Đái tháo đường: 'Sát thủ' vô hình

Nhiều người mắc bệnh đái tháo đường sau khi điều trị thấy đường huyết tạm ổn định đã chủ quan dẫn đến tự gây họa cho mình mà nếu có cứu kịp thì cơ thể cũng tàn phế

So với người bình thường, người bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có nguy cơ đột quỵ cao hơn 2-4 lần. ĐTĐ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới

Liệt nửa người vì... tự làm bác sĩ!

Rơi vào "thảm họa" này là ông N.T.N (42 tuổi, ngụ TP HCM). Cách đây khoảng 3 năm, ông N. phát hiện mắc bệnh ĐTĐ. Trong năm đầu tiên, ông tái khám thường xuyên và tuân thủ phác đồ điều trị. Tuy nhiên dần dà, do bận công việc nên khi kiểm tra, thấy chỉ số đường huyết ổn định, ông không tái khám nữa, đồng thời tự mua thuốc theo toa thuốc cũ để uống.

Mới đây, trong một lần ngủ dậy, ông N. đột ngột bị yếu nửa người. Tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, các bác sĩ (BS) chẩn đoán ông bị đột quỵ kèm theo tăng huyết áp, mỡ máu cao, dù đường huyết vẫn trong giới hạn bình thường. Qua điều trị tích cực, tuy giữ được tính mạng nhưng ông bị liệt nửa người.

Bác sĩ khám cho người bệnh đái tháo đường

Bác sĩ khám cho người bệnh đái tháo đường

Cũng chủ quan như ông N., bà T.N.Đ (54 tuổi, ngụ Long An) đã rút ra bài học đau thương khi được người nhà đưa vào BV cấp cứu gần đây. Bà Đ. từng bị ĐTĐ và tăng huyết áp nhiều năm. Song, do bận việc gia đình nên bà bỏ lơ việc tái khám và uống thuốc không điều độ. Đến một ngày, bà được người nhà phát hiện nói đớ, méo miệng, yếu nửa người bên trái. Chỉ đến khi qua cơn nguy kịch, được các BS tư vấn tác hại của việc không tuân thủ điều trị, bà Đ. mới biết mình đã tự hại mình.

BS CKI Trần Minh Triết, Khoa Nội tổng hợp BV Đại học Y Dược TP HCM, cho biết đây chỉ là 2 trường hợp may mắn cứu kịp. Còn không ít người mắc ĐTĐ khác nhưng lơ là bệnh tật, quên là bệnh có thể dẫn đến nhiều bệnh khác nếu không thường xuyên điều trị nên có nguy cơ trả giá cho sự chủ quan này.

"Con cưng" của đột quỵ

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, nước ta hiện có tốc độ gia tăng bệnh ĐTĐ cao, đặc biệt ở các đô thị. Hiện nay, ước tính cứ 20 người Việt Nam trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh ĐTĐ - chiếm tỉ lệ khoảng 5,7%. Cứ 2 người mắc ĐTĐ thì 1 người không được chẩn đoán kịp thời. Người ĐTĐ chỉ phát hiện bệnh khi đã xảy ra các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, đột quỵ, biến chứng thần kinh, ảnh hưởng thị lực…

ThS-BS Võ Tuấn Khoa, Khoa Nội tiết BV Nhân dân 115 TP HCM, phân tích cứ 6 giây lại có 1 bệnh nhân ĐTĐ qua đời vì các biến chứng. Số liệu này cho thấy bệnh còn khủng khiếp hơn các đại dịch ung thư, HIV…

BS Minh Triết cho rằng nguy cơ "ngã ngựa" sẽ tăng nhiều hơn ở người bệnh ĐTĐ khi kèm theo các yếu tố: lớn tuổi, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh tim, rối loạn lipid máu hay có tiền sử bị đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não.

Theo các chuyên gia, ĐTĐ và đột quỵ có mối tương quan. ĐTĐ là "con cưng" của đột quỵ. Đường huyết không ổn định gây tổn thương các mạch máu và dây thần kinh điều khiển tim người bệnh ĐTĐ. So với người bình thường, người bị bệnh ĐTĐ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 2-4 lần. Mắc ĐTĐ làm những động mạch có thể bị cứng hoặc bị tắc do mảng bám, làm cho máu khó có thể đi tới não bộ. Thời gian mắc bệnh ĐTĐ càng lâu cộng sự chủ quan khiến nhiều người tàn phế khi tuổi còn trẻ.

"Dùng thuốc hợp lý, tuân thủ toa thuốc do BS chỉ định. Đừng dùng chung toa thuốc với người khác. Thời điểm uống thuốc rất quan trọng. Đừng tự ý điều chỉnh liều thuốc và nên đi tái khám định kỳ. Khi có bất kỳ biến chứng hoặc sự tấn công từ các bệnh cơ hội, bệnh nhân ĐTĐ cần gặp BS để đánh giá tình hình. Tùy bệnh trạng mà người bệnh được chỉ định nhập viện hay điều trị tại nhà, điều chỉnh thuốc…" - BS CKII Bùi Thị Mỹ Hạnh, Khoa Nội tiết BV Nhân dân 115, khuyến cáo.

Hàng trăm triệu người đối diện "thảm họa"

Theo Liên đoàn ĐTĐ Thế giới (IDF), đến năm 2017, toàn cầu có khoảng 425 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Loại bệnh mạn tính không lây này thường diễn tiến âm thầm và dẫn đến các biến chứng bệnh tim mạch, thần kinh, mắt, thận… và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Do vậy, bên cạnh việc kiểm soát đường huyết tích cực, phòng ngừa đột quỵ là một trong những yếu tố quan trọng trong điều trị ĐTĐ. Người bệnh và người nhà cần nhận biết các dấu hiệu sớm của đột quỵ như đột ngột nói khó, méo miệng, yếu liệt, tê nửa người, lơ mơ, nhìn không rõ… để được cấp cứu kịp thời tại các trung tâm đột quỵ hoặc BV gần nhất.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/dai-thao-duong-sat-thu-vo-hinh-20180609192912632.htm