Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh: Nhà phân tích chính trị ngoại giao tài ba

Ông Lê Thiết Thảo, Lãnh sự danh dự Mozambique tại Việt Nam nhiệm kỳ 2007-2012, người nhiều năm gắn bó với châu Phi, luôn nhớ về Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh như một nhà ngoại giao tài ba, mẫu mực.

Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh (1928-2021)

Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh (1928-2021)

Vào thập niên 1980, ông Lê Thiết Thảo có thời gian khoảng hơn 3 năm làm việc cùng Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh tại Mozambique.

Khi đó, ông Thảo làm phiên dịch cho Cố vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mozambique từ năm 1984 đến năm 1987, gần như trùng với thời gian ông Nguyễn Khắc Huỳnh làm Đại sứ Việt Nam tại đây.

Hiểu biết sâu rộng

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh sang nhận công tác trước ông Thảo một vài tháng. Quãng thời gian làm việc gần gũi với Đại sứ Huỳnh để lại cho ông Thảo những kỷ niệm khó quên.

Trước hết là về trình độ ngoại ngữ, tiếng Pháp và tiếng Anh của Đại sứ Huỳnh rất uyên thâm. Hầu hết những buổi gặp gỡ và làm việc với các quan chức chính phủ Mozambique và các đại sứ nước ngoài tại sở tại, Đại sứ Huỳnh ít khi nhờ đến phiên dịch, chỉ trừ khi công việc buộc phải dùng đến tiếng Bồ Đào Nha.

Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh luôn có một sức hút và chinh phục người đối thoại với mình bằng vốn kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về lịch sử thế giới và Việt Nam, thể hiện qua những câu chuyện hóm hỉnh, nhẹ nhàng.

Những ai từng tiếp xúc với Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh đều nhận thấy ở ông khả năng phân tích chính trị ngoại giao tài tình.

Đại sứ quán Việt Nam hồi đó thường tổ chức các buổi nói chuyện của Đại sứ về tình hình thời sự vào sáng thứ Bảy hằng tuần. Thông tin thời sự quốc tế và Việt Nam rất hạn chế nên ai cũng háo hức và tham dự đầy đủ.

Việt Nam đang còn bị cấm vận, bao vây kinh tế và bạn bè quốc tế cũng chưa thân thiện với Việt Nam như bây giờ. Đại sứ Huỳnh phân tích nhận định của quốc tế về Việt Nam thông qua những tờ báo nổi tiếng như Le Monde, L’humanité, Le Monde Diplomatique.

Ông Thảo kể, Đại sứ phân tích tình hình thế giới, cụ thể là tình hình châu Á, châu Phi, tình hình khu vực, vấn đề Campuchia, xu hướng chính trị của Mozambique trong giai đoạn tới. Những người tham dự lắng nghe say sưa và chờ đón đến lần nói chuyện tiếp theo của Đại sứ.

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, người đứng thứ hai từ trái sang.

Nhiệt huyết và thân thiện

Ông Lê Thiết Thảo nhiều lần tháp tùng Đại sứ Huỳnh trong các buổi làm việc với các quan chức chính phủ Mozambique. Lần nào cũng vậy, Đại sứ say mê nói về khả năng hợp tác chuyên gia của Việt Nam đối với các nước, đặc biệt hợp tác Nam-Nam.

Thời đó, khái niệm “hợp tác 3 bên” chưa được đề cập nhưng Đại sứ Huỳnh đã nhiều lần nêu ý kiến hợp tác 3 bên mỗi khi gặp các đại sứ phương Tây.

Đại sứ Huỳnh nói: Nước các ngài viện trợ tài chính cho Mozambique, còn chúng tôi cử chuyên gia thực hiện các dự án đó và Mozambique là nước được hưởng lợi của các dự án hợp tác này.

Trong nhiệm kỳ của Đại sứ Huỳnh, rất nhiều chuyên gia nông nghiệp, giáo dục và y tế Việt Nam đã đến làm việc tại Mozambique.

Ông Thảo nhớ như in buổi làm việc cuối cùng của Đại sứ tại Mozambique. 12h Đại sứ phải ra sân bay về nước trên chuyến bay của hãng hàng không Aeroflot.

Trước đó, Đại sứ nhận được lời mời dự chiêu đãi Quốc khánh một nước châu Phi diễn ra lúc 10h. Đại sứ Huỳnh bảo ông Thảo: Cháu giúp chú buổi làm việc cuối cùng nhé.

