Đại tướng Lê Đức Anh và những ngày giành chính quyền ở Lộc Ninh

Trong cuốn hồi ký 'Đại tướng Lê Đức Anh - cuộc đời và sự nghiệp', cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh kể khá nhiều về thời kỳ ông cùng các đồng chí của mình tổ chức các nghiệp đoàn ở đồn điền cao su Lộc Ninh và tham gia đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Báo Công an TPHCM xin lược ghi lại theo hồi ký của ông.

Cuối năm 1939 - đầu 1940, để tránh sự truy lùng của địch, ông Lê Đức Anh lánh vào Hội An - Quảng Nam rồi vào Phan Rang và đi xe lửa lên Đà Lạt. Sau một tháng ở nhà chị gái, ông xin vào làm công tại khu nghỉ mát của sở Nam Kỳ. Ông được một người Pháp giới thiệu về làm xúc xích và dăm bông ở đồn điền cao su Lộc Ninh với mức lương 30 đồng/tháng.

Các thành viên thuộc Bộ Tư lệnh Miền tại căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh, Sông Bé trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. (Trong ảnh: Đại tướng Lê Đức Anh đứng thứ hai từ phải sang). Ảnh tư liệu

Các thành viên thuộc Bộ Tư lệnh Miền tại căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh, Sông Bé trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. (Trong ảnh: Đại tướng Lê Đức Anh đứng thứ hai từ phải sang). Ảnh tư liệu

Với điều kiện làm việc không bị quản chặt như phu cạo mủ cao su, ông có điều kiện đến các làng tiếp xúc với phu cao su để vận động, xây dựng phong trào của phu cao su, đồng thời tìm cách bắt liên lạc với tổ chức cách mạng.

“Tôi tìm hiểu tình hình và biết rõ thực trạng cuộc sống của những người lao động trong từng lô cao su. Tôi lựa lời bàn với họ làm sao giúp nhau để bảo đảm cho đời sống của người phu cao su đỡ cực khổ. Tôi nói chuyện với các thầy xu và bàn với họ: Phải làm sao để chủ Tây không chửi mắng, không khinh người Việt ta quá thể...” - ông Lê Đức Anh kể lại trong hồi ký.

Qua các góp ý, động viên của ông Lê Đức Anh, người Việt từ thầy xu đến phu đồn điền bước đầu đã có lòng tự tôn dân tộc và có sự thông cảm, chia sẻ, biết quan tâm đến nhau hơn.

Thông qua việc vận động các thầy xu, ông Lê Đức Anh thực hiện được ý định đầu tiên là tổ chức, củng cố đời sống vật chất và tinh thần cho những người phu cao su, hâm nóng và thắp sáng trong họ lòng tự tôn dân tộc.

“Khi công việc này đã có những kết quả khả quan, tôi nghĩ đến việc chọn những người tiêu biểu để giác ngộ và gây dựng lực lượng đầu tiên cho cách mạng ở vùng này. Nhưng muốn tiến hành việc đó, trước hết phải tìm cách bắt được liên lạc với tổ chức của Đảng. Lúc này, với đồng lương và sự tiết kiệm trong chi tiêu đã giúp tôi có điều kiện để thực hiện ý định này” - Đại tướng Lê Đức Anh nhớ lại.

Cũng tại đồn điền cao su Lộc Ninh, năm 1942, ông gặp được người em của ông Nguyễn Văn Tạo (sau này là Bộ trưởng Bộ Lao động) rồi được dẫn về nhà bố mẹ ông Tạo ở Bình Chánh - Sài Gòn. Từ đây, ông chính thức bắt được liên lạc với tổ chức cách mạng.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào cách mạng chung trong toàn tỉnh, đầu năm 1943, tại làng 1, đồn điền cao su Dầu Tiếng, Tỉnh ủy lâm thời (gọi là Ban Cán sự Đảng) tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập do ông Văn Công Khai làm Bí thư. Ông Lê Đức Anh được bổ sung vào Tỉnh ủy và được phân công cùng một người nữa chỉ đạo phong trào Lộc Ninh và toàn bộ vùng phía bắc.

Sang năm 1943, phong trào công nhân ở đồn điền cao su Lộc Ninh đã vững, ông phát triển sang Công ty Cao su Đất đỏ, gồm: Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch. Tháng 2-1944, một chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ở Lộc Ninh gồm 5 Đảng viên, ông trở thành Ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một, kiêm Bí thư chi bộ và phụ trách vấn đề dân tộc thiểu số.

Từ ngày 18-8 trở đi, ở Bến Cát, Tân Uyên, Dĩ An, Lộc Ninh..., địch đang trên đà suy sụp, rệu rã. Ở Nam Bộ, các cấp bộ Đảng thấm nhuần tinh thần của Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tích cực đón thời cơ khởi nghĩa. Khi được tin phát xít Nhật đầu hàng và nhất là được tin Hà Nội cướp chính quyền thắng lợi, nhân dân các địa phương gấp rút nổi dậy.

Sáng 24-8-1945, hàng nghìn công nhân các làng, đồn điền cao su Lộc Ninh - Đa Kia cùng nông dân các địa phương nhất tề nổi dậy. Từng đoàn người cầm gậy tầm vông vạt nhọn, xà beng, giáo mác, cung tên tiến vào các nhà máy, xí nghiệp đồn điền cao su. Làn sóng người ào ào vượt rào, leo tường, trương cờ đỏ sao vàng hô vang khẩu hiệu: “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.

Quần chúng biểu tình chiếm các trụ sở hành chính, trụ sở cảnh sát trong thị trấn. Binh lính, sĩ quan ngụy nộp vũ khí và được khoan hồng. Tại Bù Đốp, lực lượng khởi nghĩa thu được kho súng máy của địch.

Cùng với Lộc Ninh, các quận Tân Uyên, Lái Thiêu, Bến Cát nổi dậy giành chính quyền trong buổi sáng ngày 24-8- 1945. Lộc Ninh là một trong những nơi giành chính quyền sớm trong tỉnh.

Công nhân, người dân các làng cùng với chi bộ Đảng ngay tối đó đã tổ chức lễ mừng chiến thắng và cử hành lễ truy điệu 22 chiến sĩ hy sinh. Ông Lê Đức Anh tổ chức lực lượng gồm 300 người, trang bị vũ khí vừa thu được và giáo mác, tầm vông,... kéo xuống thị xã Thủ Dầu Một tham gia tổng khởi nghĩa.

Hữu Nhân (lược ghi)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/dai-tuong-le-duc-anh-va-nhung-ngay-gianh-chinh-quyen-o-loc-ninh_73063.html