Đại sứ Nguyễn Đình Bin: Công tác cộng đồng - Những năm tháng chẳng thể quên

Hơn 40 năm công tác trong ngành Ngoại giao, một trong những vinh hạnh lớn nhất của tôi là được kề vai sát cánh với cán bộ, nhân viên Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài trên cương vị là người đứng đầu, trong giai đoạn rất đáng ghi nhớ: 4 năm mở màn thiên niên kỷ thứ ba (2000 - 2003).

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Đình Bin và Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến thăm làng Mai, Pháp.

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Đình Bin và Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến thăm làng Mai, Pháp.

Bốn năm là một quãng thời gian không dài trên chặng đường nửa thế kỷ từ khi ra đời đến nay của Ban Việt kiều Trung ương, rồi Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài và nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không thể phai mờ và bài học quý.

Đó là những năm tháng công cuộc đổi mới toàn diện của nhân dân ta, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, được triển khai mạnh mẽ và toàn diện, giữa một thế giới đang biến động sâu sắc, đan xen những thời cơ lớn với thách thức cũng lớn.

Quyết tâm tạo đột phá

Trong số các sự kiện giờ đây dồn dập hiện lên trong ký ức tôi, nổi bật nhất, sâu đậm nhất là quá trình thai nghén và ra đời của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, nghị quyết công khai đầu tiên của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Đầu năm 2000, sau khi nhận quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi khẩn trương tìm hiểu công việc, nắm các tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước để định hướng cho mình và xây dựng chương trình công tác tổng thể.

Tôi nghiên cứu lại Nghị quyết 08-NQ/TƯ, ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị (khóa VII), một văn kiện đã thể hiện nhiều quan điểm đổi mới chủ yếu của Đảng ta trên lĩnh vực này.

Nhưng, đến thời điểm ấy, Nghị quyết ban hành được gần bảy năm, tình hình trong nước, tình hình cộng đồng cũng như thế giới có nhiều thay đổi lớn, sâu sắc.

Tôi thấy cần phải tiến hành tổng kết việc thực hiện nghị quyết quan trong này, từ đó đề xuất những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới.

Qua quá trình thực hiện tổng kết, chúng tôi phát hiện một thực tế là nhận thức chung về cộng đồng và công tác cộng đồng còn nhiều điểm quá lạc hậu, rất khác nhau giữa các ngành, các cấp và lệch lạc. Nhiều lãnh đạo các ngành, các cấp thậm chí còn không biết là đã có Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Điều này hiểu được, vì đó là một nghị quyết mật và ra đời đã gần bảy năm.

Chúng tôi tập trung lực lượng khẩn trương xây dựng Đề án, trong đó kiến nghị tám giải pháp tổng thể mà điểm then chốt nhất, có tính chất quyết định để đổi mới công tác vận động cộng đồng là Bộ Chính trị ra Nghị quyết mới, công khai về vấn đề này.

Nhận thức rõ đây là một công việc rất quan trọng và nhạy cảm, tôi đã tranh thủ trình trước hai Ủy viên Bộ Chính trị (đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại và đồng chí Trương Tấn Sang, khi đó là Trưởng Ban kinh tế Trung ương) để cho ý kiến sơ bộ. Rất mừng được cả hai đồng chí “bật đèn xanh” - đồng chí Trương Tấn Sang còn khen là đề án tốt, tôi rà soát kỹ lại và sửa sang lần chót văn bản và ngày 28/7/2000 đã ký Tờ trình Đề án lên Thường vụ Bộ Chính trị (Khóa VIII, Trung ương Đảng không có Ban Bí thư) và Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp đó là những ngày tháng chờ đợi. Qua các mối quan hệ công tác, tôi cố gắng thúc đẩy việc đưa Đề án ra trình xin ý kiến Lãnh đạo. Nhưng, thời điểm đó, Lãnh đạo Đảng đang tập trung vào việc chuẩn bị, tiếp đến là tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, và sau đó là vào việc triển khai các Nghị quyết của Đại hội IX, có thể vì vậy mà chưa thể xem xét việc này.

Đầu tháng 10/2001, tôi thật vui mừng nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với “Đề án tăng cường công tác vận động cộng đồng”, trong đó, Thủ tướng chỉ thị “Ban cán sự Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị Đề án trình Bộ Chính trị có Nghị quyết (hoặc Chỉ thị) về lĩnh vực công tác này”.

Thế là, tôi cùng các cán bộ hữu quan của Ủy ban bắt tay vào xây dựng dự thảo Đề cương, rồi Đề cương chi tiết và cuối cùng là văn kiện mà chúng tôi vẫn kiên trì kiến nghị là “Nghị quyết công khai của Bộ Chính trị”.

Trong suốt quá trình này, chúng tôi đều tiến hành trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và các Bộ, cơ quan, ban, ngành hữu quan. Quả thực, đây là một công việc không đơn giản.

