Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh: Mãi thiêng liêng một lễ thượng cờ!

Đã 25 năm trôi qua nhưng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam tung bay cùng cờ ASEAN trên bầu trời Brunei trong xanh ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh, nguyên Tham tán Công sứ, Đại biện lâm thời tại Brunei vào thời điểm đó...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (giữa) và thành viên Đoàn Việt Nam dự lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, ngày 28/7/1995. (Ông Nguyễn Thạc Dĩnh thứ hai từ trái).

Với nhà ngoại giao có gần 40 năm kinh nghiệm trong Ngành, đó là lễ thượng cờ thiêng liêng nhất ông từng được tham gia, niềm vui ấy chẳng thể đong đếm cũng chẳng thể bị thời gian làm cho rơi vào quên lãng…

Là người được nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cử đi mở sứ quán ta tại Brunei và chuẩn bị cho đoàn ta sang tham dự lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN, ông còn nhớ khoảnh khắc cách đây 25 năm?

Vào ngày 28/7/1995, cách đây đúng một phần tư thế kỷ tại Bandar Sri Begawan, thủ đô Brunei Darussalam đã chứng kiến một sự kiện quan trọng không những đối với Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á. Đó là lễ thượng cờ Việt Nam gia nhập làm thành viên thứ bảy của ASEAN. Tôi rất vinh dự và may mắn là một trong những minh chứng sống tham gia và chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này.

Để chuẩn bị cho Việt Nam tham gia ASEAN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giũa ta và Brunei, Chính phủ Việt Nam quyết định lập Đại sứ quán thường trú tại Bandar Seri Begawan. Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã cử tôi làm Tham tán Công sứ, Đại biện lâm thời Việt Nam Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei (lúc đó tôi đang là Phó Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á – Nam Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao). Tôi cảm thấy rất vinh dự, nhưng cũng cảm thấy trách nhiệm nặng nề vì nhiệm vụ chính của tôi lúc đó là thành lập Đại sứ quán càng nhanh càng tốt để chuẩn bị đón đoàn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao ta sang dự lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN ngày 28/7/1995 và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28.

Vào những ngày cuối tháng Bảy năm nay, cảm xúc lại ùa về trong tâm trí tôi về khoảnh khắc buổi lễ hoành tráng kết nạp Việt Nam tham gia ASEAN với sự có mặt của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN; Tổng thư ký ASEAN Ajit Singh cùng với đoàn ta do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm dẫn đầu.

Đoàn ta còn có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng các quan chức cao cấp ASEAN của Việt Nam), Đại sứ Đỗ Ngọc Sơn (lúc đó là Vụ trưởng ASEAN, Bộ Ngoại giao), Đại sứ nước ta tại các nước ASEAN tại thời điểm đó cùng nhiều cán bộ đại diện Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan.

Tôi nhớ lại buổi chiều hôm đó ngay tại sân rộng trước Trung tâm Hội nghị quốc tế, Vụ trưởng ASEAN Đỗ Ngọc Sơn đã nâng hai tay lá cờ của ta đi đến trao cho ông Tổng Thư ký ASEAN. Sau đó, Tổng Thư ký ASEAN trao cho viên sĩ quan chỉ huy Đội danh dự kéo dần lên cao cột cờ, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong bầu trời xanh trong vắt cùng với tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng của ta. Tôi và tất cả các thành viên đoàn ta đều cảm thấy rất xúc động.

Bản thân tôi đã chứng kiến lễ thượng cờ và nghe nhạc Quốc ca tại nhiều nơi, nhiều dịp cả trong và ngoài nước, nhưng cảm giác của tôi lúc đó lâng lâng khó tả, nước mắt tự nhiên trào ra...

Phải khẳng định rằng sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN là một dấu mốc lớn, đánh dấu quá trình hội nhập khu vực cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực, có thể xem như một bước ngoặt trong tiến trình mở cửa và hội nhập khu vực, quốc tế của đất nước ta, giúp ta từng bước tháo gỡ thế bao vây, cấm vận, đưa đất nước hòa nhập vào đời sống khu vực và phát triển.

Ký ức của ông về việc lập Đại sứ quán nhanh chuẩn bị đón đoàn ta sang dự lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN?

Trong quá trình lập Đại sứ quán lúc đó, chúng tôi có nhiều thuận lợi nhưng cũng vấp phải một số khó khăn. Thuận lợi lớn nhất là đơn vị liên quan trong Bộ Ngoại giao hỗ trợ rất tích cực vì việc mở Đại sứ quán là trọng tâm công tác của Bộ thời điểm đó. Chúng tôi đã được cấp nhanh kinh phí theo yêu cầu của việc lập một Cơ quan đại diện ngoại giao mới. Các vụ chức năng thường xuyên liên hệ với Bộ Ngoại giao Brunei để đề nghị giúp đoàn tiền trạm trong việc thuê xe, thuê nhà và đáp ứng các đề nghị của ta trong việc xây dựng các cơ sở vật chất trong Đại sứ quán.

Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành hữu quan của Brunei hỗ trợ rất nhiệt tình, các Đại sứ ASEAN tại Brunei cũng dành cho chúng tôi những ưu ái và quan tâm đặc biệt, sẵn sàng giúp đỡ khi chúng tôi cần. Họ giúp đỡ với một niềm vui, phấn khởi và hào hứng khi Việt Nam sắp trở thành một thành viên trong ASEAN. Cho nên chỉ trong vòng một tuần, chúng tôi đã thuê được nhà to, vừa làm trụ sở, vừa làm nhà riêng cho cán bộ nhân viên với giá rẻ. Chúng tôi cũng mua được xe ô tô sớm và các đồ dùng thiết yếu cho Đại sứ quán.

Về khó khăn, có lẽ khó khăn lớn nhất là lực lượng đoàn tiền trạm mỏng trong đó chỉ mình tôi biết tiếng Anh. Hai anh nhân viên khác lần đầu đi nhiệm kỳ công tác nước ngoài, không biết ngoại ngữ. Do vậy, hầu hết tất cả công việc liên hệ với địa phương và đoàn ngoại giao là tôi phải tự làm hết. Nhưng tôi rất mừng là dù không biết ngoại ngữ, nhưng hai anh nhân viên rất nhiệt tình trong công tác, không nề hà bất cứ việc gì kể cả nấu nướng, lái xe, làm vườn và dọn dẹp Đại sứ quán...

Là người luôn quan tâm tới đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN kể từ đó, ông đánh giá như thế nào về sự tham gia tích cực của Việt Nam trong suốt hành trình 25 năm qua?

Nhìn lại 25 năm qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhất là các nước lớn vừa đấu tranh, vừa hợp tác với nhau. Điều này đã mang đến cho Việt Nam và các nước ASEAN nhiều cơ hội lớn cũng như thách thức không hề nhỏ.

Trong bối cảnh đó, kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam ngày càng trưởng thành trên “sân chơi” hội nhập từ giai đoạn học hỏi, làm quen, đến thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của thành viên. Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực được các nước ASEAN khác nói riêng và dư luận thế giới nói chung đánh gia cao, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng tăng.

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc xây dựng ba Cộng đồng ASEAN và đưa ra các sáng kiến để cùng các nước ASEAN triển khai hiệu quả các Chương trình, kế hoạch của các Cộng đồng này. Việt Nam đã giữ vai trò điều phối các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác cũng như đóng góp vào việc kết nối, mở rộng quan hệ chiến lược giữa ASEAN và các đối tác này. Đặc biệt là Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào những năm 1998, 2010 và 2020.

Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Có thể nói rằng, năm 2020 - năm thứ 25 Việt Nam gia nhập ASEAN là năm rất đặc biệt đối với ASEAN và Việt Nam. Đối với ASEAN, đó là mốc kiểm điểm việc triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2020 và đề ra các kế hoạch hành động trong nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Đối với Việt Nam, năm 2020 là năm Việt Nam đảm đương trọng trách kép, vừa là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa là Chủ tịch ASEAN. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào tháng Sáu vừa qua với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Đây là Hội nghị cấp cao trực tuyến đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN do tác động của đại dịch Covid-19.

Việt Nam đang nỗ lực cùng các thành viên ASEAN thực hiện kế hoạch tổng thể phục hồi sau đại dịch. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận hàng loạt vấn đề mà khu vực quan tâm, trong đó trọng tâm là tìm kiếm những giải pháp để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, cũng như vấn đề tăng cường hợp tác với các đối tác trong việc chống dịch, duy trì giao thương mạnh mẽ, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và thế giới.

Ngay sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 kết thúc thành công, các phương tiện thông tin đại chúng của khu vực và quốc tế đã trích đăng những lời phát biểu của lãnh đạo các nước, đánh giá cao kết quả hội nghị trong đó đặc biệt đánh giá cao sự điều phối linh hoạt, chủ động của nước chủ nhà Việt Nam trong quá trình thảo luận và nhất trí nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến đường hướng hợp tác, phát triển của ASEAN cũng như sự hợp tác giữa ASEAN với các đối tác thời gian tới.

Kết quả này đã thể hiện tình đoàn kết của các nước ASEAN, tay trong tay, vai kề vai cùng nhau đưa con thuyền ASEAN vượt qua các sóng gió để tiến tới thực hiện thành công Cộng đồng ASEAN. Kết quả này cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

(thực hiện)

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-thac-dinh-mai-thieng-lieng-mot-le-thuong-co-120056.html