Đại sứ Vũ Anh Quang: EVFTA vì lợi ích to lớn và cân bằng

Hiệp định EVFTA mang lợi ích lớn cho cả hai bên, không chỉ Việt Nam, các nước đối tác EU cũng rất nỗ lực thúc đẩy để Hiệp định sớm có hiệu lực và đi vào thực thi.

Đại sứ Vũ Anh Quang thăm gian hàng Việt Nam tại Triển lãm thủy sản toàn cầu thường niên Brussels lần thứ 27 tại Vương quốc Bỉ tháng 5/2019. (Nguồn TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Vũ Anh Quang cho rằng, các lợi ích và cơ hội mà Hiệp định mang lại luôn đi kèm các thách thức và sự phức tạp.

Xin Đại sứ cho biết sự kiện Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA được đón nhận thế nào tại các quốc gia đối tác châu Âu?

Các nước EU rất mong chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hai Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU. Do hai Hiệp định mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên, các nước EU rất nỗ lực thúc đẩy để Hiệp định sớm có hiệu lực và đi vào thực thi. Ta có thể thấy sự mong đợi của EU qua các diễn biến sau:

Ngay sau khi hai đoàn đàm phán chốt xong nội dung hai Hiệp định, các nước thành viên EU đều nỗ lực thúc đẩy các thể chế của EU sớm hoàn tất các thủ tục nội bộ; ngày 25/6/2019, Bộ trưởng các nước EU đã nhất trí cho phép EU ký hai Hiệp định trên với Việt Nam. Kết quả là hai Hiệp định đã được hai bên ký tại Hà Nội ngày 30/6/2019.

Sau khi hai Hiệp định được ký, Nghị viện châu Âu triển khai ngay thủ tục phê chuẩn; đã xây dựng các báo cáo, tổ chức các điều trần, thảo luận về hai Hiệp định, với sự tham dự của doanh nghiệp, đại diện các bên liên quan, qua đó đã đạt đồng thuận cao từ các nghị sĩ và dư luận EU. Từ đó, ngày 12/2, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn hai Hiệp định và truyền thông EU đã đưa tin rộng rãi. Tiếp đó, ngày 30/3, Hội đồng EU (cấp Bộ trưởng 27 nước thành viên) đã tiến hành bước đi lập pháp cuối cùng, nhất trí chuẩn y EVFTA.

Như vậy mọi thủ tục từ phía EU đã hoàn tất. Do đó, phía EU rất vui mừng trước thông tin Quốc hội Việt Nam dự kiến bỏ phiếu phê chuẩn hai Hiệp định. Việc Quốc hội ta thông qua EVFTA sẽ mở đường để Hiệp định sớm có hiệu lực và đi vào thực thi.

EVFTA là một trong những hiệp định thương mại "thế hệ mới" đầu tiên, gắn tự do hóa thương mại với mục tiêu phát triển bền vững, sẽ mang lại lợi ích to lớn và cân bằng cho cả Việt Nam và EU.

Tầm quan trọng của EVFTA đối với Việt Nam và EU như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến hầu hết các nền kinh tế?

EVFTA có tầm quan trọng chiến lược với Việt Nam và EU. Đây là một trong những hiệp định thương mại “thế hệ mới’ đầu tiên, gắn tự do hóa thương mại với mục tiêu phát triển bền vững. Sau khi có hiệu lực, Hiệp định sẽ mang lại lợi ích to lớn, cân bằng cho cả Việt Nam và EU, không chỉ kinh tế mà cả chính trị, xã hội, môi trường; không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả với người lao động, người tiêu dùng.

Lợi ích và cơ hội thúc đẩy hợp tác-kết nối về kinh tế sẽ rất lớn. EVFTA, với việc từng bước xóa bỏ 99% các dòng thuế nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, sẽ tạo thuận lợi và cơ hội mới để Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường EU rộng lớn, đầy tiềm năng với 512 triệu dân, GDP chiếm 22% kinh tế thế giới, thu nhập đầu người 36.580 USD/năm.

