Đại sứ Mỹ: 'Trong quan hệ Việt - Mỹ, giới hạn là bầu trời'

Trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng Zing, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho rằng đại dịch Covid-19 đã tô đậm sợi dây liên kết bền chặt giữa hai nước.

Ngày 6/11/2017, ông Daniel Kritenbrink trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ vài ngày sau khi tới Hà Nội. Đây là thời gian nhanh kỷ lục đối với một đại sứ khi tới Việt Nam.

Bốn ngày sau, ông tháp tùng Tổng thống Donald Trump đến Đà Nẵng dự hội nghị cấp cao APEC và chuyến thăm cấp nhà nước của ông Trump ở Hà Nội.

Ba năm nhiệm kỳ của Đại sứ Kritenbrink tại Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt các giao lưu cấp cao giữa hai nước như chuyến công tác của hai bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Mark Esper, đoàn nghị sĩ lớn tới sân bay Biên Hòa năm 2019, hay gần đây nhất là chuyến thăm liên tiếp của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien.

Cũng lần đầu tiên kể từ sau 1975, hai nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt lần lượt tới thăm Đà Nẵng năm 2018 và 2020. Quan hệ song phương hai bên đã được mở rộng trên một loạt lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, quân sự, hợp tác an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thiên tai, nghiên cứu và đào tạo, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc...

Đại sứ Kritenbrink có cuộc trao đổi với Zing trong chuyến thăm mới đây ở TP.HCM.

‘Hỗ trợ y tế từ Việt Nam đã cứu nhiều người Mỹ’ Đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết nước Mỹ cảm kích và biết ơn Việt Nam vì đã quyên góp hỗ trợ y tế cho phía Mỹ, và những đóng góp này đã cứu mạng nhiều người Mỹ.

- 2020 đánh dấu cột mốc 25 năm quan hệ Việt - Mỹ, cũng là một năm đầy thách thức bởi sự bùng phát của dịch Covid-19. Đại sứ đánh giá sao về cột mốc quan trọng này?

- Đại dịch Covid-19 khiến 2020 là năm khó khăn với toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thấy ấn tượng và tự hào bởi những thành tựu của đôi bên trong năm nay.

Rõ ràng Covid-19 là thách thức và thảm họa toàn cầu ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới, nhưng Mỹ và Việt Nam đã phối hợp một cách ăn ý để đối phó với đại dịch.

Theo tôi, Việt Nam hẳn là nước chống dịch tốt nhất trên thế giới. Đây là thành quả ấn tượng, khiến chúng tôi cảm thấy tự hào khi đóng vai trò đối tác với Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Trong 25 năm trở lại đây, Mỹ đã chi gần một tỷ USD cho các khoản viện trợ y tế ở Việt Nam. Năm vừa qua chúng tôi hỗ trợ 13 triệu USD và 100 máy thở để giúp Việt Nam đối phó với dịch Covid-19.

Tôi vẫn luôn nói “khi gian nan mới biết ai là bạn”, và năm 2020 đã giúp chúng tôi nhận ra Việt Nam là người bạn thực sự của Mỹ.

Chúng tôi cảm kích chính phủ và người dân Việt Nam vì đã quyên góp trang thiết bị, vật tư y tế, khẩu trang cùng nhiều thứ khác cho phía Mỹ. Những khoản đóng góp này thực sự đã cứu mạng nhiều người Mỹ, và chúng tôi biết ơn Việt Nam về điều đó.

Tôi rất tự hào vì hai nước gắn bó và cộng tác rất ăn ý ngay cả trong tình cảnh khó khăn này.

Vào tháng 7, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donald Trump trao đổi điện mừng và nêu bật những bước tiến vượt bậc đôi bên đạt được trong chặng đường 25 xây dựng tình hữu nghị và quan hệ đối tác Việt - Mỹ.

Cũng trong tháng 7, hai nước ký thỏa thuận thực hiện chương trình Phái đoàn Hòa Bình (Peace Corps). Theo đó, các tình nguyện viên Peace Corps của Mỹ sẽ lần đầu có mặt tại Việt Nam để giảng dạy tiếng Anh.

Hồi tháng 10, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã tổ chức một sự kiện tuyệt vời ở Hà Nội nhằm kỷ niệm cột mốc 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Khoảng thời gian trong và quanh tháng 11 đánh dấu một số chuyến thăm cấp cao từ phía Mỹ, bao gồm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’ Brien. Đây đều là những sự kiện giúp làm nổi bật các thành tựu ngoại giao mà Việt Nam và Mỹ đạt được trong 25 năm qua.

