Đại thắng Mùa xuân 1975 – Bản hùng ca bất diệt

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, âm hưởng của bản hùng ca đại thắng mùa xuân 1975 luôn vọng về âm vang náo nức lòng người. Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi to lớn nhất, toàn diện nhất, triệt để và trọn vẹn nhất.

Đoàn xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30-4-1975. Ảnh: tư liệu

Đây chính là bản hùng ca bất diệt về hào khí muôn đời kết tinh và phát huy cao nhất của dân tộc Việt Nam. Những trang sử vàng của dân tộc đã từng chứng minh hùng hồn, đã từng ghi đậm nét những thời khắc như vậy: Đó là lúc bài thơ “Nam quốc sơn hà” vang lên khi cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1075 đến hồi quyết liệt. Đó là khi các bô lão cùng thét vang hai chữ “Sát Thát” (đánh giặc Nguyên) tại Hội nghị Diên Hồng năm 1284 để đáp lại lời Vua Trần Nhân tông hỏi về việc ứng phó giặc Nguyên Mông. Đó cũng là lúc toàn dân ta đồng loạt vùng lên xóa tan gông xiềng nô lệ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” theo lời hiệu triệu của Đảng và của Bác Hồ kính yêu trong Cách mạng Tháng 8-1945. Hào khí của cuộc tiến công mùa xuân 1975 theo lời hịch mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tổng tư lệnh quân đội ta: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến! Toàn thắng!”. Tinh thần chiến thắng 30-4-1975 luôn tỏa sáng trong thời đại ngày nay, đúng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 (tháng 2-1976) đã nhận định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn, có tính thời đại sâu sắc”.

Bản hùng ca bất diệt của Đại thắng mùa xuân 1975 cũng là bản hùng ca khát vọng thống nhất Tổ quốc trọn vẹn một dải non sông từ Móng Cái đến mũi Cà Mau, một dải đất nước hình chữ S thân yêu không còn giới tuyến chia cắt. “Nam Bắc sum họp một nhà” đó là ước vọng lớn lao nhất của Bác Hồ. “Miền Nam đi trước về sau” và “Miền Nam thành đồng Tổ quốc”. Miền Nam nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng. Và hôm nay, trong ngày vui đại thắng, Bác đã trở về với đoàn quân “Bộ đội Cụ Hồ” trong những tấm chân dung của Người với ánh mắt cười vui, chòm râu trắng bạc phơ với vầng trán rộng. Chiến dịch mùa xuân lịch sử được mang tên Người: Chiến dịch Hồ Chí Minh. TP Sài Gòn giải phóng được mang tên Người: TP Hồ Chí Minh. Và khúc ca chiến thắng “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà, nhịp điệu tiết tấu khỏe mạnh hân hoan đậm chất hành khúc không chỉ là tiếng lòng của nhạc sĩ mà còn thể hiện niềm vui bất tận của triệu trái tim Việt Nam trong khải hoàn bài ca thống nhất: “Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang – Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam – Tổ quốc anh hùng”. Cũng hòa chung khí thế hào hùng đó, bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên giai điệu giản đơn, ngôn ngữ mộc mạc ngắn gọn, xúc tích, dễ thuộc, dễ nhớ như một tiếng lòng được bật ra từ triệu triệu trái tim người con đất Việt ước nguyện về một ngày được trọn vẹn hòa bình thống nhất Tổ quốc: “Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng – Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông – Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công...”.

Bản hùng ca bất diệt: Đại thắng mùa xuân 1975 là một hành trình, là đỉnh cao của cả một chặng đường đấu tranh lâu dài của lịch sử dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc ta. Đó là trữ lượng của truyền thống đánh giặc, là cội nguồn của lòng yêu nước nồng nàn, của khối đoàn kết đồng bào chung một bọc trứng Âu Cơ, chung con Lạc cháu Hồng. Ta cứ ngỡ như những cỗ xe tăng, thiết giáp cài lá ngụy trang ba miền xạm đen khói súng vào giải phóng Sài Gòn còn mang âm hưởng hình bóng của những con voi chiến ngày xưa của cuộc hành binh thần tốc của Vua Quang Trung vào thành Thăng Long. Trận thắng ngày 30-4 tô thêm lịch sử còn ghi lại những cột mốc: Trận Bạch Đằng (1288) chống quân Nguyên Mông, trận Chi Lăng (1427) chống quân giặc Minh, trận Đống Đa (1789) chống quân Thanh với khí thế:“Chương Dương cướp giáo giặc – Hàm Tử bắt quân thù – Thái bình nên gắng sức – Non nước ấy ngàn thu” trong thơ Tướng quân Trần Quang Khải đời nhà Trần. Dù lịch sử đã đi qua ngàn năm, qua bao chiến trận đánh thắng bao quân thù thì vẫn vẹn nguyên hình ảnh người nghĩa quân năm xưa, anh giải phóng quân ngày nay. Đó là những con người nhỏ nhắn lớn lên từ đồng quê, uống mạch nguồn giếng làng và những khúc dân ca ba miền trải dọc theo những dòng sông lấp lánh, với bao luyến láy chan chứa yêu thương nhân hậu. Những người lính ấy được nuôi dưỡng và lớn lên không chỉ bằng hạt gạo quê “Một nắng hai sương” thuần phác, mà họ còn được uống dòng sữa ngọt ngào của mạch nguồn truyền thống yêu nước nồng nàn hun đúc trang bị cho mình một sức mạnh tiềm ẩn của vẻ đẹp lý tưởng soi sáng và được nhân lên gấp bội thành sức mạnh thần kỳ trong thời đại Hồ Chí Minh. Có thể nói cuộc hành binh thần tốc của những cánh quân đã được nhà thơ Tố Hữu khái quát trong bài thơ “Toàn thắng về ta”: “Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên – Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng”. Đây là lần đầu tiên quân đội ta có sự chỉ huy tác chiến hiệp đồng các binh chủng, các quân đoàn như những quả đấm thép, các mặt trận được thống nhất nhịp nhàng và vô cùng hiệu quả. Đó là đòn tấn công điểm trúng yếu huyệt của đối phương ở Buôn Mê Thuột đẩy quân địch ra khỏi Tây Nguyên mở ra thế trận mới. Tiếp đó là chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tiến tới giải phóng hoàn toàn mảnh đất miền Trung bằng những đòn tấn công quyết liệt đánh bại các nỗ lực phòng ngự và làm tan rã tinh thần và ý chí của đối phương tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam...

