịch sử. Những tác phẩm của Đại tướng, như: "Từ nhân dân mà ra”, "Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử", "Những năm tháng không thể nào quên", "Chiến đấu trong vòng vây", "Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng", “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”..., đã giúp người đọc cả trong và ngoài nước càng hiểu sâu hơn về bản sắc, truyền thống văn hóa, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước và con người Việt Nam.

Có thể nói, trong cuộc đời dù nắm giữ nhiều cương vị, kinh qua nhiều lĩnh vực công tác, nhưng con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn toát lên tinh thần nhân văn cao cả, lấp lánh trí tuệ và đặc biệt là luôn tỏa sáng một phẩm cách thanh sạch, hết lòng vì dân vì nước.

Đối với đồng bào xã Tam Kim và Hoa Thám (Nguyên Bình), từ già trẻ, gái trai các dân tộc đều coi Bác Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người cụ, người ông, người cha thân thiết trong mỗi gia đình. Đó là vinh dự lớn, bởi Đảng, Bác Hồ đã chọn nơi đây là nơi thành lập quân đội, là nơi Bác Văn cùng Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân phất cờ xung trận, thắp lên ngọn lửa giữa rừng sâu mở đường thắng lợi, xua tan bóng đêm dài nô lệ lầm than cho dân tộc.

Bác Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa. Nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân, người lính, Bác Văn vẫn sống mãi. Nhân cách Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tầm cao của huyền thoại bởi được hình thành từ sự bình dị, từ lòng yêu nước, yêu nhân dân đến vô cùng. Tên tuổi của Đại tướng mãi mãi đi vào huyền thoại.

P.V (T/h)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dai-tuong-vo-nguyen-giap-song-mai-trong-long-nhan-dan-79126