Đại tá, tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan: Một đời theo dấu chân Bác

Tuổi 90, ông vẫn cặm cụi viết như chạy đua với quỹ thời gian ngày càng eo hẹp. Suốt một đời, ông mải miết theo dấu chân Người với ước nguyện: 'Mong sao mỗi nhà đều có một quyển sách về Bác Hồ'.

Đại tá Nguyễn Văn Khoan sinh năm 1929 tại Thừa Thiên - Huế. Nhớ lại một thời, ông kể: "Những năm 1944 - 1945, tôi học ở Trường Quốc học Thanh Hóa. Cô giáo chủ nhiệm tiếng Pháp của chúng tôi là Nguyễn Khoa Diệu Hồng, xuất thân từ một gia tộc nổi tiếng. Cô dạy chúng tôi diễn kịch về Nguyễn Trãi, Lam Sơn, Hận Nam Quan… Khi chào cờ hằng sáng đáng lẽ phải hát: “Maréchal, “lơ xô vơ” le sauveur de la France” (tạm dịch: thống chế Pêtanh là cứu tinh của nước Pháp), chúng tôi xỏ lá hát “lơ vôn lơ” (thằng ăn trộm). Đương nhiên cô nghe nhưng không nói gì.

Rồi truyền đơn Việt Minh vào trường. Mật thám đến bắt hội kín. Sau ngày 9-3-1945, nghỉ hè tôi được học thêm với anh Tạ Quang Đệ (em ruột GS Tạ Quang Bửu) bấy giờ đang làm lục sự ở Thiệu Hòa. Anh cho tôi xem báo Thanh Nghị, Thẳng tiến (của Hướng đạo sinh). Anh nói nhỏ cho tôi biết là có ông Nguyễn Ái Quốc đang ở bên Tây, lo làm cách mạng để giúp dân thoát khỏi ách nô lệ”.

Lòng yêu nước nhen nhóm thuở thiếu thời đã thôi thúc chàng thanh niên đôi mươi lên đường nhập ngũ, trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Năm tháng ấy, ông có cơ hội được gặp Bác ba lần, vinh dự được làm phiên dịch tiếng Nga cho Bác trong lần Đại tướng Paven Batôp (Liên Xô) sang thăm nước ta và Hội nghị SKADA (Thể thao quân đội các nước xã hội chủ nghĩa) năm 1962 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng. Qua những lần gặp gỡ đó, ông càng thêm yêu quý, kính phục Bác.

Tác phẩm tâm đắc của TS Nguyễn Văn Khoan: "Tấm gương Bác, ngọc quý của mọi nhà" được NXB Công an nhân dân vừa tái bản.

Sau này, khi chuyển qua công tác tuyên huấn, ông tâm đắc vô cùng khi tình cờ đọc được bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thông tin, liên lạc: “Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh. Vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lưu lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”.

Xem xét qua nhiều thế kỷ, nhiều nhà lãnh đạo, các danh tướng trên thế giới và ở trong nước, chưa thấy ai nói lên được vị trí, tầm quan trọng của công tác này như Bác Hồ. Ông thấy con người Hồ Chí Minh còn nhiều điều cuốn hút, thú vị nên chú tâm đọc sách viết về Bác, đọc những điều Bác viết… Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Nga, TS Nguyễn Văn Khoan đi các địa phương tìm hiểu con đường cách mạng của Bác, nghiên cứu các sách báo nước ngoài viết về ông Ké, cụ Hồ.

Năm 1987, ông ra quân và làm cộng tác viên với Viện Mác – Lênin – Hồ Chí Minh, tham gia biên soạn 3 bộ sách quý về Hồ Chí Minh (Tiểu sử, Toàn tập, Biên niên). Sau khi rời Viện, ông dành trọn thời gian chuyên tâm tìm hiểu về tư tưởng, con người, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh cho tới tận hôm nay.

Trong số 30 đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Văn Khoan tâm đắc nhất là bộ sách "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" (2 tập). Trong bộ sách này, ông cố gắng trình bày tư tưởng, quan điểm, đạo đức của Bác, giới thiệu chất “vàng” trong một con người cộng sản chân chính. Quyển thứ hai là "Tấm gương Bác, ngọc quý của mọi nhà". Mọi người thường nói vui TS Nguyễn Văn Khoan là “ma xó tư liệu”. Ông sưu tầm được hơn 300 câu chuyện về Bác và nghĩ bụng: qua mỗi câu chuyện kể trong cuốn sách, mỗi ngày, mỗi gia đình, thầy cô giáo, anh bộ đội, chị công nhân... có thể rút ra được một điều gì đó ý nghĩa để làm theo Bác.

TS Nguyễn Văn Khoan.

