Đại tướng Lê Đức Anh với ký ức thời đi học

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc vùng cao Lai Châu, tháng 3/1996. Ảnh: Cao Phong/TTXVN.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc vùng cao Lai Châu, tháng 3/1996. Ảnh: Cao Phong/TTXVN.

Những ký ức thời đi học trong hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản (năm 2015) đã phác thảo đầy đủ, sâu đậm về sự hiếu học, vượt khó của một con người cả đời gắn bó với cách mạng.

“Muốn học lên tiếp thì phải đi xa nhà”

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông nội ông là một sỹ phu từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.

Đại tướng Lê Đức Anh là con thứ 7 trong gia đình có 9 anh em. Ký ức tuổi thơ của ông cũng là những ngày ăn sắn, ăn khoai, nhưng ấm áp tình cảm gia đình; là sự hy sinh của ba, là sự tần tảo của mẹ, để anh chị em ông được cắp sách đến trường.

Trong cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” (Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2015), ông cho biết: “Tên ba má đặt là Lê Đình Giác. Năm đầu tiên đi học, mắt kém, lại tên là Giác, vần G thì phải ngồi ở phía sau, nên thầy giáo nói với ba má tôi đổi sang tên vần A để được ngồi phía trên, nhìn bảng cho rõ hơn. Ba má tôi nhất trí với thầy đổi tên Giác thành tên Anh. Và tôi mang tên Lê Đức Anh từ đó.

Trường Hà là một làng quê nghèo trên phá Tam Giang. Ruộng canh tác ít, đất pha cát rất khó cấy trồng và trồng cây gì cũng phải khổ công chăm bón.

Ngày trước, người dân thường xuyên phải chịu cảnh làm ruộng nhờ trời. Đa số người dân trong làng thiếu ăn, nên phải đi các nơi làm thuê kiếm sống. Đi làm cật lực từ lúc gà gáy sáng đến tối mịt mới về, vậy mà tiền công chỉ được được một hào mỗi ngày; trong khi đó phải nộp thuế thân, mỗi suất đinh là một đồng mỗi năm.

Sự nghèo đói đi liền với thất học. Hầu hết người dân quê tôi không biết chữ, một vài người được gọi là có học cũng chỉ học được một ít chữ Nho, biết đọc, biết viết, biết chữ quốc ngữ và biết mấy phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Muốn học lên tiếp thì phải đi xa nhà”.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, từ 19/9 - 8/10/1992, tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Kim Hùng/TTXVN.

Nhịn đói đến trường

Sinh ra trong gia đình có 9 anh em nên ba má ông phải tần tảo, bươn chải, vừa làm ruộng, làm thuốc, vừa đi làm thuê kiếm sống.

Làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ, khoai sắn là chính, nhưng ba má ông vẫn chăm lo cho các con học hành. Ông được ba má cho là sáng dạ nên ưu tiên cho đi học từ nhỏ. Lên 5 tuổi, ông học chữ Nho tại nhà. Từ 6 - 10 tuổi, ông học chữ quốc ngữ ở làng Dưỡng Mong và Trường An Lương Đông, huyện Phú Lộc.

“Trường xa nhà nên buổi sáng tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở làng Dưỡng Mong phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những bẹ nang của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân”.

Cũng chính bởi những gian khó ấy đã rèn luyện và hình thành trong ông đức tính kiên nhẫn, chịu thương chịu khó, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn.

“Năm tôi 11 tuổi, ba má tôi cho tôi ra thành Vinh (Nghệ An) để chị gái Lê Thị Hiệp và anh rể nuôi ăn học. Anh rể tôi tên là Trường Cát, làm nghề dạy học ở thành Vinh. Người xứ Nghệ cũng nghèo, bữa ăn chỉ khoai và sắn, tương, cà, thường có canh chua và một món rất phổ biến, hầu như nhà nào cũng có, đó là xơ mít muối với dọc mùng, người dân xứ Nghệ gọi là món “nhút”. Tôi với anh chị, hằng ngày ăn cơm độn khoai, sắn với canh chua và món “nhút” cổ truyền ấy…

Thời gian đầu, nhớ nhà, nhớ quê… tôi định bỏ về, vì anh tôi lương cũng chẳng có là bao, nay lại phải nuôi thêm tôi ăn học. Anh chị tôi nhủ:

- Nhiều no, ít đủ, em cố gắng nán lại thêm chút đỉnh.

- Anh chị xem có việc gì để em làm thêm, giúp anh chị? Tôi hỏi anh chị.

- Em cứ tập trung học cho tốt, về quê không có điều kiện để học đâu. Anh chị tôi lại động viên.

Người xứ Nghệ hiếu học, cùng học với tôi có nhiều bạn học giỏi và rất thương nhau.

Học hết tiểu học ở Trường Vinh, tôi trở về quê Phú Vang giúp đỡ ba má, ông bà làm nông nghiệp”.

Đi làm gia sư, dạy chữ Quốc ngữ

Thuở niên thiếu, chàng thiếu niên Lê Đức Anh đã sớm được tiếp xúc với những người yêu nước và cách mạng, đọc báo chí tiến bộ, tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và tham gia phong trào đấu tranh đòi độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc.

Năm 15 tuổi, ông đi làm gia sư, dạy chữ Quốc ngữ cho một số con cháu của người bà con trong làng, chủ yếu là ở làng Dưỡng Mong. Ngoài thời gian đi làm gia sư, ông còn đọc báo, đọc sách cho ba má, anh chị em trong gia đình và những người bạn của ba má đến chơi cùng nghe, vì ở nông thôn, những người ít tuổi mà biết chữ Quốc ngữ, biết tiếng Pháp không nhiều.

Ông đọc các tờ báo lưu hành công khai lúc bấy giờ như Nhành lúa, Thời báo, Dân… Nhà sách Hương Giang đã phát hành những cuốn sách như Vấn đề dân cày, Đông Dương với vấn đề phòng thủ, Giá trị lao động… những sách này được ông Lê Bá Dị đưa về cho ba má ông. Mọi người được nghe đọc sách báo rất thích. Mọi người còn thích nghe ông đọc các truyện xưa về Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, rồi truyện Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc…

Từ chỗ được giao nhiệm vụ đọc sách báo cho dân chúng, ông được giác ngộ và năm 17 tuổi, chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương.

Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản, khi đó ông tròn 18 tuổi. Từ đây, ông bắt đầu cuộc đời của một người cộng sản.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thể hiện tâm thế của người chiến sỹ đứng vững trên thế tiến công, chủ động tấn công trong suy nghĩ và hành động, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm thiểu hy sinh xương máu của chiến sỹ và đồng bào, mà vẫn chiến thắng kẻ thù.

Lê Đăng (Lược trích)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/dai-tuong-le-duc-anh-voi-ky-uc-thoi-di-hoc-3998458-b.html