Đại sứ EU: 'EVFTA có thể được ký vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7'

Đại sứ EU tại Việt Nam kỳ vọng hiệp định thương mại tự do giữa hai bên sẽ được ký kết vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, đánh giá cao những cam kết và nỗ lực của Việt Nam.

Trong chuyến công tác TP.HCM mới đây, Đại sứ Bruno Angelet, trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, đã dành cho Zing.vn cuộc trao đổi xoay quanh việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay.

Hiệp định được đánh giá là thỏa thuận thương mại tự do "thế hệ mới, đầy tham vọng", góp phần mở ra trang mới trong quan hệ giữa Việt Nam và EU. Giờ đây, việc ký kết và phê chuẩn hiệp định đang được kỳ vọng sớm diễn ra, khép lại quá trình đàm phán chính thức bắt đầu từ tháng 6/2012.

- Dự kiến khi nào hai bên sẽ tiến hành ký kết hiệp định, thưa ông?

- Đại sứ Angelet: Kế hoạch phía EU là sẽ đệ trình lên ngoại trưởng các nước thành viên vào ngày 25/6 để xem họ có bật đèn xanh cho cao ủy thương mại ký kết thỏa thuận hay không. Nếu tất cả đồng ý, tôi nghĩ khả năng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, chúng ta sẽ tiến hành ký kết.

Tất nhiên cũng có một số chi tiết cần làm rõ, chẳng hạn như ký ở Brussels (Bỉ) hay Hà Nội và một số vấn đề về cách thức cần phải xem xét.

- EU vừa bầu cử nghị viện vào cuối tháng 5. Cuộc bầu cử này có gây ra tác động cụ thể nào đến quá trình ký kết hiệp định không?

- Tôi nghĩ cuộc bầu cử (nghị viện) châu Âu không có tác động trực tiếp đến quá trình ký kết. Hầu hết quốc gia thành viên EU không có sự thay đổi về chính phủ trong cuộc bầu cử này, trừ một số ít ngoại lệ, như Bỉ, vì đây cũng là dịp bầu cử trong nước.

Do đó, tôi nghĩ cuộc bầu cử không có tác động gì đến việc ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nhưng có thể tác động đến quá trình phê chuẩn hiệp định. Nghị viện khóa cũ sẽ kết thúc vào đầu tháng 7, cũng là lúc nghị viện khóa mới sẽ nhóm họp lần đầu để bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch. Nghị viện khóa mới bắt đầu hoạt động bình thường từ khoảng tháng 10.

Tôi thấy cuộc bầu cử năm nay chứng kiến sự lên ngôi của một số đảng theo đường lối tự do, các đảng ủng hộ EU, đảng xanh... nhưng trong vấn đề thương mại thì các đảng tự do, đảng xanh hay đảng xã hội lại đòi hỏi cao hơn một chút. Với hiệp định thương mại tự do ký với Việt Nam, hiệp định đầu tiên được đưa ra xem xét tại Nghị viện châu Âu sau mùa hè này, có lẽ sẽ có một số thảo luận, có thể có thêm một số yêu cầu và một số đảng có thể đòi hỏi điều này điều kia trước khi họ quyết định thông qua.

Đó có thể là tác động nhưng tôi cho rằng chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng và chính phủ Việt Nam sẽ nhanh chóng tiếp cận với Nghị viện châu Âu để tìm hiểu những vấn đề được cho là nhạy cảm hay những câu chuyện sẽ được đem ra bàn bạc.

- Trên cương vị trưởng phái đoàn đại diện EU tại Việt Nam, ông đã có những nỗ lực nào để thúc đẩy việc đàm phán, ký kết hiệp định?

- Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định trong vài năm. Hiệp định thương mại tự do này là một thỏa thuận đầy tham vọng. Sau các thỏa thuận với Nhật Bản năm 2010, với Hàn Quốc tháng 7/2018 và với Singapore tháng 10 cùng năm, Việt Nam sẽ là nước châu Á thứ tư ký hiệp định thương mại tự do với EU.

