Đại sứ Việt Nam kể chuyện 'đi sứ' ở đất nước Champa

Khác với những lần đi sứ trước đây, cuộc đi sứ sang Lào của tôi lần này, bên cạnh niềm vinh dự và tự hào, tôi rất lo lắng, bởi với tầm vóc của mối quan hệ 'đặc biệt của đặc biệt' như giữa Việt Nam-Lào...

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng trình Quốc thư lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith, tháng 12/2016.

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng trình Quốc thư lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith, tháng 12/2016.

Đảm nhận vai trò Đại sứ Việt Nam tại Lào, tôi băn khoăn liệu một người “ngoại đạo” như mình sẽ gặp khó khăn gì không và bản thân sẽ nỗ lực ra sao để tiếp nối với công sức của các thế hệ đi trước. Nhưng được sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của Lãnh đạo các cấp, sự giúp đỡ, hỗ trợ của Vụ Đông Nam Á, được gặp gỡ, làm việc với những người bạn Lào thân thiện, được tiếp xúc với nền văn hóa của đất nước hoa Champa xinh đẹp và nhất là được trực tiếp góp phần vun đắp, hòa mình trong bầu không khí của mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, đã để lại trong tôi biết bao nhiêu ấn tượng và cảm xúc khó quên trong cuộc đời ngoại giao của mình.

Từ ưu ái của tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào

Ngày 28/12/2016, chỉ hai ngày sau khi đặt chân đến Vientiane, tôi đã được Bộ Ngoại giao bạn thu xếp trình Quốc thư lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith. Đây có thể nói là cử chỉ ưu ái đặc biệt đầu tiên mà tôi được trải nghiệm từ mối quan hệ Việt-Lào.

Bởi theo quy định, Đại sứ các nước sang Vientiane phải chờ đúng đợt thì mới được thu xếp trình Quốc thư, nếu không đúng đợt chắc cũng phải chờ một đôi tháng. Nhưng riêng đối với Đại sứ và Đại sứ quán Việt Nam, “chúng tôi sẽ làm tất cả những gì tốt đẹp nhất, thuận lợi nhất” như lời Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith nói với tôi trong cuộc gặp mấy ngày sau đó.

Quả đúng như vậy, các hoạt động của Đại sứ hoặc trong công việc của Đại sứ quán Việt Nam đều được phía bạn Lào tạo điều kiện tối đa nhất có thể, nhờ thế công việc rất trôi chảy. Điều này, Đại sứ quán của nhiều nước không có được. Chả thế, có vị Đại sứ của một nước phàn nàn với tôi, có việc này việc kia mà thúc đẩy mãi chưa được, nhờ Đại sứ Việt Nam tư vấn, giúp đỡ…

Trong các cuộc làm việc, giao lưu, đi đến đâu, gặp vị lãnh đạo nào, dù là lần đầu tiên tiếp xúc nhưng tôi luôn cảm nhận được những tình cảm đặc biệt mà các bạn Lào dành cho Việt Nam. Qua những cái bắt tay siết chặt, những cử chỉ, ánh mắt thân thiết, tôi càng hiểu hơn câu nói của Thủ tướng Thongloun Sisoulith: “Mối quan hệ giữa Lào-Việt Nam chẳng giống ai và cũng chẳng ai giống”.

Đối với các sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức như Tết Nguyên đán, kỷ niệm Quốc khánh, bạn luôn dành cho ta những ưu tiên ở mức cao về quan khách tham dự cũng như phối hợp tổ chức. Tôi nhớ, năm 2017, khi Đại sứ quán tổ chức chiêu đãi kỷ niệm Quốc khánh và Năm Đoàn kết hữu nghị Việt-Lào, có vị Đại sứ trong Ngoại giao đoàn không khỏi ghen tị nói với tôi: “Đại sứ quán của tôi chắc sẽ chẳng bao giờ tổ chức được cuộc chiêu đãi hoành tráng như Đại sứ quán Việt Nam”.

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng (giữa) cùng các lãnh đạo Lào mừng Quốc khánh Việt Nam năm 2018.

