Đại thắng Mùa xuân 1975 và tình hữu nghị Việt-Xô

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam một cách chí tình góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Niềm vui chung của hai dân tộc

Theo giới truyền thông Nga, ngày 30 tháng 4 có hai lần đặc biệt được ghi vào lịch sử hiện đại. Vào ngày này trong năm 1945, lá cờ Chiến thắng được những người lính Xô-viết phất cao trên mái vòm tòa Nhà quốc hội Đức. Cũng vào ngày này 30 năm sau, các chiến sĩ Quân giải phóng Việt Nam đã cắm cờ đỏ ở Dinh Độc Lập ở đô thành Sài Gòn. Sự trùng hợp như vậy dù là ngẫu nhiên nhưng mang tính biểu tượng sâu sắc.

Có một chi tiết rất ý nghĩa khi Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội Boris Chaplin đã là vị đại diện ngoại giao nước ngoài đầu tiên được vinh dự chính thức nhận thông báo về thắng lợi ở miền Nam, từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào 9 giờ sáng ngày 01/5/1975.

Khi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặc biệt nhấn mạnh: “Tôi mời đại sứ tới đây để báo tin vui về chiến thắng hoàn toàn của nhân dân Việt Nam. Trong niềm vui mừng phấn khởi này, cả nước chúng tôi đều nhớ đến sự giúp đỡ to lớn mà Liên Xô đã dành cho Việt Nam”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định, trong chiến thắng hôm nay có phần đóng góp rất to lớn của Liên Xô. Hình ảnh có tính biểu tượng là chính xe tăng T-54 Liên Xô do những người lính xe tăng Việt Nam điều khiển, lần đầu tiên đã tiến vào Dinh Độc Lập và Bộ đội Giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn trên những chiếc xe tải Liên Xô sản xuất tại Nhà máy ô tô Gorky.

Trong những ngày 30/4 hàng năm, nhiều người Nga chia sẻ tâm trạng vui mừng trong ngày lễ lớn nhất của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là những người từng gắn bó với Việt Nam suốt trong nhiều năm.

Theo chuyên gia khoa học và nhà hoạt động xã hội Nga là Tiến sĩ Evgeny Kobelev, cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam là bản anh hùng ca đích thực.

Cố gắng tuyệt vọng của các thế lực thù địch hòng duy trì sự chia cắt đất nước đã vấp phải ý chí kiên cường không khoan nhượng của những người yêu nước Việt Nam chân chính vươn tới thống nhất đất nước, để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Theo ông, yếu tố quan trọng nhất đảm bảo chiến thắng của các lực lượng yêu nước là sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh trên ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao. Đảng Cộng sản cũng đã tài tình linh hoạt kết hợp cuộc đấu tranh của toàn dân với mặt trận đoàn kết thế giới, trở thành yếu tố phi vật chất đóng vai trò quan trọng trong thành tựu giành chiến thắng.

Những người lính tăng Việt Nam tiến vào dinh Độc Lập trên những chiếc xe tăng Liên Xô

Những người lính tăng Việt Nam tiến vào dinh Độc Lập trên những chiếc xe tăng Liên Xô

Vũ khí Liên Xô giúp Việt Nam giành chiến thắng

Bên cạnh yếu tố chủ quan quyết định là tinh thần yếu nước và sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam, nhà khoa học chính trị Nga còn nêu thêm yếu tố quan trọng là sự ủng hộ tinh thần và hỗ trợ vật chất quan trọng, hết mình, không vụ lợi của các nước trong phe Xã hội Chủ nghĩa, mà trên hết là của Liên Xô dành cho những người yêu nước Việt Nam.

Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lực lượng yêu nước ở miền Nam hơn 3/4 tổng số viện trợ mà Việt Nam nhận được từ nước ngoài. Đồng thời, trang thiết bị và vũ khí Liên Xô cung cấp cho Việt Nam thời đó là hiện đại bậc nhất.