Ông Thảo bảo Đại sứ nếu dự chiêu đãi rồi ra sân bay thì muộn mất. Đại sứ nói lại với ông Thảo: Ta cố gắng thôi cháu ạ, chú sẽ sắp xếp để không muộn giờ.

Cả buổi tiệc Đại sứ dành tất cả thời gian để gặp gỡ chào chia tay đại sứ các nước khác có mặt trong buổi tiệc, đồng thời tranh thủ giới thiệu chuyên gia nông nghiệp, giáo dục và y tế đang làm việc tại Mozambique.

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh sinh năm 1928 tại Quảng Trị và mất ngày 9/6/2021 tại Hà Nội. Ông có nhiều năm công tác trong môi trường quân đội trước khi chuyển sang ngành ngoại giao. Ông nguyên là thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mozambique, Zimbabwe và Zambia. Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì những đóng góp cho hòa bình và xây dựng đất nước và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Trong tiếp xúc, Đại sứ không quên đề cập khả năng Việt Nam sẽ cung cấp chuyên gia cho các nước châu Phi, đặc biệt khi gặp gỡ các quan chức chính phủ Mozambique.

Đại sứ Huỳnh chào từ biệt và không quên nhắc tới sự hỗ trợ của chính phủ Mozambique đối với các chuyên gia đang có mặt tại Mozambique.

Đây là thời kỳ khó khăn nhất của Mozambique do nội chiến kéo dài, giao thông bị cắt đứt, việc đi lại phải hoàn toàn phụ thuộc vào máy bay. Tình hình chính trị càng khó khăn sau khi Tổng thống Samora Machel qua đời do tai nạn máy bay vào ngày 19/10/1986 tại Nam Phi.

Đúng 11h45, chúng tôi chia tay các vị khách tham gia buổi tiệc để ra sân bay Maputo. Đại sứ Huỳnh là hành khách cuối cùng lên máy bay về nước kết thúc một nhiệm kỳ công tác thành công (năm 1986).

Tấm gương mẫu mực

Đại sứ Huỳnh rất quan tâm tới đời sống của chuyên gia nông nghiệp, y tế và giáo dục.

Vì mới tới Mozambique và mới ký hợp đồng, do vậy tiền lương của ông Thảo và các đồng nghiệp thường phải 5, thậm chí 6 tháng sau mới nhận được. Đại sứ Huỳnh đã quyết định cho ông Thảo và các chuyên gia khác vay tiền để mua lương thực, thực phẩm trong những ngày đầu khó khăn.

Lễ trao Giấy chấp nhận lãnh sự cho ông Lê Thiết Thảo làm Lãnh sự danh dự Cộng hòa Guinea-Bissau tại Hà Nội, tháng 3/2018. (Ảnh: Trung Hiếu)

Đại sứ thường hỏi han, tâm sự về công việc của chuyên gia và tìm hiểu khả năng tăng số lượng chuyên gia Việt Nam sang làm việc tại Mozambique.

Ngày nghỉ cuối tuần, Đại sứ Huỳnh thường rủ ông Thảo vào Đại sứ quán chơi cờ, cũng là cơ hội để tìm hiểu thêm về công việc.

Đại sứ thường giao nhiệm vụ cho chuyên gia nông nghiệp phải làm gì để mở rộng hợp tác và tăng cường tình hữu nghị với Mozambique.

Năm 1987, ông Thảo cũng kết thúc nhiệm kỳ công tác tại đoàn chuyên gia nông nghiệp và về nước.

Ông Thảo tâm sự: “Tôi vẫn gặp gỡ chú cho mãi đến những năm tôi sang Angola làm việc và định cư bên đó, ít khi về nước nên ít được gặp chú.

Giờ đây chú đã đi về cõi vĩnh hằng, nhưng với tôi, chú luôn là tấm gương mẫu mực, một nhà ngoại giao tài ba và thân thiện”.

Ông Lê Thiết Thảo là sinh viên Khoa tiếng Bồ Đào Nha, trường Đại học Eduardo Mondlane, Mozambique (1979-1982); phiên dịch cho Cố vấn Bộ trưởng Nông Nghiệp Mozambique (1984-1987); Lãnh sự danh dự Mozambique tại Việt Nam (2007-2012); Lãnh sự danh dự Guinea-Bissau tại Hà Nội từ 2018 đến nay.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-khac-huynh-nha-phan-tich-chinh-tri-ngoai-giao-tai-ba-148247.html