Đến Đại sứ bận rộn nhất Vientiane

Hiếm có mối quan hệ song phương nào trên thế giới mà việc trao đổi đoàn cấp cao và các cấp giữa hai nước lại được tiến hành thường xuyên như giữa Việt Nam với Lào. Chúng tôi thống kê, hằng năm, hai bên trao đổi vài ba trăm đoàn là ít. Do quan hệ đặc biệt, nên các đoàn của ta sang đều được phía bạn đón tiếp chu đáo.

Về đối ngoại, Đại sứ quán phối hợp với các bạn Lào trong việc đề xuất các hoạt động, ráp nối chương trình, tham gia đón, tiễn và tháp tùng các hoạt động. Về đối nội, Đại sứ quán tham mưu cho lãnh đạo và các cơ quan trong nước về chương trình và nội dung.

Anh em trong Đại sứ quán cũng phải chia nhau trong công tác phục vụ, hỗ trợ, đón tiễn. Có những ngày, Đại sứ cũng hai ba lượt có mặt ở sân bay, rất may, ở Vientiane không tắc đường như Hà Nội.

Ngoài việc xử lý các công việc của cơ quan, Đại sứ còn tham dự những cuộc tiếp tân, giao lưu do Lãnh đạo bạn tổ chức, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của các bộ, ngành của Lào và Ngoại giao đoàn... Đến nỗi, có vị Đại sứ trong Ngoại giao đoàn chắc thấy tôi thường xuyên xuất hiện trên truyền thông của Lào đã ví von “Đại sứ Việt Nam là Đại sứ bận rộn nhất Vientiane”.

Tôi thật sự vui và tự hào khi phần lớn các nhà ngoại giao tại Vientiane đều bày tỏ vui mừng về những phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt-Lào.

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng tham dự Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Nhà nước Lào Souphanouvong, tháng 7/2019. (Nguồn: TTXXVN)

Và những nét đẹp văn hóa Lào

Nói về đất nước và con người Lào, chắc chắn các chuyên gia Lào của Vụ Đông Nam Á sẽ hiểu sâu sắc hơn tôi, nhưng đối với riêng bản thân mình, ngay từ những ngày đầu tiên khi đặt chân đến, tôi đã cảm nhận được sự thanh bình của đất nước Champa tươi đẹp này, lòng mến khách, thân thiện, chất phác của người dân nơi đây.

Tôi hết sức ấn tượng với nét đẹp văn hóa giao tiếp của người dân Lào. Khi gặp mặt, mọi người thường chắp tay chào nhau, trẻ em chắp tay chào người lớn, lãnh đạo gặp nhân dân, cấp trên thấy cấp dưới chắp tay chào cũng đều đáp lại, nụ cười luôn nở trên môi, rất hòa đồng, bình đẳng…

Về giao thông, tôi nghĩ dân mình cần phải học tập người Lào, đường sá xe cộ tấp nập nhưng tịnh không có tiếng còi inh ỏi như ở ta, từng dòng xe cộ lưu thông trật tự như bản tính hiền hòa của người Lào, chẳng may có va chạm thì cả hai bên cùng ôn tồn giải quyết.

Một nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng của người Lào như anh em chúng tôi thường nói “sống ở Lào, phi lăm-vông bất thành tiệc”, không có lễ hội, đám tiệc nào mà lại không có màn lăm-vông.

Chắc chắn khi anh em chúng ta sang Lào đều được trải nghiệm đặc sản văn hóa thú vị này của nước bạn. Nhìn các bạn Lào múa lăm-vông mềm mại, uyển chuyển, như mời gọi nhưng không đụng chạm, như níu giữ nhưng vẫn bước đi, tưởng là dễ, nhưng quay lại trông khách Việt Nam ta rất chi là ngộ nghĩnh, tay chân quay tít, va đập lung tung… Nên các bạn Việt Nam ta mà có ý định sang Lào, cần chú ý nhé, nhập gia tùy tục là vậy.

Thời gian tôi sống và công tác tại nước bạn Lào chưa phải là nhiều, nhưng những kỷ niệm và cảm xúc cũng không phải là ít. Bản thân tôi cũng như anh em trong Cơ quan đại diện luôn tâm niệm rằng để có được mối tình đặc biệt Việt-Lào như ngày nay là công lao gây dựng, chăm lo vun đắp của biết bao thế hệ Lãnh đạo, của các cơ quan bộ ngành, nhân dân hai nước.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-viet-nam-ke-chuyen-di-su-o-dat-nuoc-champa-127421.html