Một năm đầy thách thức nhưng chúng ta phối hợp rất tốt để đối diện với cơn khủng hoảng Covid-19. Tôi rất tự hào vì hai nước cùng nhau tạo nên những điều kỳ diệu trong tình cảnh khó khăn như năm nay.

- Tầm quan trọng của hai chuyến thăm cấp cao từ phía Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’ Brien?

- Hai chuyến thăm chủ yếu để kỷ niệm 25 năm mối quan hệ ngoại giao toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, vốn được thể hiện thông qua niềm tin và sự kiên định từ hai phía.

Một điểm đáng lưu ý khác nằm ở việc chính phủ Việt Nam đã thông qua các quy định mới nhằm hỗ trợ các chuyến thăm cấp cao từ phía Mỹ, bao gồm quy trình xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh và hạn chế hoạt động khi lưu trú ở Việt Nam.

Ngoài tất cả điều này, chuyến thăm cho phép hai bên trao đổi góc nhìn về an ninh, kinh tế, thương mại, đoàn kết nhân dân, các vấn đề liên quan đến hậu quả chiến tranh.

Sau các buổi hội đàm cấp cao ấy, tôi cảm thấy lạc quan hơn bao giờ hết về mối quan hệ song phương Việt - Mỹ.

Tầm nhìn của chúng ta gần như tương đồng hoàn toàn. Hai nước đều hướng tới sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời kỳ vọng rằng mọi quốc gia trong khu vực dù lớn hay nhỏ đều tuân thủ các trật tự theo luật lệ.

Ngoài ra, việc Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia O’Brien đến thăm Việt Nam còn nhằm mục đích thắt chặt mối quan hệ đối tác Việt - Mỹ.

Họ đã công bố một số thỏa thuận cụ thể, bao gồm khoản chi 20 triệu USD của Mỹ nhằm khắc phục hậu quả chất độc dioxine ở sân bay Biên Hòa.

Ngoại trưởng Pompeo cũng thông báo về gói viện trợ trị giá 2 triệu USD để giúp người dân miền Trung đối phó với thiên tai bão lũ.

Nhìn chung, những chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ là minh chứng cho sự khăng khít trong mối quan hệ đối tác và hữu nghị với Việt Nam. Đôi bên cũng hoàn thành một số công tác cụ thể.

- Sắp xếp các chuyến thăm trên diễn ra khá gấp liệu có ảnh hưởng đến kết quả chuyến đi?

- Dù thời gian chuẩn bị khá ngắn, các chuyến thăm cấp cao vừa qua đều đạt những thành quả ngoài mong đợi.

Dịch Covid-19 khiến tình hình trở nên khó lường, chúng ta cần linh động và phản ứng nhanh chóng. Phía Mỹ không chỉ biết ơn chính phủ Việt Nam vì đã chủ động phối hợp để tổ chức các chuyến thăm một cách suôn sẻ mà còn phản ứng nhanh chóng dù dịch diễn biến phức tạp.

Tôi cho rằng những chuyến thăm trên đã thành công tốt đẹp và vượt xa mong đợi, đồng thời là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ Việt - Mỹ khăng khít 25 năm qua.

- Tổng thống Trump mới trực tiếp tham gia một kỳ họp APEC vào năm 2017, tức hơn ba năm trước. Điều này có phản ánh khu vực thực tế không phải ưu tiên cao của tổng thống?

- Tôi không nghĩ vậy (về mức độ ưu tiên). Gần đây Tổng thống Trump có tham gia Diễn đàn APEC trực tuyến tổ chức hồi tháng 11.

Tôi cho rằng tương tác của Mỹ với các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chưa bao giờ mạnh mẽ và tích cực như thời điểm hiện tại.

Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ, vào tháng 11/2017 và 2/2019. Đây là một điểm đặc biệt.

Trong ba năm trở lại đây, ngoại trưởng Mỹ bốn lần tới Việt Nam, trong khi bộ trưởng Quốc phòng cũng ba lần công du Việt Nam. Ít nhất 12 thượng nghị sĩ Mỹ, nhiều thành viên quốc hội và nội các đến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Quan hệ đối tác Việt - Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ và tích cực như vậy. Tương tác của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng chưa bao giờ mạnh mẽ và tích cực vậy.

