Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken: Vì sao tôi đi nhiệm kỳ ở Việt Nam?

Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken bắt đầu nhiệm kỳ ngoại giao ở Việt Nam bằng những lý do đặc biệt, bằng tình yêu với văn hóa Việt và những cơ hội hợp tác đầy hứa hẹn...

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken. (Ảnh: KT)

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken. (Ảnh: KT)

Năm nay, tôi và gia đình sẽ đón cái Tết đầu tiên ở Việt Nam. Chúng tôi yêu Hà Nội và rất mong chờ được khám phá thành phố này, nhất là vào thời điểm giao thông không đông đúc!

Vẻ đẹp văn hóa và con người

Tôi đã nghe nói nhiều về phong tục đón Tết của người Việt Nam - sắm sửa đào mai, chuẩn bị phong bì lì xì màu đỏ để chúc nhau sức khỏe và tài lộc, chụp ảnh trong trang phục áo dài… Tôi hy vọng được trải nghiệm tất cả những điều này cũng như đến thăm các đền chùa ở Hà Nội để ngắm cách thức trang trí và các đồ thờ cúng nhân dịp Tết.

Việt Nam là đất nước rất năng động, Na Uy và Việt Nam có nhiều lợi ích chung, đặc biệt liên quan đến đại dương và khí hậu, cũng như chuyển đổi nền kinh tế sang một tương lai xanh hơn. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được làm Đại sứ tại một đất nước có nhiều cơ hội hợp tác như vậy. Một lý do nữa khiến tôi làm đơn xin đi nhiệm kỳ tại Việt Nam là tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp và văn hóa Việt. Tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về bề dày lịch sử của đất nước các bạn.

Tết là thời khắc của sự bình yên và yêu thương. Tôi chúc người dân Việt Nam có một cái Tết vui vẻ, thư thái bên những người thân yêu, thưởng thức các món ăn truyền thống và suy ngẫm về những thành tựu đạt được trong năm qua, và đặt ra những mục tiêu cho năm mới. Tôi đã biết nói “Chúc mừng Năm mới” bằng tiếng Việt, nhưng vẫn đang tập nói một câu dài hơn đó là “Chúc các bạn một năm Quý Mão an khang thịnh vượng!”

Tiếp tục “sứ mệnh” hợp tác

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam là điểm rất đáng chú ý và điều này đã thay đổi đáng kể mối quan hệ giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971. Trong vài năm trở lại đây, vốn đầu tư vào Việt Nam từ các công ty Na Uy đã tăng nhanh chóng, trong khi hỗ trợ phát triển song phương phần lớn bị cắt giảm.

Với đường bờ biển dài và sự phụ thuộc vào kinh tế biển, biển luôn là trung tâm trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta và chắc chắn sẽ tiếp tục như vậy. Ở đây, chúng ta thấy sự thay đổi trọng tâm từ nền kinh tế “xanh dương” đơn thuần sang “xanh dương và xanh lục”.

Điều này được chứng tỏ bằng sự quan tâm đặc biệt của nhiều công ty Na Uy vào việc phát triển ngành điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Hợp tác Na Uy-Việt Nam trên các diễn đàn đa phương được củng cố mạnh mẽ trong vài năm qua, đặc biệt là khi chúng ta cùng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nơi hai nước đã chia sẻ nhiều ưu tiên.

Tôi sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược của hai nước, nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh, đặc biệt trong các hoạt động liên quan đến biển và đại dương cũng như phát triển năng lượng tái tạo.

Na Uy là một phần của Thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) ký kết với Việt Nam mới đây. Việc thực hiện các mục tiêu/cam kết trong văn kiện thỏa thuận này sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi. Tôi cũng hy vọng chúng ta có thể hoàn tất việc đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Khối Tự do mậu dịch châu Âu EFTA (gồm Iceland, Leichestein, Na Uy, Thụy Sỹ) và Việt Nam – hy vọng là trước thời điểm tôi kết thúc nhiệm kỳ bốn năm của mình!

Na Uy và Việt Nam đều có nền kinh tế rất cởi mở và phụ thuộc vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tôi hy vọng chúng ta có thể làm việc cùng nhau trên các diễn đàn đa phương, đề cao các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc, duy trì các quy tắc chung và dễ đoán định đối với thương mại quốc tế, coi đó là một phương tiện để đạt được tăng trưởng và thịnh vượng. Với tham vọng đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia đi đầu trong số các quốc gia đang thực hiện quá trình chuyển đổi khó khăn từ than đá sang năng lượng tái tạo.

Hằng Phạm (ghi)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-na-uy-hilde-solbakken-vi-sao-toi-di-nhiem-ky-o-viet-nam-213040.html