Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman: Chung tay làm nên sự khác biệt

Với Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman, Việt Nam và Hà Lan có thể cùng tạo nên khác biệt, dù đó là trong biến đổi khí hậu hay phát triển kinh tế bền vững.

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman. (Nguồn: ĐSQ Hà Lan tại Việt Nam)

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman. (Nguồn: ĐSQ Hà Lan tại Việt Nam)

Rộng mở và sâu sắc

Năm 2020 là năm đầy thách thức với thế giới, trong đó có Việt Nam và Hà Lan. Xin Đại sứ có thể nêu một số nét lớn về quan hệ song phương năm vừa qua?

Về tổng thể, một điểm then chốt trong quan hệ song phương thời gian qua là việc Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Điều này cho phép chúng tôi tiếp tục nghị trình có sẵn, dù theo cách khác: Giống như phía Việt Nam, chúng tôi đã không thể di chuyển thường xuyên và chủ yếu tham gia các sự kiện, hội thảo lớn theo hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì mối quan hệ năng động và tích cực trong hợp tác kinh tế và văn hóa. Đầu tháng 6/2020, hai nước đã ít nhiều đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo vốn có. Ngoài ra, trong năm qua, miền Trung Việt Nam đã phải hứng chịu thiên tai thảm khốc, để lại hậu quả nặng nề: Điều này khiến nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan về biến đổi khí hậu cấp bách hơn cả. Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược về quản lý, sử dụng nguồn nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, đây là lĩnh vực được hai bên chú trọng trong năm qua. Chúng tôi đã củng cố hợp tác về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Năm qua, trên tinh thần Biên bản Ghi nhớ giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte năm 2019, chúng tôi đã tích cực làm việc, đảm bảo tiến độ cho chương trình cải tổ ngành nông nghiệp. Hai tuần trước, khi ở trong TP. Hồ Chí Minh, tôi đã tham dự sự kiện về phát triển bền vững ở ĐBSCL với sự góp mặt của 250 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam, Hà Lan, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và lãnh đạo năm tỉnh khu vực ĐBSCL.

Như vậy, bất chấp đại dịch Covid-19 và nhiều khó khăn khác, quan hệ song phương giữa hai chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã rộng mở và sâu sắc hơn trong năm qua.

Toàn cảnh chương trình Xúc tiến Thương mại khu vực ĐBSCL tại TPHCM tháng 1/2021. (Nguồn: ĐSQ Hà Lan tại Việt Nam)

Đặc biệt, về chống biến đổi khí hậu, tôi cho rằng Việt Nam và Hà Lan có thể làm được nhiều hơn nữa. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 27/1, mọi người cần nhận thức rằng biến đổi khí hậu là do con người, đang diễn ra và sẽ không tự nhiên biến mất. Tất cả chúng ta cần chung tay tạo nên sự khác biệt.

Việt Nam và Hà Lan có thể cùng nhau thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặt ra mục tiêu mới để hạn chế khí thải nhà kính. Quy hoạch về phát triển năng lượng của Việt Nam có thể là điểm khởi đầu. Việt Nam, với đường bờ biển dài và khí hậu phù hợp, có nhiều cơ hội phát triển năng lượng xanh như tại Ninh Thuận, nơi tôi đã có dịp tham quan dự án nhà máy năng lượng gió và mặt trời của các nhà đầu tư Việt Nam. Tôi mong rằng xu hướng này sẽ được duy trì và sớm thay thế cho nhiệt điện than.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, tôi cho rằng công tác quản lý nguồn nước, các tập quán canh tác và vấn đề khí thải nhà kính cần được xem xét kỹ lưỡng, tránh tác động tiêu cực tới môi trường. Việt Nam có thể khuyến khích các chính sách phát triển nông nghiệp bền vững.

Thực tế cho thấy ĐBCSL và Hà Lan có nhiều nét tương đồng khi đều là các quốc gia có đồng bằng rộng lớn, đều đối mặt với nguy cơ thiên tai. Từ quá khứ, người Hà Lan đã học được nhiều điều về cách quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường thuận tự nhiên song song với duy trì các lợi ích kinh tế. Tôi sẽ rất vui nếu có thể chứng kiến Việt Nam và Hà Lan chủ động hợp tác xây dựng một chính sách như vậy với ĐBSCL, phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, với giá trị gia tăng lớn, song vẫn đảm bảo một môi trường sống bền vững cho người dân.

Cuối cùng, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam có đề cập tới duy trì động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời chú trọng vào chất lượng của quá trình tăng trưởng đó thông qua các cuộc thảo luận về tính bền vững của tăng trưởng và kinh tế tuần hoàn. Với tôi, đất nước Việt Nam đẹp tuyệt vời, và các bạn cần một quá trình tăng trưởng bền vững và chất lượng để giữ gìn vẻ đẹp ấy. Vì thế, tôi mong rằng bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục nằm trong ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế của chính phủ Việt Nam.

Với tôi, đất nước Việt Nam đẹp tuyệt vời, nhưng và các bạn cần một quá trình tăng trưởng bền vững và chất lượng để giữ gìn vẻ đẹp ấy.