Chính sách từ phía Mỹ truyền tải thông điệp rằng chúng ta nên cùng nhau thúc đẩy mục tiêu chung của các bên liên quan, trong việc gìn giữ sự hòa bình, thịnh vương và ổn định trong khu vực.

Mỹ sát cánh với các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, trên nhiều khía cạnh như an ninh, kinh tế, thương mại, tôn trọng luật pháp và phẩm giá con người.

Đối với cá nhân tôi, được có mặt tại Việt Nam trong ba năm qua là một đặc ân. Việt Nam chứng minh bản thân là một đối tác đầy nội lực. Đường lối lãnh đạo của Việt Nam trong khối ASEAN trong năm qua rất khéo léo.

- Theo đại sứ, đâu là những rào cản đôi bên còn đối mặt trong xây dựng lòng tin song phương?

- Tôi nghĩ lòng tin là cơ sở cốt lõi của mối quan hệ đối tác Việt - Mỹ. Nếu không tin tưởng, chúng ta không thể đạt những thành tựu ngoại giao trong suốt 25 năm qua.

Tôi đánh giá lòng tin giữa người dân và chính phủ hai nước đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Nhưng chúng ta không nên vội thỏa mãn.

Câu hỏi của anh làm tôi nhớ lại lần trò chuyện với đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam - Pete Peterson.

Tôi nói với ông ấy rằng những gì mà Việt Nam và Mỹ đạt được quả là một phép màu. Tuy nhiên, Peterson cho rằng tôi đã nhầm.

Ông ấy khẳng định mối quan hệ giữa hai nước đạt được nhiều kỳ tích đáng ngưỡng mộ, song đây không phải là phép màu. Những thành quả đó không đến một cách ngẫu nhiên, cũng không phải ân điển của Chúa, mà xuất phát từ thiện chí và lòng can đảm của đôi bên.

Đại sứ Peterson cũng tin rằng mối quan hệ Việt - Mỹ còn nhiều tiềm năng và nên được cải thiện. Yếu tố chủ đạo của quá trình này xoay quanh việc xây dựng niềm tin, và phía Mỹ vẫn luôn hướng về mục tiêu bồi đắp lòng tin trong mối quan hệ đối tác với Việt Nam.

Một trong những chủ đề thường được thảo luận ở Đại sứ quán Mỹ là về phương thức để thể hiện sự uy tín và cam kết của chúng tôi đối với Việt Nam, cùng các nước trong khu vực.

Đó là lý do chúng tôi thường xuyên tổ chức các chuyến thăm cấp cao để đối thoại với các nhà lãnh đạo Việt Nam, với tầm nhìn hỗ trợ các bạn xây dựng một quốc gia mạnh, thịnh vượng và độc lập, bởi chúng tôi tin rằng đôi bên đều hướng tới lợi ích chung trong khu vực.

Niềm tin là cơ sở để Mỹ mạnh tay đầu tư vào xây dựng sức mạnh quốc phòng của Việt Nam, đồng thời duy trì những khoản viện trợ lớn về mặt thời gian, công sức và nguồn lực để khắc phục hậu quả chiến tranh. Mối quan hệ nhân dân giữa hai nước cũng đang rất bền chặt.

Do đó, tôi cho rằng Việt Nam và Mỹ đã xây dựng cơ sở niềm tin vững chắc, nhưng chúng ta không nên sớm tự thỏa mãn. Tôi cảm thấy lạc quan về tình hữu nghị Việt - Mỹ trong tương lai. Mối quan hệ giữa hai nước đang triển vọng hơn bao giờ hết và sẽ ngày càng khởi sắc.

- Nhiệm kỳ của ông có hai chuyến thăm tổng thống, hai tàu sân bay tới thăm, đoàn nghị sĩ rất lớn. Ông đặt ra chuẩn khá cao cho người kế nhiệm mình?

- Nếu nhìn sáu người tiền nhiệm của tôi, ai cũng có thể nói khi kết thúc nhiệm kỳ là quan hệ hai nước đang ở mức tốt nhất, đạt được rất nhiều và làm thế nào để vượt qua các mốc vậy. Tôi cũng nghĩ như vậy về nhiệm kỳ của mình.