Chúng tôi phải đảm bảo rằng 28 nước thành viên đều sẵn sàng cho phép cao ủy thương mại ký kết hiệp định với Việt Nam. Điều đó có nghĩa là chính phủ 28 nước thành viên phải đánh giá tình hình và đánh giá chất lượng của thỏa thuận này. Có thể một số nước thành viên vẫn còn thắc mắc hoặc cần làm rõ một số vấn đề.

Ở Hà Nội, tôi và đội ngũ của mình phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để đảm bảo ưu tiên cao nhất cho quá trình đàm phán ký kết cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với 28 nước thành viên EU và Ủy ban châu Âu. Chúng tôi đã làm rất nhiều việc trong những tuần qua và tôi nghĩ trong những ngày tới tại Hà Nội, chúng tôi sẽ nhận được những tín hiệu mạnh mẽ, rõ ràng về sự cam kết mang lại lợi ích.

Tại Brussels, đại sứ của 28 nước thành viên tương tự cũng tiến hành việc đánh giá và chuẩn bị cho bộ trưởng nước họ. Không còn nhiều thời gian nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được nhiều tiến triển và tôi lạc quan rằng chúng tôi sẽ hoàn thành mọi mục tiêu đề ra.

- Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong quá trình này?

- Thỏa thuận này có rất nhiều mục tiêu mà chính phủ Việt Nam phải rất tập trung với kế hoạch triển khai rõ ràng trong một số lĩnh vực, ví dụ như là phát triển bền vững - đề cập trong chương 13 của thỏa thuận.

Tôi đề cập chuyện này bởi đây có lẽ là vấn đề cấp thiết nhất đối với những nước như Việt Nam - quốc gia đang trong quá trình phát triển với thu nhập trung bình và do đó mà vấn đề phát triển bền vững rất quan trọng. Những cam kết được đề xuất trong thỏa thuận là rất tham vọng, yêu cầu rất cao, nên chúng tôi đề nghị với phía Việt Nam rằng họ cần tập trung cho một vài cam kết trong số đó.

Chẳng hạn, Quốc hội Việt Nam gần đây đã phê chuẩn công ước quốc tế về lao động - Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và cũng có thể thông qua bộ luật lao động sửa đổi trong năm nay. Đây là những cam kết rất quan trọng vì chúng là một phần của hiệp định thương mại tự do. Trong quá trình làm việc về tất cả những vấn đề này, chúng tôi nhìn thấy được những cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ cũng như từ Quốc hội Việt Nam.

- Việc ký kết thỏa thuận dường như bị trì hoãn vì một số trở ngại. Ông có thể nói rõ không?

- Chúng tôi kết thúc đàm phán vào tháng 12/2015 và từ lúc này thì chúng tôi đã có được nội dung của thỏa thuận. Tuy nhiên, chúng tôi phải tiến hành một việc rất quan trọng là "rà soát pháp lý", và trong suốt hai năm 2016 và 2017, các chuyên gia luật của hai bên đã phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng mọi thuật ngữ pháp lý phải có cùng ý nghĩa trong ngôn ngữ của mỗi bên cũng như được dùng đúng ngữ cảnh. Việc này khá tốn thời gian.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phải chờ đợi phán quyết của Tòa án Công lý EU về một vấn đề kỹ thuật - đó là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầy tham vọng này chỉ cần được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu hay phải được phê chuẩn bởi cả Nghị viện châu Âu và quốc hội các nước thành viên. Tòa án Công lý EU đã thông qua phán quyết vào tháng 6/2018, nói rằng hiệp định chỉ cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn.

Tuy nhiên, tòa cũng cho rằng trong vấn đề bảo hộ đầu tư, sự cạnh tranh giữa các nước EU vẫn cần phải được tính đến. Do đó, tòa đề nghị tách hiệp định thành 2 phần: nội dung về thương mại tự do (tức Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, viết tắt "EVFTA") chỉ cần sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu, còn nội dung về đầu tư (tức Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU, viết tắt "EVIPA") tư phải cần cả quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

Ngoài ra, cũng có một số vấn đề liên quan đến chất lượng dịch thuật, nhưng về cơ bản việc ký kết bị trì hoãn là do chúng tôi phải đợi phán quyết trên. Một số bạn bè Việt Nam cũng hỏi tôi rằng có phải việc chậm ký kết xuất phát từ nguyên nhân chính trị hay không, nhưng tôi phải nói rằng không thực sự như vậy, đó chỉ là vấn đề kỹ thuật.

