Đài Thiên văn Hòa Lạc sẽ mở cửa đón khách vào quý II/2019

Sau Đài Thiên văn tại Nha Trang đã đi vào hoạt động năm 2017, dự kiến quý II năm 2019, Đài Thiên văn Hà Nội được đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong quần thể các công trình của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ mở cửa đón khách.

Đài Thiên văn Hòa Lạc có nhiệm vụ: Nghiên cứu về vật lý thiên văn; phổ biến kiến thức về khoa học vũ trụ tới cộng đồng; hỗ trợ đào tạo cho học sinh, sinh viên, nhà thiên văn nghiệp dư, người yêu công nghệ vũ trụ, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ; hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu cùng lĩnh vực trong và ngoài nước.

Thiết bị quan sát chủ yếu của Đài Thiên văn là kính thiên văn quang học phản xạ dạng Ritchey- Chretien có khẩu độ 50 cm, lớn nhất Việt Nam hiện nay. Khẩu độ lớn cho phép kính thu nhận được nhiều ánh sáng, nghĩa là nếu cùng một thời gian quan sát ở cùng một vùng trời, kính lớn phát hiện được nhiều vật thể sáng mờ nhạt hơn kính nhỏ, nếu cùng quan sát một vật thì kính lớn nhìn sáng hơn kính nhỏ và các chi tiết rõ ràng hơn kính nhỏ. Hệ số bội giác của kính thiên văn gấp 4.000 lần so với mắt thường nhìn được. Đến nay kính thiên văn này có thể nhìn thấy vật thể xa nhất ở khoảng cách là 1,4 tỷ năm ánh sáng với điều kiện quan sát ở mặt đất.

Kính thiên văn quang học tại Đài Thiên văn Hà Nội

Ngoài ra, kính thiên văn được trang bị hai thiết bị hỗ trợ quan trọng là bộ máy phân tích phổ Echelle ES0007 và camera PL16801 chuyên dụng cung cấp hình ảnh và quang phổ có độ phân giải phổ lớn (R=17000) trong vùng bước sóng rộng (2300 A0). Hệ thiết bị này cho phép thực hiện một số nghiên cứu mới và lý thú trong ngành vật lý thiên văn như: Cho phép chụp ảnh các thiên hà, tinh vân, hệ sao đôi; theo dõi các cơn bão và các hoạt động diễn ra trên bề mặt của một số hành tinh ở gần Trái Đất trong Hệ Mặt Trời như Sao Mộc, Sao Hỏa; theo dõi hoạt động của Mặt Trời; quan sát các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời.

Đến với Đài Thiên văn Hòa Lạc, khách thăm quan sẽ có cơ hội ngắm bầu trời bao la qua lăng kính thiên văn rộng 0,5m. Hệ kính này có thể giúp tìm kiếm thiên thể gần Trái đất, nghiên cứu khí quyển (bề dày, mây, mù), đo phổ vạch của các sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao, đo vận tốc xuyên tâm của sao chủ để tìm kiếm ngoại hành tinh.

Đặc biệt tại Nhà chiếu hình vũ trụ khách thăm quan sẽ được trải nghiệm cảm giác như bay vào vụ trụ, tìm hiểu lịch sử ngành thiên văn thế giới qua những thước phim 3D. Những hình ảnh cũng như những thước phim sẽ được trình chiếu lên mái vòm bởi hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải cao mang lại hiệu ứng 3D chân thực về bầu trời và các vì sao, đem lại cho người xem trải nghiệm đặc biệt về vũ trụ.

Đài Thiên văn Hòa Lạc cũng gồm một nhà chiếu hình vũ trụ được thiết kế giống như một rạp chiếu phim nhưng với màn hình dạng mái vòm. So với nhà chiếu hình vũ trụ 60 chỗ ngồi ở Nha Trang, nhà chiếu hình vũ trụ ở Hòa Lạc có quy mô lớn hơn với khoảng 100 ghế ngồi.

Theo ông Vũ Việt Phương – Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết “việc xây dựng Đài Thiên văn Hà Nội nhằm hướng đến việc phổ biến kiến thức khoa học vũ trụ cho cộng đồng, khơi dậy niềm đam mê yêu thích khoa học nói chung, niềm đam mê vũ trụ nói riêng cho các bạn trẻ. Đặc biệt, các bạn nhỏ sẽ được tham gia vào các lớp học STEM do Trung tâm Vũ trụ Quốc gia thực hiện”.

Hình ảnh về vũ trụ được chiếu tại nhà chiếu hình vũ trụ của Đài Thiên Văn

Hiện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục xin cấp phép và nghiệm thu các hạng mục công trình của Đài Thiên văn Hòa Lạc cũng như các thủ tục xin cơ chế thu chi tài chính riêng cho các Đài Thiên văn Hòa Lạc và Nha Trang nhằm giúp các Đài thiên văn có thể dùng nguồn kinh phí thu được từ khách tham quan để chi trả cho hoạt động vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hàng năm của công trình và trang thiết bị.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-thien-van-hoa-lac-se-mo-cua-don-khach-vao-quy-ii2019-114590.html