Đại Từ (Thái Nguyên): Người dân lo lắng sạt lở đồi ông Mai

Mưa lớn kéo dài từ cuối tháng 5 đến nay và đặc biệt trận mưa như trút nước trong đêm 24 đến trưa 25/6 vừa qua đã khiến khu vực đồi ông Mai thuộc xóm Yên Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đoạn giáp tỉnh lộ 270 xuất hiện nhiều vết nứt, tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và đời sống của 14 hộ dân dưới chân núi.

Gần 10 vết nứt có xu hướng gia tăng, mở rộng trên đồi ông Mai, xóm Yên Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đe dọa sạt lở vùi lấp 14 hộ dân sinh sống phía dưới chân đồi.

Gần 10 vết nứt có xu hướng gia tăng, mở rộng trên đồi ông Mai, xóm Yên Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đe dọa sạt lở vùi lấp 14 hộ dân sinh sống phía dưới chân đồi.

Theo nhiều người dân ở xóm Yên Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Những vết nứt xuất hiện tại khu vực đồi ông Mai đã xuất hiện từ tháng 5/2018 và có xu hướng gia tăng, mở rộng theo thời gian. Hiện nay đang có gần 10 vết nứt có độ rộng từ 2 đến 15cm, chiều dài từ 20 đến 40m, chiều sâu vào trong lòng đất từ 1 đến 1,5m. Những vết nứt này xuất hiện ngày càng nhiều và càng rộng sau mỗi trận mưa lớn. Đất, đá mồ côi trên đồi, núi chỉ rình trượt xuống đè bẹp 14 hộ dân đang sinh sống ở phía chân đồi.Nguy hiểm hơn hơn, tỉnh lộ 270 đi qua khu vực núi nút dạn này. Nếu đất đá sạt trượt xuống đường sẽ đe dọa các phương tiện tham gia giao thông khi qua đoạn đường này.Bà Phạm Thị Thu có nhà ở ngay dưới chân đồi ông Mai, bám mặt đường ĐT 270, xóm Yên Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã cho biết: Người dân đi làm nương, đi chăn gia súc phát hiện nhiều vết nứt đất kéo dài hàng chục mét từ năm ngoái. Nhưng sau đấy, thấy người của sở giao thông đến bạt đồi, xây rãnh thoát nước, cắt tầng …chống sạt trượt. Nhưng đến nay đất lại độn lên, nhiều vết nứt càng ngày càng xé ra to hơn.

Trên lưng đồi ông Mai xuất hiện vết nứt lớn có nguy cơ sạt lở phá hủy công trình kè chắn đất.

Người dân lo nơm nớp đất đá núi trượt xuống đè vào người, vào nhà thì chết. Năm 2017, mưa lớn đất đá trên núi đã theo dòng nước đùn ra đầy đường.Ông Ngô Văn Hoa, xóm Yên Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho hay:Từ các trận mưa thì nó nứt ra, mà càng ngày nó càng nứt to ra và nhân dân ở trong xóm ở cũng không được yên ổn. Bà con nhân dân chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm khảo sát cho kỹ càng để bà con ở cho ổn định.Ông Dương Ngọc Thức, xóm Yên Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ đã bày tỏ lo ngại:Thường khi buổi đêm, mưa to gió lớn, chúng tôi mất ăn mất ngủ do nước xối vào nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình rất nguy hiểm. Mong muốn của chúng tôi là các cấp chính quyền nhanh chóng xử lý, làm sao để chúng tôi yên tâm.

Sau trận mưa lớn vào đêm 24 rạng sáng 25/6, công trình mái ta luy chắn đất trên đồi ông Mai đã bị lún sâu đến 40 cm.

Được biết, những vết nứt này bắt đầu xuất hiện từ năm 2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Sở Giao thông Vận tải kiểm tra hiện trạng và xử lý vị trí sạt lở. Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên đã cho biết: Từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2019, Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành xử lý theo phương pháp đào giật cấp, 5 bậc từ chân núi lên lưng chừng núi. Trên mặt bậc thiết kế rãnh cơ và được gia cố bằng lớp bê tông xi măng với mục đích giữ ổn định mặt bậc, thu nước chảy vào rãnh xây đá có bậc nước, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Công trình kiên cố tuy nhiên do kết cấu địa tầng dạng đất đồi phong hóa rời rạc nên đất, đá mô côi có sự gắn kết lỏng lẻo. Mưa to kéo dài, nước ngấm vào đất. Đất ngậm no nước sẽ gây nên tụt xệ, nứt rạn và có nguy cơ sạt trượt phá hủy công trình và nhà ở của người dân. Để xác định rõ nguyên nhân và những biến động của địa chất, địa tầng thì rất cần cơ quan chuyên môn vào cuộc xác định để tính toán phương án khắc phục sự cố này.

Tỉnh lộ 270 có nhiều người và xe qua lại khu vực có nguy cơ sạt lở núi ở xã Tân Thái, huyện Đại Từ.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên: Các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đã phối hợp với huyện tiến hành thăm dò, đánh giá địa chất để xác định nguyên nhân gây nên nứt, chúng tôi cũng đề nghị sau khi có kết quả thăm dò, nếu không đảm bảo, tiếp tục có chiều hướng nứt, sạt lở thì cần phải có giải pháp lớn hơn là di chuyển, bóc tách toàn bộ lớp đất đó. Hiện tại, huyện xác định có 14 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi nguy cơ lở đất, sạt núi. Huyện đã cho di dời 6 hộ dân nằm ngay dưới chân đồi ông Mai đến nơi an toàn đề phòng sạt lở đất xảy ra.

Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và UBND huyện Đại Từ đến khảo sát, đánh giá thực trạng nguy cơ sạt lở để tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên phương án khắc phục nguy cơ sạt lở đất ở xã Tân Thá.

Sáng 25-6, đại diện Sở Giao thông vận tải, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và UBND huyện Đại Từ đến khảo sát, đánh giá thực trạng nguy cơ sạt lở ở đây để tham mưu cho UBND tỉnh có phương án khắc phục. Biển cảnh báo nguy hiểm đã được xã Tân Thái cắm tại khu vực này, đồng thời huy động lực lượng trực 24/24 giờ để theo dõi. Các ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên đang cử đơn vị chuyên môn tiến hành khoan thăm dò địa chất, đánh giá mức độ sạt trượt để đưa ra phương án tối ưu khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định cuộc sống cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Nhiều biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở đất đã được UBND xã Tân Thái cho cắm từ xa để người dân biết tự phòng tránh rủi ro.

Được biết thêm, trên địa bàn huyện Đại Từ còn có một số điểm nút đất, sạt trượt đất đá nguy hiểm nữa. Đó là nứt đất núi Tán, đất đá bãi thải mỏ than Yên Phước theo mưa lớn cuốn trôi xuống, vùi lấp lúa và hoa màu của bà con nhân dân trong huyện… Diễn biến thời tiết bất thường, nhân dân sinh sống, canh tác trong vùng núi đồi có hiện tượng nút đất, sụt lún, sạt trượt đất đá phải hết sức cảnh giác với thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Khi thấy những dấu hiệu bất thường của địa chất thì cần khẩn cấp báo tin đến chính quyền địa phương để có phương án di dời kịp thời đến nơi an toàn. Tỉnh Thái Nguyên khẩn trương tìm phương án phòng chống sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho đồng bào dân tộc sinh sống trong vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra.

Bài và ảnh: Đức Nam

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/huyen-dai-tu-thai-nguyen-nguoi-dan-lo-lang-sat-lo-doi-ong-mai-1271126.html