Nhưng qua kiên trì trao đổi cởi mở, tranh luận thẳng thắn, cuối cùng, ngoại trừ một cơ quan còn phân vân giữa “Nghị quyết” hay “Chỉ thị”, 12 Bộ, cơ quan, ban, ngành hữu quan khác đều nhất trí là kiến nghị Bộ Chính trị ra “Nghị quyết công khai”.

Ngày 20/5/2002, tôi ký Tờ trình dự thảo Nghị quyết lên Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó lại là những tháng ngày cố gắng thúc đẩy việc xem xét kiến nghị này, nhưng vẫn chưa có thông tin khích lệ.

Ngày 12/3/2003, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7, Trung ương Đảng khóa IX ra Nghị quyết về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tôi mừng quá - Thời cơ đã đến để làm sống lại kiến nghị mà chúng tôi đã kiên trì đeo đuổi và thúc đẩy suốt ba năm qua.

Bởi Bộ Chính trị ra nghị quyết mới này chính là một bước triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời của toàn dân tộc Việt Nam.

Thế là chúng tôi lại rà soát lại các văn bản và ngày 14/4/2003, tôi ký một Tờ trình mới lên Bộ Chính trị, nhắc lại kiến nghị này trong bối cảnh tình hình và yêu cầu mới.

Không để hành trình dở dang

Tiếp theo đó, để có thông tin mới nhất về cộng đồng như một cơ sở thúc đẩy ra nghị quyết, tôi kiến nghị cử một đoàn liên ngành đầu tiên của nước ta đi thăm, tiếp xúc trên tinh thần rất chủ động, thẳng thắn, cởi mở với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và Canada, là những nơi tập trung nhiều kiều bào nhất.

Tôi đề nghị trong đoàn phải có đại biểu có vị thế là người miền Nam, vì đa số cộng đồng ở các nước đó là người miền Nam. Trước đó, các đoàn thăm cộng đồng ở nước ngoài đều là đoàn của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

Kiến nghị đã được Ban Bí thư chấp thuận và nửa đầu tháng 6/2003, tôi được cử dẫn đầu đoàn. Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết khi đó cử Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thiện Nhân tham gia đoàn.

Song do ông Nhân có việc đột xuất, ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa và Giám đốc Sở Công an của Thành phố đã thay thế.

Đoàn còn có một số vị lãnh đạo các ngành như ông Trịnh Xuân Giới, Phó ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Tiến Võ, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sau chuyến đi này, chúng tôi làm báo cáo đầy đủ về những nét rất mới trong tình hình cộng đồng lên Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Tôi trực tiếp báo cáo đồng chí Vũ Khoan, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại, đề nghị cho trình kiến nghị của chúng tôi lên Bộ Chính trị. Tôi rất mừng vì đã được đồng chí đồng ý.

Thế là một lần nữa, tôi trực tiếp cùng anh em cán bộ hữu quan của Ủy ban khẩn trương rà soát, chỉnh lý lại văn bản trình trước đây; và ngày 25/6/2003, tôi ký Tờ trình lên Bộ Chính trị nhắc lại kiến nghị nói trên, lần này với niềm hy vọng lớn hơn bao giờ hết.

Thật may mắn, đồng chí Vũ Khoan đã dành thời gian đích thân đọc và cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp vào văn bản.

Vào thời điểm đó, tôi đã có quyết định của Lãnh đạo cấp cao cử làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước ta tại Pháp.

Tôi đặt mục tiêu: phải hoàn thành bằng được công việc then chốt này mà tôi đã tâm huyết, trăn trở từ khi nhận nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

Với quyết tâm đó, theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Khoan, tôi dành thời gian, công sức trực tiếp và cùng anh chị em cán bộ Ủy ban hoàn chỉnh dự thảo. Rồi lại lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành hữu quan một lần nữa.

Tôi rất vui đã thực hiện được mục tiêu đề ra: hoàn chỉnh lần cuối cùng Dự thảo nghị quyết cùng các văn bản và kịp trình lên Bộ Chính trị trước khi tôi lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ mới vào đầu tháng 12/2003.

Cũng như các lần trước, trong Tờ trình, chúng tôi báo cáo ý kiến của tất cả các cơ quan, bộ, ban, ngành hữu quan để Bộ Chính trị có đầy đủ cơ sở xem xét.

Đáng lưu ý là, lần cuối này, ngoài một cơ quan ngay từ đầu vẫn giữ ý kiến phân vân giữa kiến nghị Bộ Chính trị ra “Nghị quyết” hay “Chỉ thị” thì có thêm một cơ quan rất quan trọng trước đây tán thành, nay đã rút lui, không đồng ý với việc kiến nghị Bộ Chính trị ra Nghị quyết công khai nữa.

Ít tháng sau, trong khi đang công tác tại Pháp, tôi thật sự vui mừng nhận được tin toàn văn Nghị quyết số 36-NQ/TW, bản Nghị quyết công khai đầu tiên của Bộ Chính trị về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, được ban hành ngày 26/3/2004.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-dinh-bin-cong-tac-cong-dong-nhung-nam-thang-chang-the-quen-124007.html