Đại sứ Việt Nam chủ trì cuộc làm việc của Nhóm Đại sứ các nước châu Á-châu Úc tại Hà Lan

Cuộc họp lần này có chủ đề tìm hiểu ngoại giao văn hóa của Hà Lan với diễn giả là bà Dewi van de Weerd, Đại sứ Hợp tác văn hóa quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Ngày 10/5, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đã chủ trì cuộc làm việc Nhóm các Đại sứ châu Á-châu Úc tại Hà Lan.

Đây là sinh hoạt định kỳ hàng tháng của Nhóm với những chủ đề khác nhau dưới sự chủ trì luân phiên của các Đại sứ. Cuộc họp lần này có chủ đề tìm hiểu ngoại giao văn hóa của Hà Lan với diễn giả là bà Dewi van de Weerd, Đại sứ Hợp tác văn hóa quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Phạm Việt Anh nhận định trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực văn hóa ngày càng được các quốc gia coi trọng để góp phần tạo ra sức mạnh mềm. Hà Lan là một trong những quốc gia đã thành công trong phát huy sức mạnh và đưa Ngoại giao văn hóa song hành cùng chính sách đối ngoại rộng mở, phục vụ một nền kinh tế mở, đem lại những thành công lớn cho Hà Lan.

Đại sứ Hợp tác văn hóa quốc tế Dewi van de Weerd đã chia sẻ về chính sách văn hóa quốc tế của Hà Lan. Theo đó, chính sách hợp tác văn hóa quốc tế của Hà Lan không chỉ nhằm quảng bá văn hóa Hà Lan ra nước ngoài, góp phần tăng cường vị thế và sức mạnh mềm của Hà Lan theo quan điểm thông thường hiện nay mà còn nhằm hỗ trợ các nghệ sỹ, những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo của Hà Lan vươn ra nước ngoài hoạt động, làm cho ngành văn hóa Hà Lan mạnh hơn.

Chính sách văn hóa quốc tế của Hà Lan nằm trong Chiến lược đối ngoại, được xây dựng cho thời gian 4 năm với sự tham gia góp sức của Bộ Giáo Dục, Văn hóa và Khoa học và rất nhiều Quỹ tài trợ.

Trong kế hoạch có đặt ra các khu vực trọng tâm được ưu tiên, ví dụ Bỉ (Flanders), Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Indonesia, Italy, Nhật, Tây Ban Nha, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Di sản văn hóa chiếm một vị trí đặc biệt trong chính sách văn hóa quốc tế của Hà Lan. Hà Lan hỗ trợ các hoạt động về di sản chung với các nước (có chung một phần lịch sử): Australia, Brazil, Ấn độ, Indonesia, Nhật, Nga, Nam Phi, Sri Lanka, Suriname và Hoa Kỳ.

Đại sứ Hà Lan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối các nền văn hóa, trong đó có sự kết nối giữa văn hóa Việt Nam-Hà Lan nói riêng và giữa các quốc gia châu Á và châu Âu nói chung.

Không chỉ Hà Lan, một số nước châu Á, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines… đã và đang triển khai xây dựng đường dành riêng cho xe đạp. Đây là minh chứng cụ thể và minh xác nhất cho sự kết nối giữa văn hóa giữa các quốc gia.

Tại buổi làm việc các Đại sứ cũng đã trao đổi về kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các làng cổ khu vực nông thôn ngoại thành, nơi vẫn còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ cùng những phong tục, truyền thống văn hóa đặc sắc - một trong những điểm đặc biệt đã biến Hà Lan trở thành một điểm đến du lịch được ưa chuộng nhất thế giới.

(theo ĐSQ Việt Nam tại Hà Lan)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-viet-nam-chu-tri-cuoc-lam-viec-cua-nhom-dai-su-cac-nuoc-chau-a-chau-uc-tai-ha-lan-227598.html