Đại tá Bùi Long: Một đời sống cho công việc, cho mọi người

LTS: Nhận được tin Đại tá Bùi Long, sinh năm 1929, nguyên Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, kiêm Tổng Biên tập Báo Biên phòng (1981-1991) từ trần ngày 13-7-2018, tại nhà riêng, vì tuổi cao, bệnh nặng, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên Báo Biên phòng vô cùng thương tiếc người Thủ trưởng của mình. Dịp này, Báo Biên phòng xin trích đăng bài: 'Đại tá Bùi Long – Một đời sống cho công việc, cho mọi người' như một nén hương nhang dâng lên hương hồn ông.

Nhân dân Campuchia lưu luyến tiễn đưa một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, trở về Tổ quốc. Ảnh: Tư Liệu

Đại tá Bùi Long, nguyên Chính ủy Trung đoàn 8 Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tình nguyện tại Campuchia, nguyên Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, kiêm Tổng Biên tập Báo Biên phòng (1981-1991) sinh ra tại làng Hải Yến, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, bên bờ sông Luộc, một làng quê vẫn giữ dáng vẻ cổ kính, mang tính văn hóa thuần Việt.

Có lần, tôi hỏi về cuộc đời chiến đấu của anh trong thời chống Pháp, anh nói:

- Tôi có được tham dự chiến dịch Thu Đông 1947, trận Phủ Thông 1948, chiến dịch Sông Thao 1949, rồi đến chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng... Thực tiễn chiến đấu đã tôi luyện và tạo cho tôi sự biến đổi về chất của một con người. Nếu nói về chiến công và vinh quang, thì điều đó trước hết thuộc về những người chiến đấu trực tiếp ở vòng trong, nhất là những người đã hy sinh trên chiến trường, như người anh trai liệt sĩ của tôi.

- Vậy khi đó anh ở vòng ngoài à ? – Tôi hỏi.

Bùi Long gật đầu:

- Đại loại là như vậy. Trong trận Phủ Thông, tôi là một liên lạc của đồng chí Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên.

- Còn trong trận Điện Biên Phủ?

Anh suy nghĩ một lát, rồi ngẩng dậy, không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, mà kể chuyện bằng một giọng trầm trầm:

- Mở đầu đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đêm 30 và rạng sáng 31-3-1954, anh trai tôi, Bùi Thế Đại, lúc đó là Chính trị viên Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, đã cùng với Đại đội trưởng Hà Văn Nọa, chỉ huy đơn vị, dẫn đầu mũi thọc sâu đánh vào trung tâm Mường Thanh nằm bên bờ sông Nậm Rốm...

Tại đây, anh tôi đã hy sinh. Chiến công này được ghi lại trong lịch sử của Đại đoàn 312 và người trực tiếp được nghe giọng nói trong thời khắc hy sinh của anh Đại qua điện thoại là anh Trần Linh, lúc đó là Chính trị viên Tiểu đoàn 11, sau này là Trung tướng, Phó Tư lệnh BĐBP.

Còn tôi, năm 1949, được đi học trường Quân chính Đại đoàn, năm 1952, chuyển đến nhận nhiệm vụ tại một đơn vị mới thành lập của Quân khu Tây Bắc, nên trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị tôi được xác định là tham chiến ở vòng ngoài...

Tôi rất muốn hỏi thêm, nhưng biết tính anh không thích kể về “thành tích đã qua” nên lại thôi và hỏi sang chuyện khác:

- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh có về tiếp quản Thủ đô không?

- Không, đơn vị tôi là quân chủ lực của Tây Bắc. Đối với tôi, đây là thời điểm quan trọng, rèn luyện cho tôi về tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn và quan điểm quần chúng, ý thức, trách nhiệm với đời sống của đồng bào các dân tộc ít người. Những điều này, rất tự nhiên lại trở thành “cái vốn ban đầu” để năm 1959, tôi và nhiều đồng chí khác được chuyển sang lực lượng CANDVT (nay là BĐBP) nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới...

Từ năm 1960 đến 1962, anh là Chính trị viên Tiểu khu Sông Mã thuộc Khu CANDVT Tây Bắc.

