Đại tướng Lê Đức Anh với quân và dân miền sông nước Cửu Long

Ở miền châu thổ Cửu Long, người ta gọi ông với cái tên thật gần gũi 'Bác Sáu Nam'. Bởi suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào ông cũng luôn giản dị, chân thành, để lại nhiều dấu ấn trong phong cách lãnh đạo, chỉ huy và đôi lúc giống như một người cha, người chú, người anh em, người con của nhân dân.

Vậy nên khi biết tin ông mất, người dân miền sông nước ai cũng đau xót, tiếc thương cho một trí tuệ và nhân cách cao đẹp từng có thời gian dài gắn bó máu thịt với Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong lần công tác gần đây tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi may mắn được gặp bà Trần Thị Mầm, 85 tuổi ở xã Đông Hưng A, người có nhiều kỷ niệm với Đại tướng Lê Đức Anh. Trong câu chuyện kể của bà thì lần cuối cùng về thăm, tặng quà gia đình người có công tại xã Đông Hưng A và Vân Khánh Đông (nơi Đại tướng Lê Đức Anh từng sống và chiến đấu nhiều năm liền) năm 2014, dù đã bước sang tuổi 94 nhưng Đại tướng Lê Đức Anh vẫn còn mạnh khỏe và minh mẫn.

Cầm tấm ảnh chụp chung với Đại tướng Lê Đức Anh trên tay, bà Mầm nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe: “Hồi đó khi được địa phương thông báo ra UBND xã đón đồng chí ở Trung ương về làm việc, tôi vui lắm. Mặc dù phải ngồi xe lăn nhưng tôi vẫn bảo con cháu đưa ra. Thật bất ngờ khi người đó là Bác Sáu Nam. Bác nhận ra tôi ngay và không ngừng hỏi thăm tôi cũng như bà con lối xóm trước đây đùm bọc, chở che cho bộ đội trong những năm tháng kháng chiến. Thấm thoắt mới có mấy năm mà Bác Sáu đã đi rồi”. Bà Mầm cho biết thêm, hồi còn chiến tranh, Bác Sáu Nam hay ra nhà bà chơi, thường xuyên động viên bà con cố gắng sản xuất, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, đoàn kết một lòng chống giặc, cứu nước. Bác gần gũi, sống giản dị nên ai cũng quý.

Cũng như bà Mầm, cựu chiến binh Võ Văn Thêm vẫn chưa hết bàng hoàng khi hay tin Bác Sáu Nam mất. Nhớ lại buổi về thăm Vân Khánh Đông của Đại tướng Lê Đức Anh năm ấy, ông Thêm cho biết, lúc đó, Đại tướng Lê Đức Anh rất xúc động khi đến thăm nơi ở, nơi làm việc của mình thời kháng chiến. Gặp ai, ông cũng ân cần, động viên, thăm hỏi. Cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ôn lại những kỷ niệm và không quên nhắc nhở mọi người phải luôn ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ đó cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu mạnh, sớm đưa xã nhà hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, để người dân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Ông Thêm kể tiếp: “Thời chiến đấu đâu biết Bác Sáu Nam giữ chức vụ gì, chỉ biết ông được tăng cường cho Quân khu 9. Nhưng nếu nhìn bên ngoài thì không ai nghĩ ông là cán bộ cấp cao. Bởi cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ rất bình dị”.

Đi tới đâu, chúng tôi cũng được nghe những câu chuyện về Bác Sáu Nam, gần gũi mà thân thương như một người con của quê hương Nam Bộ. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thanh Sơn, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Cần Thơ đang cầm trên tay cuốn sách “Quân và dân Khu 9-40 năm chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch vi phạm hiệp định Paris 1973”. Trong đó có bài viết “Tôi phải đánh đã” của Đại tướng Lê Đức Anh. Với ông, đồng chí Lê Đức Anh là một vị tướng giỏi, người chỉ huy bản lĩnh, dám quyết, dám chịu trách nhiệm.

Và một trong những quyết định của Đại tướng Lê Đức Anh khiến ông đặc biệt ấn tượng là sau khi Mỹ ký Hiệp định Paris (năm 1973), nhiều chiến trường ngừng bắn nên bị địch o ép, gây ra tình cảnh khó khăn, nhưng ở Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh vẫn lệnh cho quân đánh địch. “Chúng tôi thấy đánh là đúng, đánh như vậy để thăm dò Mỹ xem có trở lại hay không”, ông Sơn nói.

Đồng chí Lê Đức Anh còn là người chỉ huy dự đoán được sớm, nắm chắc được tình hình và trong lúc khó khăn nhất ông luôn vững vàng. Ông Sơn nhớ lại, vào giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ-ngụy cam go, ác liệt nhất, đồng chí Lê Đức Anh quyết định đặt sở chỉ huy tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, bất chấp nguy hiểm để gần với chiến trường, dễ sâu sát và kịp thời trong chỉ đạo đấu tranh.

“Cái tài của người chỉ huy được thể hiện ở sự mưu trí, dũng cảm và biết dựa vào sự đùm bọc, chở che của nhân dân. Nhờ vậy, trong suốt thời gian hoạt động, dù ở sát địch nhưng chúng vẫn không nhận ra ta. Đồng thời, dễ dàng nắm bắt tình hình chiến trường một cách nhanh chóng và chính xác để có biện pháp đấu tranh phù hợp. Không chỉ là người chỉ huy giỏi mà đồng chí Lê Đức Anh còn là người mẫu mực, khiêm tốn, sống hòa hợp với anh em cán bộ và quần chúng nhân dân. Dù là người chỉ huy, nhưng đồng chí vẫn trực tiếp tham gia lao động với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đó là một người chỉ huy, người anh mà tôi luôn học hỏi”, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thanh Sơn nhấn mạnh.

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dai-tuong-le-duc-anh-voi-quan-va-dan-mien-song-nuoc-cuu-long-573229