Trở thành đại sứ Mỹ ở Việt Nam là đặc ân hiếm có đối với tôi. Hai nước và hai nhân dân cùng nhau xác lập nhiều thành tựu, nhưng tôi nghĩ đây mới chỉ là bước chạy đà cho sự phát triển không giới hạn của mối quan hệ song phương - bầu trời là giới hạn cho mối quan hệ song phương này. Tôi cực kỳ lạc quan.

Tình hữu nghị Việt - Mỹ xoay quanh người dân, đất nước và những lãnh đạo. Chúng ta có những lợi ích và tầm nhìn chung về tương lai. Đây hoàn toàn không phải là vấn đề về tôi hay bất kỳ cá nhân nào khác.

Động lực thúc đẩy bước tiến triển trong quan hệ đôi bên nằm ở những tầm nhìn chung mà hai phía cùng hướng đến.

Thực tế cho thấy mối quan hệ của người dân hai nước đang khăng khít hơn bao giờ hết. Chúng tôi tự hào vì hơn 30.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ. Chúng tôi phấn khởi khi thấy hàng trăm nghìn du khách từ Mỹ đến thăm Việt Nam mỗi năm và ngược lại, cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hết sức lạc quan và tin rằng tình hình sẽ được kiểm soát trong năm 2021. Cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường. Bản thân tôi hết sức lạc quan về triển vọng mối quan hệ Việt - Mỹ, bầu trời là giới hạn duy nhất đối với sự phát triển này.

- Với bước đà vậy, đại sứ có nghĩ giờ là thời điểm thích hợp để Việt Nam và Mỹ nâng tầm mối quan hệ lên mức đối tác chiến lược?

- Chúng ta không cần quá nặng nề vấn đề tên gọi. Rõ ràng, Việt Nam và Mỹ là đối tác chiến lược của nhau. Nhưng từ góc độ một người Mỹ, chúng tôi không quá chú ý đến tên gọi hay phân loại cụ thể được gán cho mối quan hệ song phương này.

Thay vào đó, chúng ta tập trung vào nội dung và mức độ hợp tác giữa hai nước. Tính chất chiến lược trong mối quan hệ Việt - Mỹ được phản ánh qua cách chúng ta tiếp cận thế giới và quá trình cộng tác cùng nhau. Do đó, tôi không quá câu nệ về vấn đề tên gọi. Nhiều người Mỹ hẳn cũng nghĩ như vậy.

Dù tôi không chắc chúng ta sẽ gọi tên mối quan hệ trong 25 năm tới là gì, nhưng tôi tin đôi bên vẫn sẽ duy trì tình hữu nghị và hợp tác chiến lược mang lại lợi ích song phương.

- Mỹ đã tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở ngoài Biển Đông nhưng có lẽ việc đó cũng khó thay đổi được các động thái hung hăng ngoài biển. Có cách tiếp cận chiến lược nào cho vấn đề này?

- Chiến lược của Mỹ tại Biển Đông không chỉ là FONOP mà bao gồm ít nhất ba yếu tố cốt lõi. Đầu tiên, chúng tôi tiếp cận vấn đề theo đường lối ngoại giao và pháp lý, bằng cách làm việc với các quốc gia trong khu vực - đặc biệt là 10 nước thành viên ASEAN và những quốc gia đang có tranh chấp.

Nhiều đối tác và đồng minh của Mỹ trợ lực cho các hoạt động ngoại giao của chúng tôi nhằm ủng hộ bộ nguyên tắc mà Mỹ theo đuổi, bao gồm tự do hàng hải, tự do hàng không, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Liên quan trực tiếp đến vấn đề này, Mỹ triển khai nhiều hoạt động trên phương diện pháp lý ở Biển Đông.

Trong năm 2020, Mỹ điều chỉnh chính sách theo hướng gần với quan điểm mà phán quyết Tòa Trọng tài PCA đưa ra hồi 2016. Tôi nghĩ đây là một điểm quan trọng.

Cùng nhiều đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam, chúng tôi bày tỏ lập trường trước Liên Hợp Quốc rằng Mỹ không công nhận những tuyên bố chủ quyền sai sự thật, cực đoan và phi pháp của Trung Quốc đối với nhiều khu vực ở Biển Đông.

Cột trụ thứ hai trong chiến lược của Mỹ tại Biển Đông xoay quanh hoạt động tăng cường năng lực của các đối tác trong khu vực, dù đó là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và các đối tác khác đủ khả năng để hiểu rõ những gì xảy ra trong vùng biển hợp pháp của họ, có khả năng tự bảo vệ mình.