Cho đến nay, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn giữ được ấn tượng sâu sắc về anh. Mà cũng không phải chỉ với riêng mình tôi, sau này khi ở cương vị Cục trưởng Cục Chính trị, anh cũng như anh Nguyễn Ngọc Châu trước kia, đã trở thành niềm động viên khích lệ rất lớn đối với nhiều anh chị em văn nghệ sĩ trong lực lượng CANDVT.

Trong cuộc chiến đấu giúp Bạn tiêu diệt bọn Khmer đỏ xây dựng lại đất nước Ăng-co tươi đẹp, anh được cử làm Chính ủy Trung đoàn 8 quân tình nguyện Việt Nam, trấn giữ gần 300km trên biên giới Cam-pu-chia – Thái Lan, đã để lại trong anh em bao chiến công âm thầm, bao kỷ niệm sâu sắc về cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt chưa từng thấy tại một miền “đất chết”, có thể coi đó là địa ngục trần gian lúc bấy giờ.

Đã có bao người phải tốn bao giấy mực để kể lại về cái địa ngục khủng khiếp và gian truân đó. Và với anh Bùi Long, cũng đã có nhiều đồng đội còn giữ nguyên những kỷ niệm quý giá về một người Chính ủy điềm tĩnh, gan dạ và luôn chia chia sẻ mọi thiếu thốn, gian khổ, ác liệt, hết lòng vì đồng đội trong cuộc chiến đấu ở nơi xa Tổ quốc, đất Mẹ của mình!

Trong một ký sự về chuyến đi công tác trên những chiến trường Cam-pu-chia, nhà văn Lương Sỹ Cầm đã viết: “Tôi gặp lại Chính ủy Bùi Long – con người nho nhã, có ánh mắt thông mình mà tôi đã gặp hồi đầu năm ở Hà Nội – nay đã gầy rộc, da bạc xám, đôi má hom hem...”.

Suy ngẫm về cuộc đời của anh Bùi Long trong quãng thời gian hơn 10 năm giữ chức Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, tôi cho rằng, đây hẳn là đoạn đời mà anh có cống hiến cao nhất, trưởng thành nhiều nhất.

Tôi ướm thử ý anh, thì lại gặp kiểu cười trừ và lảng chuyện, anh nói:

- Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc lắm. Tôi chẳng bao giờ quên được cảnh nhiều anh chị em rất ngẫu nhiên tập họp lại ở sân nhà Bảo tàng Biên phòng và một số điểm trên dọc đường Trần Hưng Đạo tiễn chân tôi, hôm tôi rời Hà Nội, theo đường bộ trở về thành phố Hồ Chí Minh.

Trở về đời thường, anh có 10 năm làm Bí thư chi bộ đường phố, hai nhiệm kỳ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường. Anh đã cùng tập thể xây dựng chi bộ và khu phố I, 7 năm liền đạt danh hiệu “Chi bộ trong sạch vững mạnh”, “Khu phố văn hóa”, Hội Cựu chiến binh phường liên tục đạt “Tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Tôi đã được tiếp xúc với anh Mai Tấn Tuấn, Quận ủy viên quận Tân Bình, Bí thư Đảng ủy phường 4 và anh Phan Văn Lang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 4, cả hai anh ở hai cuộc gặp khác nhau, đều nói lên những ý kiến giống nhau, nhận xét, đánh giá tốt đẹp, với thái độ rất thân ái, quý mến với anh Bùi Long.

Cũng ở phường 4, tôi tìm thấy trong tập “Chút hương đời” được xuất bản đều đặn ở địa phương, đồng chí Dương Huỳnh Điểu, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh phường, đã viết:

Anh Bùi Long thật tỏ tường

Giữ niềm kiêu hãnh chiến trường năm xưa...

Còn tôi, tôi ngưỡng mộ anh, bởi suốt cuộc đời, anh chỉ biết sống cho công việc, cho mọi người.

Vũ Ngọc Khôi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dai-ta-bui-long-mot-doi-song-cho-cong-viec-cho-moi-nguoi/