Đại sứ Mỹ cảnh báo trừng phạt Nord Stream-2 ?

Không chỉ muốn có thêm hợp đồng năng lượng với châu Âu, Mỹ còn muốn áp sức mạnh chính trị lên EU về Nord Stream-2.

Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell mới đây tiếp tục gây chú ý khi đưa ra cảnh báo các công ty Đức liên quan đến dự án Nord Stream-2 có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu vẫn tham gia dự án khí đốt này.

Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell. Ảnh: U.S. Navy

Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell. Ảnh: U.S. Navy

Ông Grenell nói trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Focus của Đức rằng: theo quan điểm của Mỹ, đường ống dẫn khí đốt này không chỉ có vai trò vận chuyển năng lượng mà nó còn mang tới "rủi ro bị xử phạt" rất cao.

Vị Đại sứ này trước đó đã gây chú ý trên chính trường Đức vì đã gửi "tối hậu thư" cho các công ty năng lượng Đức, nói rằng họ nên xem xét tới "những nguy hiểm" từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu muốn tham gia dự án Nord Stream-2.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Đức ra thông cáo đề cập tới bức thư của ông Grenell cho biết: "Bức thư nhắc cho bất kì công ty nào đang tham gia đường ống dẫn khí đốt của Nga rằng họ đang gặp khi nguy hiểm theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ qua trừng phạt (CAATSA)”.

Tờ Bild am Sonntag cho rằng, đại sứ Grenell đang cố gắng đe dọa các công ty Mỹ với bức thư này, tuy nhiên, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ phản hồi rằng, điều bị coi là sự đe dọa duy nhất trong hoàn cảnh này đó là Moscow đang có lợi thế trong việc cung cấp khí đốt đến châu Âu.

Trong số các công ty Đức tham gia Nord Stream-2 có tập đoàn năng lượng Uniper, trụ sở tại Düsseldorf và nhà sản xuất dầu khí Wintershall Dea. Chính phủ Đức bảo vệ đường ống dẫn khí chạy dưới đáy biển Baltic như là một đóng góp cho an ninh nguồn cung năng lượng của nước này.

Trong khi đó, bức thư của vị Đại sứ Mỹ cũng nhận được phản hồi tiêu cực từ giới tinh hoa Đức.

Các chính trị gia người Đức theo phe bảo thủ và cánh tả đều tỏ ra ủng hộ dự án và chỉ trích hành động của vị Đại sứ Mỹ đang vượt quá thẩm quyền của một nhà đại diện ngoại giao. Thậm chí có chính trị gia bày tỏ quan điểm rằng, nên thay thế vị Đại sứ này.

Động thái của ông Grenell đưa ra cũng vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ đang có kế hoạch tới châu Âu vào tuần tới. Ông Mike Pompeo dự kiến sẽ có cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Heiko Maas để bàn bạc về Nord Stream-2. Các nguồn tin ngoại giao Mỹ cho biết, ông Mike Pompeo muốn "đặt dấu chấm hết" cho dự án của Nga- Đức trong tháng 5 này.

Ông Pompeo đã từng nói sẽ tìm cách ngăn cản Nord Stream-2 bằng mọi cách song cũng từng thừa nhận tại phiên điều trần ở Quốc hội rằng không có phương án nào để ngăn chặn Nord Stream-2.

Hôm 2/5, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cũng tuyên bố Mỹ sẽ buộc phải dùng các biện pháp trừng phạt để gây sức ép với châu Âu.

Phát biểu tại một hội nghị về khí hóa lỏng (LNG) đầu tháng 5, Bộ trưởng Rick Perry khẳng định: "Chúng tôi phản đối việc sử dụng năng lượng để ép buộc các nước. Chúng tôi vẫn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng việc mua khí đốt từ Mỹ là một sự thay thế rất hấp dẫn đối với các nước châu Âu.

Vì những lý do tương tự, chúng tôi phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, cũng như dự án khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Theo ông Rick Perry, “dự án này sẽ tăng cường sự hiện diện của khí đốt Nga ở Tây Âu, cho phép Nga có được nhiều đòn bẩy hơn đối với chính sách đối ngoại của châu Âu”.

Nga bắt bài Mỹ?

Trước các động thái can thiệp mạnh mẽ của Mỹ vào dự án chung Nga- châu Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nói rằng, ông hiểu vì sao Mỹ không thể ngăn cản Nord Stream-2 bởi đây là dự án của cả châu Âu và để ngăn chặn nó, Mỹ không thể chỉ gây sức ép lên một mình Đức mà còn cả với các thành viên EU khác.

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng, rất khó để làm việc với Liên minh châu Âu, vì gần như tất cả các quyết định được đưa ra bởi sự đồng thuận của các nước.

Nếu Mỹ quyết định ngăn cản dự án này bằng sức ép nước lớn đối với Đức, ý định này chắc chắn sẽ thất bại.

EU nếu cùng chịu áp lực chính trị của Mỹ và Nga thì sẽ chọn khí đốt Nga giá rẻ.

Trong khi đó, Nord Stream-2 chỉ mang lại lợi ích tốt đẹp cho châu Âu, giúp giá năng lượng rẻ hơn, ổn định hơn, cũng như không bị phụ thuộc vào các vấn đề địa chính trị khác thay vì đường ống đi qua Ukraine.

Các hành động ngăn cản của Mỹ chỉ cho thấy Washington đang muốn kiếm thêm hợp đồng năng lượng và cạnh tranh không công bằng với Nga trên thị trường năng lượng châu Âu.

Dù Đức đã "nhường nhịn" Mỹ bằng cách mở rộng khả năng sẽ mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, lắp đặt các thiết bị đầu cuối tiếp nhận khí hóa lỏng tại các cảng biển Đức nhưng Washington không cho điều đó là đủ. Mục đích cuối cùng là Mỹ muốn Nord Stream-2 không thể được xây dựng.

Bất chấp các nỗ lực của Mỹ cho rằng sẽ khiến dự án đường ống dẫn khí đốt này không thể hoàn thành, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng tuyên bố, nếu châu Âu không tham gia xây dựng Nord Stream-2 thì Nga sẽ làm dự án này một mình.

Thực tế, việc Mỹ gây sức ép với châu Âu trong việc hủy bỏ dự án khí đốt cũng là "đòn roi" chính trị. Nếu EU lựa chọn Nord Stream-2, khả năng Nga gây áp lực chính trị với khối này là chưa rõ ràng, trong khi châu Âu còn được lợi từ nguồn năng lượng giá rẻ.

Ngược lại, khi lựa chọn Mỹ, EU sẽ phải mua năng lượng với giá cao hơn mà khả năng bị chi phối về các vấn đề chính sách dường như là chắc chắn xảy ra.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dai-su-my-canh-bao-trung-phat-nord-stream-2--3379375/