- Ông kỳ vọng thế nào về triển vọng giao thương giữa hai bên sau khi hiệp định có hiệu lực?

- Cùng với hiệp định thương mại tự do và xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, một trong những lĩnh vực sẽ được thúc đẩy mạnh là xuất khẩu trang thiết bị từ EU sang Việt Nam. Chúng tôi đã đến thăm các công ty có đầu tư của EU tại TP.HCM, một sản xuất đồ ngoài trời, một sản xuất dụng cụ cho ngành công nghiệp và bán lẻ, và chúng tôi thấy họ có dây chuyền khép kín với trang thiết bị của châu Âu.

Lĩnh vực đó sẽ rất được quan tâm. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng muốn xuất khẩu nhiều hơn thực phẩm sang Việt Nam, nơi đang cho thấy sự ưa chuộng đối với thực phẩm có nguồn gốc châu Âu.

Trong thỏa thuận, việc xóa bỏ hoàn toàn thuế quan sẽ chưa được áp dụng ngay đối với một số mặt hàng, chẳng hạn như rượu bia, trong đó việc miễn thuế nhập khẩu với rượu sẽ được áp dụng sau 7 năm và với bia là sau 10 năm (từ khi thỏa thuận có hiệu lực). Một lĩnh vực khác là ôtô thì thời điểm bắt đầu xóa bỏ thuế quan sẽ còn lâu hơn nữa. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm, 90% khối lượng giao thương hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và EU sẽ không còn rào cản thuế quan.

- Một trong những vấn đề được quan tâm là việc giám sát thực thi hiệp định. Sẽ có những cơ chế nào?

- Việt Nam đã cam kết phê chuẩn 3 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như bộ luật lao động mới sẽ là nền tảng pháp lý cơ bản để triển khai hiệp định. Cả EU và Việt Nam đều sẽ lập ra một ủy ban thương mại, mỗi năm một lần sẽ ngồi lại với nhau để đánh giá việc thực hiện các quy định luật pháp, hành chính.

Ngoài ra, chúng ta sẽ có các tổ chức phi chính phủ giám sát việc Việt Nam thực hiện chương 13 của hiệp định về phát triển bền vững, bao gồm các quy định về quyền của người lao động. Nếu họ không hài lòng, họ sẽ báo cáo lên ủy ban thương mại. Chúng tôi, sứ quán các nước EU cũng như Phái đoàn EU tại Việt Nam, cũng có trách nhiệm báo cáo về việc thực thi hiệp định.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Cũng trong cuộc trao đổi với Zing.vn, Đại sứ Phần Lan Kari Kahiluoto và Đại sứ Ba Lan Wojciech Gerwel bày tỏ sự lạc quan về cơ hội nâng cao kim ngạch thương mại giữa mỗi nước với Việt Nam sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU có hiệu lực.

Đại sứ Kahiluoto: "Về phía Phần Lan, kim ngạch thương mại với Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa tới 400 triệu USD/năm với cán cân nghiêng về phía Việt Nam. Vì vậy, tôi hy vọng hiệp định thương mại tự do sẽ giúp gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Điều quan trọng với Phần Lan về cơ bản là vấn đề sân chơi bình đẳng giữa các nước châu Âu, có nghĩa là sau khi hiệp định có hiệu lực, những "người chơi" khác nhau ở Việt Nam sẽ phải đối xử với tất cả các nước EU với những tiêu chuẩn và yêu cầu như nhau".

Đại sứ Gerwel: "Tôi đồng ý với Đại sứ Phần Lan về vấn đề sân chơi bình đẳng và chúng tôi trông chờ hiệp định thương mại tự do sẽ khiến giao thương giữa hai bên tăng trưởng năng động. Theo thống kê thì kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan năm ngoái là 2,3 tỷ USD và chúng tôi kỳ vọng con số này sẽ tăng nhanh chóng sau khi thỏa thuận được triển khai".

Vũ Mạnh (thực hiện)
Ảnh: Thuận Thắng Đồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dai-su-eu-evfta-co-the-duoc-ky-vao-cuoi-thang-6-hoac-dau-thang-7-post957125.html