Bảo hiểm vi mô cần cho nhóm yếu thế nhưng doanh nghiệp không mặn mà

Bảo hiểm vi mô mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội, nhưng việc thiếu hành lang pháp lý nên nhiều doanh nghiệp chưa muốn tham gia.

Quốc hội thảo luận trực tuyến sáng 29/10 về Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi

Quốc hội thảo luận trực tuyến sáng 29/10 về Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi

Thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật và cho rằng bảo hiểm vi mô là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện giúp người nghèo có thói quen tích lũy tài chính.

Thực tế bảo hiểm vi mô rất cần thiết, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế, mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội, nhưng theo đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh), hiện vẫn chưa có luật nào quy định về vấn đề này, thực tế cho thấy việc thiếu hành lang pháp lý về bảo hiểm vi mô cũng là nguyên nhân khiến cho loại hình bảo hiểm này dù có thời gian dài thí điểm (10 năm) nhưng tỷ lệ người tham gia rất thấp.

Đến nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm vi mô ở nước ta có khoảng 200.000 hợp đồng.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang

Còn theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước), việc triển khai bảo hiểm vi mô tại Việt Nam chưa thật sự phát triển do bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận, chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm bảo hiểm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam cũng chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô.

Bên cạnh đó, theo đại biểu đoàn Bình Phước, việc dự thảo luật quy định tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập và hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình, nhưng về mặt pháp lý của các tổ chức tương hỗ quy định tại dự thảo luật chưa chặt chẽ, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro. Trong khi đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông và nếu có rủi ro thì tác động rất lớn đến xã hội.

Để đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô, đồng thời đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này, bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô và làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô với các bảo hiểm thông thường. Xác định rõ vai trò của các tổ chức tham gia.

Cho rằng, việc dự thảo chỉ định khung 2 điều về bảo hiểm vi mô khiến các nội dung để thực hiện còn chưa được đầy đủ, rõ ràng, sẽ gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai trên thực tế, trong khi đây lại là loại hình bảo hiểm chứa đựng nhiều rủi ro, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đề nghị bổ sung cụ thể hóa các quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo, như quy định rõ khung pháp lý tổ chức điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm, bổ sung các cơ cấu khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) đề nghị những nội dung trọng yếu trong dự thảo như là về tiêu chí, điều kiện của doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức tương hỗ, việc quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ hay quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ cần phải được quy định trong luật thay vì giao cho Chính phủ quy định như Dự thảo.

Quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chưa chặt chẽ, dễ rủi ro với người mua

Nhấn mạnh việc quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là nội dung rất quan trọng vì hậu quả pháp lý của của việc này là người mua bảo hiểm sẽ không được hưởng các quyền lợi của bảo hiểm, tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (đoàn Tuyên Quang), qua rà soát các nội dung, Dự thảo đã quy định, nhưng nội dung chưa được rõ ràng và chưa được chặt chẽ, chưa có điều khoản quy định cụ thể các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

“Trong khi đó, quy định như trong dự thảo ở Điều 38, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận nội dung mà không trả tiền bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm, là một quy định rất rủi ro cho người mua bảo hiểm vì Luật kinh doanh bảo hiểm là những kiến thức rất chuyên sâu, chuyên ngành không phải người mua bảo hiểm nào cũng có những kiến thức pháp lý để lường trước được những rủi ro để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Nêu quan điểm như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà đề nghị nội dung này phải được quy định cụ thể hơn có thể tại một điều hoặc có dẫn chiếu đến các điều có quy định tại dự thảo và Luật Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, thì mới có thể thỏa thuận với người mua bảo hiểm đối với những nội dung mà luật quy định.

Cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù

Dẫn ra nhiều lý do khiến cho lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa đạt hiệu quả, theo đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh), cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù và xây dựng một chương riêng cho dự thảo. Cùng với đó, cần tổng kết, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, từ đó xây dựng những quy định cụ thể hơn và mạnh mẽ hơn, quy định mức phí phù hợp và hỗ trợ đối với một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp; quy định rõ các chính sách khuyến khích việc tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp, cho doanh nghiệp bảo hiểm như chính sách thuế, phí, hỗ trợ chi phí đào tạo nhằm thay đổi nhận thức các chủ thể tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

Theo đại biểu đoàn Bắc Ninh, việc quy định cụ thể những đối tượng được hưởng bảo hiểm trong chương trình phát triển nông nghiệp như bảo hiểm giống, vật nuôi, mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp, thiết kế sản phẩm bảo hiểm hình thức triển khai bảo hiểm phù hợp sẽ tạo cú hích thu hút được nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, đầu tư nông nghiệp./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/bao-hiem-vi-mo-can-cho-nhom-yeu-the-nhung-doanh-nghiep-khong-man-ma-901315.vov