Các doanh nghiệp EU cũng sẽ hưởng lợi lớn từ thị trường Việt Nam với trên 90 triệu dân, nhất là các mặt hàng EU có thế mạnh như máy móc, trang thiết bị, phụ tùng, hàng tiêu dùng, nông sản-thực phẩm ôn đới.

Đầu tư của EU vào Việt Nam cũng sẽ tăng, nhất là các ngành công nghệ cao, năng lượng sạch, tự động hóa, tài chính-ngân hàng, vận tải, logistics…

Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng EVFTA có thể thúc đẩy xuất khẩu của ta sang EU tăng 42,7%, GDP có thể tăng 4,6% vào năm 2025. Đây là khuôn khổ, điều kiện quan trọng để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bao trùm, bền vững hơn.

Về chính trị, EVFTA sẽ giúp Việt Nam và EU tăng cường thế đan xen lợi ích, đa dạng hóa đối tác, mở rộng không gian chiến lược trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế thế giới phức tạp, khó lường, giúp giảm thiểu nguy cơ bị phụ thuộc quá mức vào một hay một số ít thị trường.

EVFTA sẽ giúp củng cố vị thế chính trị, kinh tế của EU tại châu Á-Thái Bình Dương và giúp Việt Nam thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện với EU, một trung tâm kinh tế - quyền lực quan trọng của thế giới.

Đại dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế trên thế giới, đồng thời cho thấy tính dễ tổn thương của chuỗi giá trị toàn cầu. Các nền kinh tế lớn, trong đó có EU, sẽ phải điều chỉnh các chuỗi cung ứng, tránh lệ thuộc quá nhiều vào bất kỳ đối tác kinh tế nào.

Do đó, Hiệp định EVFTA, cùng CPTPP, sẽ tạo điều kiện và cơ hội để Việt Nam định vị lại vị trí của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia sâu và thực chất hơn vào mạng lưới sản xuất quốc tế, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu mà hiện ta rất cần.

EVFTA, EVIPA mở ra chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư hai phía.

Những cơ hội rõ ràng nào sẽ xuất hiện sau đây, khi EVFTA có hiệu lực? Theo từng giai đoạn, chúng ta nên thích ứng thế nào để khắc phục điểm yếu, vượt qua thách thức, tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại?

Cơ hội rõ ràng nhất là cánh cửa thị trường EU sẽ rộng mở cho hàng xuất khẩu của ta, vì 99,2% các dòng thuế nhập khẩu sẽ về 0% theo từng giai đoạn.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu đối với 84% số dòng thuế, chiếm 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ về 0%. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, 99,2% số dòng thuế, chiếm 99,7% kim ngạch xuất khẩu của ta vào EU sẽ được xóa bỏ. Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ), thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, gần 100% hàng xuất khẩu của ta vào thị trường EU sẽ không còn thuế nhập khẩu đến năm 2027. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU hiện là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Một loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong việc tiếp cận thị trường EU, hoặc ngay lập tức (từ khi Hiệp định có hiệu lực) hoặc theo lộ trình, nhất là các nhóm hàng nông sản-thực phẩm, thủy sản; dệt may, giày dép; một số ngành chế biến-chế tạo, dịch vụ…

Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi, khi 65% giá trị hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu Việt Nam đều có cơ hội, nếu có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng đón đầu, nắm bắt các cơ hội kinh tế to lớn ở cả hai chiều mà EVFTA mang lại. Các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ lộ trình cắt giảm thuế xuất-nhập khẩu Việt Nam-EU trong từng ngành hàng, ở từng giai đoạn cụ thể; chủ động có kế hoạch chuẩn bị và triển khai kinh doanh trung, dài hạn nhằm tiếp cận hiệu quả thị trường EU.

Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần có kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng chuẩn EU, nghiên cứu kỹ và cập nhật chính sách mặt hàng, về rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, chỉ dẫn địa lý, quy định về thương mại của EU…, để tránh rủi ro trong quá trình giao thương hàng hóa.

Đại sứ có dự báo gì về các vấn đề sẽ nổi cộm giữa Việt Nam và EU sau khi EVFTA có hiệu lực và hai bên đi vào triển khai?

EVFTA được WTO và EU đánh giá là một FTA “thế hệ mới”, toàn diện, tiêu chuẩn cao, gắn tự do hóa thương mại với các chuẩn mực về xã hội, lao động, môi trường, các mục tiêu phát triển bền vững… Đây cũng là FTA mà Việt Nam có mức cam kết cao nhất cho đến nay.

Các lợi ích và cơ hội mà Hiệp định mang lại luôn đi kèm các thách thức và phức tạp. Ví dụ, về kinh tế, đó là các quy định về cạnh tranh, phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ-chỉ dẫn địa lý của hàng hóa, sở hữu trí tuệ…; nhưng thách thức lớn nhất là các quy định về quan hệ giữa “Thương mại và Phát triển bền vững”, đặc biệt liên quan đến các chuẩn mực xã hội, lao động, môi trường…

Đảng và Nhà nước ta, các Bộ ngành liên quan đã nhận thức rõ các thách thức nêu trên trong quá trình chỉ đạo đàm phán, ký kết và phê chuẩn EVFTA. Vừa qua, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để tiến tới đáp ứng các cam kết nêu trong Hiệp định.

Ví dụ: Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi tháng 11/2019 theo các tiêu chí cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); Việt Nam đã phê chuẩn 6/8 Công ước quốc tế cơ bản của ILO về quyền của người lao động và sẽ sớm gia nhập 2 Công ước còn lại; Chính phủ ta đã và đang triển khai quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản trái phép để EU sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” về vấn đề này…

Nhìn lại quá trình vận động EU ký, phê chuẩn EVFTA, Đại sứ có nhận xét gì đối với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam?

EU không phải là một quốc gia, mà là một Liên minh của 27 quốc gia có mức độ liên kết nội khối cao nhất. Bộ máy tổ chức, cơ chế, thủ tục ra quyết định tại EU rất phức tạp. Việc hai đoàn đàm phán Việt Nam-EU chốt xong nội dung Hiệp định không có nghĩa 27 nước thành viên sẽ đồng ý ký và Nghị viện châu Âu (EP), với 705 Nghị sĩ đến từ 27 nước và thuộc các đảng phái có quan điểm đối lập nhau dễ dàng phê chuẩn. Năm 2019 lại là năm EU thực hiện chuyển giao Lãnh đạo; Nghị viện EP, được bầu tháng 5/2019, với 62% là Nghị sĩ mới, các lực lượng dân túy, bảo hộ, chống toàn cầu hóa và “Thương mại tự do” đã gia tăng ảnh hưởng trong EU. Một số Hiệp định mà EU đã kết thúc đàm phán, nhưng bị trì hoãn, chưa được ký hoặc phê chuẩn.

Nhờ có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành liên quan, công tác vận động EU ký, phê chuẩn Hiệp định EVFTA đã thành công, đặc biệt đã vận động được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA trước khi Quốc hội Việt Nam tiến hành các thủ tục thông qua Hiệp định này.

Hiệp định EVFTA, việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao, trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN năm 2020 là những thành tích và “dấu ấn đối ngoại” nổi bật của Việt Nam thời gian qua. Đây là Hiệp định Thương mại tự do có quy mô lớn và toàn diện nhất của ta, là FTA thế hệ mới đầu tiên của EU với một nước đang phát triển, góp phần nâng cao vị thế quốc tế và tạo cú đột phá lớn trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thanh Trúc

(thực hiện)

Thanh Trúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-vu-anh-quang-evfta-vi-loi-ich-to-lon-va-can-bang-116514.html