Đại sứ EU cùng các em nhỏ Việt Nam 'chơi mà học' về bình đẳng giới

Trong chuyến thăm đến hai trường mầm non thuộc tỉnh Quảng Nam hôm 11/12, đại sứ EU nhấn mạnh vai trò của giáo dục sớm và bình đẳng giới đối với sự phát triển của trẻ em Việt Nam.

 Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, tân Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti hôm 11/12 đã có chuyến thăm đến hai trường mầm non ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Trường mẫu giáo Cà Dy và Tà Bhing - Tà Pơơ là hai địa điểm triển khai dự án Giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE) do chính phủ Bỉ và EU tài trợ.

Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, tân Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti hôm 11/12 đã có chuyến thăm đến hai trường mầm non ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Trường mẫu giáo Cà Dy và Tà Bhing - Tà Pơơ là hai địa điểm triển khai dự án Giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE) do chính phủ Bỉ và EU tài trợ.

Đại sứ Aliberti cùng một em nhỏ trong sân chơi tại trường mẫu giáo Cà Dy. Theo đại sứ EU, giáo dục có vai trò rất quan trọng đối với thế hệ tương lai. "Tại đây, chúng tôi chú trọng vấn đề về giới để mang lại nhiều cơ hội cho cả trẻ em trai và trẻ em gái từ giai đoạn đầu của quá trình giáo dục. Đây cũng là mục tiêu hàng đầu của dự án". Ảnh: VVOB.

Dĩ nhiên giáo dục là một quá trình dài hạn, và đây cũng là một dự án "dài hơi", đại sứ EU chia sẻ. "Chúng tôi bắt đầu với những mục tiêu ngắn hạn trước và đầu tiên là cung cấp kiến thức cho chính giáo viên mầm non. Sau khi được tập huấn qua dự án, họ sẽ có cơ sở đưa thông tin tới những người khác. Chúng tôi mong muốn có thể truyền tải nội dung của mình từng bước một như vậy". Trong ảnh, ông Aliberti và các em nhỏ tại trường mầm non Tà Bhing - Tà Pơơ.

Đại sứ Aliberti thăm hỏi giáo viên và hai em nhỏ tại trường Tà Bhing - Tà Pơơ. Cả trẻ em trai và trẻ em gái tại đây được khuyến khích chơi các trò chơi nhằm giảm thiểu rào cản giới. Nếu trước kia giáo viên định hướng bé gái không nên tham gia góc xây dựng hay bé trai không nên chơi bán hàng, thì giờ đây bé trai cũng có thể tham gia kết dây để nhảy dây, trò chơi vốn thường được coi chỉ dành cho bé gái.

Trong khi đó, trò Bingo với tranh vẽ thể hiện các hoạt động và nghề nghiệp khác nhau giúp các bé học thông qua chơi. Bé gái cũng có thể lái xe buýt và bắn bi, bé trai vẫn có thể chơi búp bê và làm việc nhà... là những thông điệp bằng hình ảnh giúp trẻ hiểu rằng bất cứ công việc nào, trò chơi và đồ dùng nào cũng đều dành cho cả trẻ trai và trẻ gái.

Trả lời Zing.vn, Đại sứ Aliberti cho biết bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc mà EU luôn có cam kết đầy đủ và cùng Việt Nam hợp tác thực hiện. "Chúng ta cần phải bắt đầu thực hiện mục tiêu này từ rất sớm bởi vẫn có những định kiến lệch lạc về bình đẳng giới ngay từ giai đoạn đầu trong sự phát triển của trẻ, về lâu dài sẽ rất khó thay đổi. Do đó cần sớm có tư duy mở để tạo ra cơ hội phát triển cho tương lai các em".

Đại sứ Aliberti trao đổi với bà Nguyễn Thị Bé, Hiệu trưởng trường mầm non Cà Dy. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó hiệu trưởng trường Cà Dy, cho biết sau thời gian triển khai dự án, có sự thay đổi dễ nhận thấy kể từ phụ huynh học sinh. "Cha các bé cũng tham gia đưa đón con đến trường hàng ngày chứ không chỉ có các mẹ như trước. Còn trong lớp học, nhiều bé gái đã trở nên năng động và tự tin bước vào khu đồ chơi xây dựng, không còn sợ các bạn nam trêu đùa", bà Hiền chia sẻ. Ảnh: VVOB.

Đại sứ EU cho biết trong tương lai, EU cũng có dự định nhân rộng mô hình dự án tại các địa phương khác của Việt Nam và đặt trong một khuôn khổ rộng hơn là Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa hai bên. "Giáo dục là một lĩnh vực quan trọng trong hiệp định này. Chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu với những bước nhỏ cụ thể từ bây giờ". Trong ảnh, đại sứ Aliberti (phải) trao đổi với ông Wouter Boesman (trái), Giám đốc Quốc gia của tổ chức phi lợi nhuận VVOB tại Việt Nam.

Đại diện cho VVOB, phía tổ chức và triển khai dự án, ông Boesman cho biết dự án được ưu tiên cho khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa của Việt Nam vì theo khảo sát, tỷ lệ trẻ em Việt Nam được đến trường là tương đối cao trên cả nước. Tuy nhiên, kết quả học tập của trẻ ở mỗi vùng miền lại khác nhau.

"Tại các vùng núi, tỷ lệ dân tộc thiểu số thường cao và chúng tôi thấy các em có rất nhiều rào cản so với những vùng khác, trong đó có ngôn ngữ. Đó là lý do chúng tôi chú trọng triển khai ở những khu vực như huyện Nam Giang để các em có cơ hội tiếp cận hệ thống giáo dục chất lượng và bình đẳng", Giám đốc Boesman trả lời Zing.vn.

Dự án Giáo dục mầm non quan tâm đến giới hiện được triển khai tại 15 huyện thuộc tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi trong thời gian từ tháng 10/2018-5/2021. Mức tài trợ từ chính phủ Bỉ và EU cho dự án này là 14 tỷ đồng. Ngoài Bộ Giáo dục & Đào tạo, Sở, Phòng Giáo dục & Đào tạo (cấp huyện) các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, dự án còn hợp tác với Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) để thực hiện.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dai-su-eu-cung-cac-em-nho-viet-nam-choi-ma-hoc-ve-binh-dang-gioi-post1024388.html