Cuối cùng, là như anh nói là bằng hành động của Mỹ, khả năng của Mỹ, bao gồm cả các hoạt động tự do hàng hải và các năng lực khác. Các hoạt động FONOP và hiện diện của Mỹ tại vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động này để chứng minh rằng Mỹ và các đối tác sẽ giong buồm và có mặt ở bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.

Từ đây có thể thấy, chiến lược của chúng tôi bao hàm nhiều phương diện, và sẽ không khôn ngoan hay hiệu quả nếu chỉ hành động dựa vào một trong ba khía cạnh trên theo hướng đơn lẻ. Cần phải nhìn chiến lược này một cách tổng thể.

Tôi lạc quan một cách thận trọng rằng chỉ cần mọi quốc gia đều hướng đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng, cùng tuân thủ luật biển quốc tế và sát cánh bên nhau, chúng ta sẽ vượt lên trên. .

- Chúng ta có cần lo ngại về khả năng xảy ra đối đầu giữa các nước lớn ở Biển Đông, sau những leo thang căng thẳng gần đây?

- Mục tiêu của Mỹ ở Biển Đông, cũng như ở toàn bộ khu vực, hướng đến việc duy trì nền an ninh, hòa bình và thịnh vượng. Chúng ta hy vọng mọi quốc gia trong khu vực đều tuân thủ quy định chung.

Nhưng không nên vì thế mà xem nhẹ những thách thức. Đáng tiếc rằng Trung Quốc thực hiện đối sách khá hung hăng trên Biển Đông, thậm chí lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đẩy mạnh những tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng biển trong khu vực bất chấp luật pháp quốc tế.

Chúng ta không nên đánh giá sai phạm vi ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của những trở ngại nói trên. Tuy nhiên, tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng chỉ cần hành động cùng nhau, chúng ta sẽ duy trì hy vọng chiến thắng.

- Điểm nhấn nổi bật nhất trong nhiệm kỳ vừa qua của đại sứ tại Việt Nam? Ông có tiếc nuối vì chưa hoàn thành điều gì?

- Tôi cảm thấy tự hào về những bước tiến mà hai nước đạt được về vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh.

Trên phương diện cá nhân, tôi rất vui vì có cơ hội thăm Nghĩa trang Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM. Tôi cho rằng những hoạt động hòa giải mang tính biểu tượng thực sự đem lại nhiều ý nghĩa.

Tôi cũng cảm thấy vinh dự khi được tham gia các chuyến thăm cấp cao và hoàn thành nhiều chương trình quan trọng, trong đó có chuyến hộ tống tàu sân bay Mỹ vào Việt Nam - một sự kiện mang tính lịch sử.

Ngoài ra, tôi cũng tự hào về những giao dịch thương mại trị giá hàng tỷ USD mà hai nước đã ký.

Đồng thời, trong ba năm qua, chúng ta đã thắt chặt tình hữu nghị giữa người dân của Việt Nam và Mỹ.

Giờ đây, tôi trông chờ khoảng thời gian còn lại ở Việt Nam. Không chắc tương lai sẽ ra sao hoặc tôi sẽ ở lại Việt Nam trong bao lâu, nhưng tôi tận hưởng mọi giây phút lưu lại đất nước của các bạn.

Tôi rất vinh dự khi được đại diện và lãnh đạo hơn 1.000 đồng nghiệp trên khắp Việt Nam, làm mọi thứ trong khả năng để thúc đẩy tình hữu nghị và mối quan hệ đối tác giữa hai nước.

Ở thái cực ngược lại, tôi cũng chưa hài lòng về nhiều điều. Chúng tôi lập sẵn một danh sách dài các mục tiêu để theo đuổi trong ba năm qua. Nhưng tôi là một người lạc quan, lối sống của tôi không xoay quanh việc tiếc nuối những điều chưa làm được.

Trên phương diện bạn bè và đối tác, Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu hơn tôi trông đợi. Một lần nữa, tôi rất lạc quan về mối quan hệ của hai nước trong tương lai.

Thanh Tuấn - Đại Hoàng

Video: Ngân Phạm - Ái DuyênẢnh: Thuận Thắng, tư liêụĐồ họa: Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-su-my-trong-quan-he-viet-my-gioi-han-la-bau-troi-post1163615.html