Thay đổi để thành công

Theo bà, Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực năm 2020 sẽ tác động như thế nào tới quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) và Hà Lan?

Tôi cho rằng EVFTA là động lực mạnh mẽ cho thương mại Việt Nam - EU, trong đó có Hà Lan. Hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn để tăng cường giao thương Việt Nam - Hà Lan. Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn tới Hà Lan, chủ yếu là hạt điều, cùng nhiều loại nông sản, thủy sản khác.

Tuy nhiên, người tiêu dùng châu Âu có đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng và sản phẩm. Chúng ta có thể hợp tác cải thiện chất lượng an toàn thực phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đây sẽ là quá trình không đơn giản, đòi hỏi thời gian, tiền bạc và công sức. Song một khi thành công, cánh cửa cho hàng Việt Nam vào thị trường EU và Hà Lan sẽ rộng mở hơn bao giờ hết. Mặt khác, tôi hy vọng rằng Việt Nam cũng sẽ chào đón các sản phẩm của Hà Lan và EU.

Ngoài ra, một trong những điểm mạnh của EVFTA nằm ở chương về tính bền vững khi đặt những yêu cầu rất cụ thể liên quan đến chất lượng các hoạt động thương mại và đầu tư. Tôi cảm thấy vinh dự khi có mặt tại Ninh Thuận để chứng kiến lễ kỷ niệm container tôm sạch đầu tiên được xuất khẩu sang Rotterdam. Công ty chế biến và sản xuất tôm đã nhanh chóng cải thiện chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để đạt tiêu chuẩn châu Âu, khởi đầu cho quá trình thâm nhập thị trường EU.

Chúng ta đã nói nhiều về hợp tác trong chống biến đổi khí hậu và thương mại. Vậy còn giáo dục và giao lưu văn hóa thì sao, thưa bà?

Đầu tiên, tôi rất vui vì các cựu sinh viên Việt Nam chia sẻ họ hạnh phúc trong khoảng thời gian học tập và làm việc tại đất nước chúng tôi. Giống như tôi, họ chính là đại sứ kết nối Hà Lan với Việt Nam. Do đó, chúng tôi luôn duy trì mạng lưới kết nối với cựu sinh viên Việt Nam tại Hà Lan.

Thứ hai, ngay cả trong đại dịch Covid-19, nhiều du học sinh Việt Nam vẫn bày tỏ nguyện vọng học tập và làm việc tại châu Âu, trong đó có Hà Lan. Tôi được biết nhiều trường đại học, đặc biệt là một số trường về khoa học ứng dụng tại Hà Lan, rất mong muốn tiếp đón sinh viên Việt Nam. Một số trường đại học Việt Nam như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thủy Lợi cũng có chương trình giao lưu với phía Hà Lan. Thú vị hơn, họ đều có trọng tâm đào tạo trùng khớp với thế mạnh của chúng tôi. Tôi mong rằng chúng ta có thể cải thiện, quảng bá để thu hút thêm học sinh, mở rộng chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên giữa hai nước.

Trong lĩnh vực văn hóa, tôi cảm thấy tự hào vì bất chấp đại dịch Covid-19 năm qua, với sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, chúng tôi vẫn tổ chức thành công Triển lãm Ảnh báo chí thế giới năm 2020 tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Người dân sinh sống tại Hà Nội có thể ngắm nhìn và chiêm nghiệm hàng nghìn bức ảnh đầy ý nghĩa về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ tại các nước trên thế giới. Ngay cả khi chúng ta không thể đi du lịch vì đại dịch, Triển lãm đã “đưa cả thế giới về với Hà Nội”. Tôi rất vui khi cuộc triển lãm thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ năng động với tinh thần học hỏi. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục tổ chức triển lãm ảnh này trong năm tới.

Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới năm 2020 tại Hồ Hoàn Kiếm. (Nguồn: MatCa)

Đại sứ có kỳ vọng gì dành cho quan hệ song phương trong năm đầu tiên của thập kỷ này?

Chúng ta nên gọi đó là “hy vọng” thì hợp lý hơn, khi mà các bạn vừa có điều chỉnh về bộ máy lãnh đạo, còn tình hình khu vực, thế giới và đại dịch Covid-19 biến động vô cùng phức tạp. Tôi hy vọng rằng hai nước có thể duy trì hợp tác tích cực trong hơn 45 năm qua.

Đồng thời, tôi hy vọng rằng sau khi hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Tôi mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối đa phương hóa, giúp Việt Nam và Hà Lan có thể cùng nhau hợp tác vì các mục tiêu toàn cầu.

Còn đó khác biệt, song tôi tin rằng thông qua việc duy trì đối thoại cởi mở và thẳng thắn, chúng ta sẽ sớm thu hẹp khoảng cách.

Năm nay là năm của con Trâu. Tôi mới được biết rằng con trâu là biểu tượng cho sự cần cù, chịu khó. Đây chắc chắn là biểu tượng tuyệt vời cho những gì mà chúng ta cần làm trong năm tới: Cần cù, chịu khó, nỗ lực hết mình vì quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển và bền vững.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-ha-lan-elsbeth-akkerman-chung-tay-lam-nen-su-khac-biet-137651.html