Ví dụ, máy bay phản lực MiG-17, Mig-21 do các phi công Việt Nam điều khiển đã bắn hạ cả “Thần sấm” F-105 Thunderchief, “Con ma” F-4 Phantom và “pháo đài bay” B-52 Stratofortress của Không lực Hoa Kỳ.

Còn các tổ hợp tên lửa phòng không Xô-viết SAM-2 S-75 Dvina đã chứng tỏ khả năng bắn trúng mục tiêu đang bay trên không ngay cả ở độ cao 25 km, với đủ mọi thủ đoạn đối phó của kẻ địch.

Các chuyên gia Mỹ của Tạp chí “Military Technical Magazine” đã phải thừa nhận rằng, đó là những quả đạn “tên lửa tử thần” đối với máy bay Mỹ trong những năm đó.

Đội quân tên lửa phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được các cố vấn quân sự Liên Xô giúp tạo lập và huấn luyện đã tiêu diệt khoảng 1.300 máy bay Mỹ, trong đó có 54 máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress.

Còn các giàn phóng tên lửa cơ động BM-13 Katyusha từng làm cho quân phát-xít Đức hoảng sợ được chuyển qua Hà Nội để cung cấp cho các đơn vị vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, được gọi bằng cái tên trìu mến “Cachiusa”.

Xe tăng cũng được đưa đến Việt Nam, đó là phiên bản sửa đổi của xe tăng T-34 tiên tiến nhất trong Thế chiến II.

Và những khẩu tiểu liên tấn công Kalashnikov lừng danh khắp thế giới cũng đến tay các chiến sĩ Việt Nam, đóng góp vào kho từ vựng tiếng Việt một thuật ngữ mới - súng AK-47.

Tờ The Daily Telegraph của Anh đã phải thừa nhận ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng rằng: “Chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc với chiến thắng của đội quân được trang bị chủ yếu bằng vũ khí Liên Xô”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, AK-47 là khẩu súng trường tiêu chuẩn của quân giải phóng miền Nam

Sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa

Theo tư liệu của Liên Xô, ban đầu, vũ khí và khí tài quân sự được Moscow chuyển giao sang Hà Nội chủ yếu thông qua lãnh thổ Trung Quốc. Sau đó, khi quan hệ Xô-Trung xấu đi, Liên Xô quyết định dùng đường biển, từ các hải cảng vùng Biển Đen và Viễn Đông.

Trong những năm 60-70, trung bình mỗi tháng có 40 con tàu Liên Xô dỡ hàng xuống tại các cảng Hải Phòng và các cảng Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh). Nếu xếp toàn bộ hàng hóa vận chuyển bằng đường biển từ Liên Xô sang Việt Nam chỉ riêng trong năm 1970 vào những toa xe lửa chở hàng nặng, thì một đoàn tàu như vậy sẽ có chiều dài lên tới… 800 km!

Hơn nữa, những chuyến hải hành ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh quả thực như hoạt động ngoài mặt trận, bởi các con tàu phải đi qua khu vực mà Hoa Kỳ tuyên bố là vùng hoạt động quân sự nhằm chống lại lực lượng yêu nước của Việt Nam. Tàu hàng Liên Xô nhiều lần trở thành mục tiêu pháo kích và ném bom của lực lượng Mỹ.

Nếu như trong toàn bộ thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ tổn thất về chuyên gia quân sự Xô-viết trên lãnh thổ Việt Nam là 13 người, trong đó 4 người hy sinh trên mặt trận, thì thiệt hại của các thủy thủ Liên Xô đảm trách chuyển hàng viện trợ cho Việt Nam vào đầu năm 1969 là 6 người và tất cả đều ngã xuống trong tư thế chiến đấu.

Tại các hải cảng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để tiếp nhận khối hàng do các chuyên gia Liên Xô đưa tới, đã xây dựng cấp tốc hàng chục km bến bãi mới. Những lô sản phẩm xăng dầu cần thiết cho hoạt động của các phương tiện quân sự và kỹ thuật được tàu chở dầu Xô-viết mang đến Hạ Long. Từ đó, các chuyên gia Liên Xô mở rộng tuyến đường ống cung cấp sản phẩm dầu, xăng và dầu hỏa.