Bản hùng ca bất diệt: Đại thắng mùa xuân 1975 là cuộc hành quân trường kỳ kháng chiến của cả nước, của cả dân tộc Việt Nam. Miền Bắc - hậu phương lớn đã “chia lửa” với miền Nam ruột thịt bằng việc chi viện bao sức người, sức của. Đó là những phong trào “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng” và “Xe chưa qua, nhà không tiếc” để thông tuyến thông đường cho những đoàn xe ra mặt trận qua những trọng điểm ác liệt: Ngã ba Đồng Lộc, ngã ba Truông Bồn... Đế quốc Mỹ với chiến dịch dùng pháo đài B52 đánh phá Hà Nội hòng đem nước ta trở về thời kỳ đồ đá không ngờ bị những “con rồng lửa” Thăng Long thiêu cháy trên bầu trời thủ đô thân yêu. Những “con rồng lửa” đó không chỉ hội tụ sức mạnh của vũ khí hiện đại mà còn bắt đầu từ bệ phóng lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, kết tinh sức mạnh to lớn của thời đại, của sự giúp đỡ chí tình, của bạn bè quốc tế, của các nước XHCN anh em, của Nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có cả Nhân dân Mỹ. Sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh của lương tri nhân loại đã góp thêm vào sức mạnh nội lực của dân tộc ta đi đến ngày chiến thắng huy hoàng dù phải trải qua bao mất mát hy sinh to lớn, bao nỗi đau di vật của chiến tranh còn để lại, bao di chứng do chất độc da cam. Những hàng bia còn khuyết tên liệt sĩ, những nghĩa trang trải dài đất nước, vẫn ngời lên những ngôi sao cháy sáng trong đêm, những cuộc đời dừng lại mãi mãi tuổi 20. Trong những phút giây sống lại với không khí hào hùng của 46 năm về trước, ta không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ về những người đã ngã xuống suốt cuộc chiến tranh mấy chục năm và ngay cả trước giờ toàn thắng khi hòa bình chỉ còn trong gang tấc trước cửa ngõ Sài Gòn.

Bản hùng ca bất diệt: Đại thắng mùa xuân 1975 là khúc ca quân hành, khúc ca chiến đấu thì sau ngày toàn thắng dân tộc ta lại bắt đầu bài ca lao động để “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trên những công trường, xưởng máy lấp lánh ánh lửa hàn – hàn lại vết thương chiến tranh, hàn gắn những mất mát đau thương chia cách. Hàn nối những cấu kiện sắt thép, nối những nhịp cầu thân thương của những công trình mới mẻ. Từ những giàn khoan thắp lửa ngoài biển khơi đến những cánh đồng mênh mông ấm no màu vàng của lúa. Từ những giảng đường đại học đến những lớp học tình thương trên các bản làng vùng cao hẻo lánh. Từ đây vị thế của con người Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ đẹp về tâm hồn mà còn cả về trí tuệ. Lịch sử phát triển của dân tộc ta luôn gắn liền với lịch sử giữ nước bảo vệ vẹn tròn vững chắc Tổ quốc thân yêu. Màu áo xanh quân phục của người lính lại có mặt trên biên giới, hải đảo, súng chắc trong tay như những cột mốc sống. Thành trì vững chắc của trận chiến này đã được đổ móng xây nên từ trầm tích và trữ lượng truyền thống lịch sử muôn đời bất diệt. Bản anh hùng ca đại thắng mùa xuân 1975 mãi mãi là sức mạnh tinh thần to lớn, nhân tố tạo thành sức mạnh tổng hợp để đất nước ta viết tiếp những trang sử mới trong kỷ nguyên phát triển và hội nhập quốc tế...

(Tùy bút của Nguyễn Ngọc Phú)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/dai-thang-mua-xuan-1975--ban-hung-ca-bat-diet/135145.htm