Giải thích về niềm say mê với công việc vốn thuộc loại “khô”, “khó” này, TS Nguyễn Văn Khoan cười: "Tôi may mắn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các tài liệu trong các kho lưu trữ. Nên sau khi nghiên cứu, tôi có nguyện vọng truyền đạt lại để mọi người được tiếp cận những viên ngọc quý ấy. Có lần con gái tôi than vãn bố cứ bỏ tiền ra in sách rồi tặng, biếu hết, tôi từ tốn nói với con rằng: “Để ngàn vàng trong tủ không bằng để lại cho đời sau một cuốn sách”.

Chẳng lẽ cái mình biết mà lại giấu kín, trong khi các học sinh, sinh viên rất cần những tài liệu như thế để học tập, nghiên cứu về Bác. Tuổi tôi cũng đã cao, dù có biệt thự, xe hơi thì nay mai vào Hội Nhà Văn… Điển cũng chẳng mang theo được".

Theo ông, công việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề dễ dàng. Việc tìm cho đầy đủ những tác phẩm của Bác còn rất chậm. Gần đây, có cơ quan mới tổ chức dịch và xin về 29 bài báo của Bác chưa có trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, gồm những bài tiếng Pháp đăng trên Báo LHumanité (Nhân đạo), nhưng cũng mất nhiều thời gian để xác minh, làm rõ.

TS Nguyễn Văn Khoan cho biết: "Bác Hồ đã nói với các bạn Mađagatxca rằng “Đau khổ cũng là một trường học”. Khi tôi tìm được một “viên ngọc” trong kho tàng tư tưởng của Bác, tôi thành tâm muốn nêu lên để giúp đỡ các cán bộ, đảng viên, người dân học hỏi. Nhưng việc làm này ít được người ta quan tâm, thậm chí còn hạn chế, bưng bít.

Ví dụ, từ những năm 1950, Bác đã viết “sau này, kinh tế nước ta sẽ có 5 thành phần”. Tôi viết bài về điều này nhưng không được đăng. Sau này, khi “đổi mới”, có người tự nhận mình là có “sáng kiến mới”, đề nghị nền kinh tế của ta có 5 thành phần!".

Dù hiện nay trên thế giới đã có hơn 200 người viết với gần 2.000 tác phẩm về tư tưởng – con người Hồ Chí Minh, nhưng vẫn chưa đáp ứng được khoa học nghiên cứu về Bác. Một tiến sĩ người Đức có nói: “Chừng nào tất cả các văn khố trên thế giới này cho phép các nhà sử học tiếp cận công khai, bấy giờ chúng ta mới có thể hiểu Hồ Chí Minh và mới biết mỗi người chúng ta tâm đắc với Người ở khía cạnh nào?”.

Nhiều năm tìm hiểu về con người Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Văn Khoan cho rằng chất “ngọc”, chất “vàng” của Người là lòng yêu nước. Người luôn đặt lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, nhân dân và độc lập tự do lên trên hết. Đó là đạo đức, phẩm chất lớn nhất và đầu tiên của con người Việt Nam.

Chia sẻ về việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, ông trăn trở: "Việc học tập Bác hiện nay tuy có thời gian được đẩy lên cao nhưng rồi sau đó dường như lại lắng xuống, nhất là trong tâm thế của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, việc học và làm theo Bác theo tôi nhìn chung còn nhiều hạn chế.

Bác Hồ có nói: “Một tấm gương cụ thể còn giá trị hơn một trăm bài tuyên truyền”. Dù ta có hệ thống tuyên truyền, các phương tiện truyền thông rất nhiều, nhưng hình như vẫn chưa đủ liều. Trên thực tế, những hình ảnh xấu của các đảng viên, cán bộ, từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương đã xuất hiện trong thời gian qua thì khó mà thuyết phục được dân, kể cả với nhiều cán bộ, đảng viên. Do đó, khó mà để việc “học tập” này có kết quả như mong muốn. Việc “cần làm ngay, làm mãi, làm quyết liệt” trong vấn đề này là đảng viên, cán bộ phải nêu gương trước".

Năm 2015, nhà văn, nữ nhà báo Mỹ Lady Borton có gửi cho TS Nguyễn Văn Khoan một danh mục từ trang www.worldcat.org. Theo đó, danh mục này đã ghi nhận và công bố ông có trên 100 cuốn sách. Riêng về đề tài Hồ Chí Minh, ông có sách viết riêng là 30 cuốn, chủ biên 10 cuốn, đồng tác giả 10 cuốn. Ông được Hội Xuất bản Việt Nam và Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam trao giải Bạc cho cuốn “Hồ Chí Minh tiểu sử” vào năm 2007.

T. Tường – Nguyễn Trang

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/dai-ta-tien-si-su-hoc-nguyen-van-khoan-mot-doi-theo-dau-chan-bac-502651/