Ở khu vực Hà Nội, đường ống bố trí dọc theo đáy sông Hồng, rồi tiếp đó một phần nhiên liệu theo đường ống kim loại vắt lên núi, tới “Đường mòn Hồ Chí Minh” và tiếp tục chảy về phương nam. Mỗi năm, tuyến đường ống bơm tới 700.000 mét khối sản phẩm từ dầu mỏ, cung cấp mạch máu thiết yếu cho các thiết bị quân sự của Việt Nam.

Để các bạn Việt Nam có đủ kiến thức quân sự và sử dụng tốt các thiết bị chiến đấu Xô-viết, trong các trường quân sự và học viện của Liên Xô bắt đầu chu trình đào tạo các quân nhân Việt Nam - tổng số vượt hơn 10.000 người, sau khi tốt nghiệp về nước phục vụ cả ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

Đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 06/6/1969 tại Tây Ninh

Sự ủng hộ tuyệt đối cho Việt Nam

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam rồi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được Liên Xô, cùng với hơn 20 quốc gia yêu chuộng hòa bình khác, chính thức công nhận,.

Tháng 12 năm 1964, ban lãnh đạo Liên Xô đã đề xuất để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở văn phòng đại diện tại Moscow, văn phòng đi vào hoạt động vào tháng 4/1965, người phụ trách Cơ quan đại diện thường trực của Mặt trận tại Moscow là ông Đặng Quang Minh.

Ông Minh đã hội kiến với Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev. Tại cuộc gặp này, nhà lãnh đạo Brezhnev tuyên bố rằng, Liên Xô quyết tâm tiếp tục dành mọi sự hỗ trợ cần thiết cho cuộc đấu tranh của quân dân Việt Nam chống bọn xâm lược Mỹ và tay sai.

Năm 1969, Liên Xô chính thức công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong thông điệp của Thủ tướng Liên Xô Kosygin nhấn mạnh rằng, Liên bang Xô viết vẫn mạnh mẽ ủng hộ cuộc đấu tranh của các lực lượng yêu nước miền Nam Việt Nam chống lại chính quyền Sài Gòn và các nước đế quốc hậu thuẫn cho chính thể đó.

Năm 1973, nội dung này được thảo luận tại cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Liên Xô với ông Nguyễn Hữu Thọ và bà Nguyễn Thị Bình, trong chuyến thăm Moscow và nhận Huân chương “Hữu nghị Các dân tộc” do Nhà nước Liên Xô trao tặng.

Tháng 8 cùng năm, một thỏa thuận đã được ký kết tại Moscow, Liên Xô cam kết viện trợ khẩn cấp không hoàn lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cung cấp lượng lớn thực phẩm, thuốc men và hàng tiêu dùng cho cư dân những địa phương vừa được giải phóng.

Vào tháng 12, thỏa thuận tương tự được ký kết cho năm 1974. Đến những ngày cuối năm, khi nhận tin xảy ra trận lụt lớn ở miền Nam Việt Nam, thông qua Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Liên Xô lập tức gửi quần áo, thực phẩm và thuốc men đến giúp đỡ nhân dân ở các khu vực bị thiệt hại do thiên tai.

Tất cả những gì mà đất nước Xô-viết cung cấp trong những năm đó cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lực lượng yêu nước ở miền Nam, cả về quân sự và kinh tế, đều là viện trợ không hoàn lại.

Quyết định này cực kỳ quan trọng đối với Nhà nước Việt Nam, khi đang phải đối mặt với những vấn đề tài chính và kinh tế nghiêm trọng hồi cuối những năm 70 và đầu thập niên 80. “Đây là minh chứng sinh động và rực rỡ về quan hệ hữu nghị anh em gắn bó hai nước” – Tổng bí thư Lê Duẩn mô tả khái quát về quyết định của ban lãnh đạo Liên Xô tháng 7 năm 1973.

Năm 1974, triển vọng phát triển quan hệ giữa Liên Xô và nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam là nội dung chính trong các cuộc hội đàm ở Moscow với các vị thượng khách Việt Nam là ông Nguyễn Hữu Thọ và bà Nguyễn Thị Định.

Ông Đặng Quang Minh - người phụ trách Cơ quan đại diện thường trực của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Moscow-Liên Xô

Tại Điện Kremlin đã diễn ra nghi lễ long trọng trao Giải thưởng Lenin “Vì công lao củng cố nền hòa bình giữa các dân tộc” cho bà Nguyễn Thị Định. Trong cuộc phỏng vấn của Đài phát thanh Moscow (tiền thân của hãng tin Nga Sputnik hiện nay), bà Nguyễn Thị Định xúc động nói rằng, một yếu tố truyền cảm hứng mạnh mẽ cổ vũ những người yêu nước miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến đấu chính là những chương trình phát thanh bằng tiếng Việt từ thủ đô Moscow của Liên bang Xô viết.

Giai đoạn mới trên hành trình phát triển quan hệ giữa hai nước

Những ngày lễ ở đất nước Xô-viết vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5 năm 1975 cũng đồng thời là lễ hội kỷ niệm chiến thắng của những người yêu nước Việt Nam.

Những thông báo chi tiết về sự kiện bất hủ này được công bố trên trang nhất của mọi tờ báo Liên Xô, tỏa đi trên sóng phát thanh và truyền hình toàn quốc. Trong số các đài nước ngoài, Đài Moscow là cơ quan phát thanh quốc tế đầu tiên loan báo tin vui này trong chương trình phát thanh bằng tiếng Việt trên làn sóng điện thế giới.

Còn các thủy thủ Liên Xô chính là những người đầu tiên đưa tàu vượt trùng dương cập vào bờ biển miền Nam vừa được tự do. Trong khi Quân Giải phóng còn đang thần tốc tiến về Sài Gòn, hai tàu Liên Xô đã chở hàng hóa thiết yếu vào cảng Đà Nẵng.

Như lời nhận xét của vị Giám đốc cảng đương thời, tàu Xô-viết đã là “những con tàu nước ngoài đầu tiên chở hàng hóa dân dụng tới đây trong toàn bộ lịch sử cả thế kỷ của cảng này”.

Cũng vào những ngày đầu tháng 5, tàu thủy Liên Xô đã đậu ở bến cảng Sài Gòn, cung cấp lương thực, thuốc men và nhiều hàng nhu yếu phẩm khác mà các cư dân thành phố đang cần đến.

Trung tuần tháng 5 năm 1975, một hiệp định được ký kết tại Moscow xác nhận việc Liên Xô viện trợ khẩn cấp giúp Việt Nam mau chóng bình thường hóa cuộc sống của cư dân, khôi phục và phát triển sản xuất. Những lô hàng lớn gồm sản phẩm dầu mỏ, phân bón, thực phẩm, phương tiện giao thông và hàng tiêu dùng được gửi đến Việt Nam.

Vào cuối tháng 5, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Hữu nghị Việt - Xô, ban lãnh đạo Liên Xô quyết định trao tặng Hội tấm “Huân chương Hữu nghị Giữa các Dân tộc”.

Ngày 29 tháng 8 năm 1975, tại Hà Nội cử hành lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo quản vĩnh viễn thi hài người con vĩ đại của dân tộc đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp thống nhất, tự do và độc lập của Tổ quốc Việt Nam. Nhưng các chuyên gia Xô-viết đã bắt đầu làm việc tại khu Lăng ngay từ tháng 9 năm 1973.

Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trở thành biểu tượng về tình anh em hữu nghị thân thiết của các dân tộc Việt Nam và Liên Xô.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/dai-thang-mua-xuan-1975-va-tinh-huu-nghi-viet-xo-3431411/