Đại sứ các nước đặt niềm tin vào Việt Nam cho vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA

Theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), trước thềm cuộc bỏ phiếu bầu năm vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ các nước tại LHQ đã đưa ra những bình luận tích cực dành cho Việt Nam, ứng cử viên duy nhất đại diện nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Senegal tại LHQ Cheikh Niang: Không phải ngẫu nhiên Việt Nam đã được cả khu vực châu Á lựa chọn

Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Senegal tại LHQ Cheikh Niang (phải) đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại LHQ (Ảnh: iGFM)

Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Senegal tại LHQ Cheikh Niang (phải) đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại LHQ (Ảnh: iGFM)

Đại sứ Cheikh Niang đánh giá cao bề dày kinh nghiệm của Việt Nam khi từng đảm nhiệm xuất sắc vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Theo ông, vị trí của Việt Nam trong khu vực hiện nay cũng chứng tỏ Việt Nam theo đuổi đường lối hòa bình. Đại sứ Senegal nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã được cả khu vực châu Á lựa chọn, ủng hộ, để trở thành ứng cử viên duy nhất ra ứng cử vào HĐBA lần này. Việt Nam cũng được công nhận là nước có vai trò quan trọng trong khu vực, và luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, ôn hòa khi tham gia tháo gỡ những căng thẳng, xung đột.

Đại sứ Niang nhận định, thử thách đầu tiên là cần phải xác định được ưu tiên của mình là gì khi vào HĐBA, phải có được chương trình nghị sự phù hợp. Ông nêu rõ hiện nay có tới 80% các vấn đề thảo luận ở HĐBA liên quan đến châu Phi, đồng thời hy vọng Việt Nam sẽ hiểu được mong muốn của các nước châu Phi để có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực này.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Thụy Điển tại LHQ Olof Skoog: Việt Nam rất phù hợp để đảm nhận vị trí ủy viên của HĐBA LHQ

Đại sứ Thụy Điển tại LHQ Olof Skoog đánh giá Việt Nam hiện ở một vị trí hết sức thuận lợi để trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA.

Lý do Đại sứ Olof Skoog đưa ra là "hành trang" ứng cử vào HĐBA đầy thuyết phục của Việt Nam: một bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ khi từng trải qua nhiều cuộc chiến, đã tìm ra cách hàn gắn vết thương chiến tranh, tìm ra con đường tới hòa bình. Từ đó, nhà ngoại giao Thụy Điển khẳng định Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc tìm ra các giải pháp chính trị ngoại giao để giải quyết xung đột.

Đại sứ Thụy Điển tại LHQ Olof Skoog. Ảnh: LHQ

Việt Nam cũng hiểu rõ cái giá của chiến tranh và sự cần thiết phải ngăn chặn nó, giải quyết hậu quả để lại, cũng như bảo vệ người dân trong các cuộc xung đột. Vì vậy, Việt Nam rất phù hợp để đảm nhận vị trí ủy viên của HĐBA LHQ.

Đại sứ Thụy Điển cho rằng một khi trúng cử và bước chân vào HĐBA, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cả về những vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA cũng như những vấn đề mong muốn đạt được trong thời gian đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tìm đồng minh, tìm bạn bè để hợp tác cùng.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Indonesia tại LHQ Triansyah Djani: Việt Nam sẽ không gặp trở ngại gì trong ngày bầu cử tới

Là một ủy viên không thường trực HĐBA, đồng thời là nước Chủ tịch luân phiên HĐBA tháng 5 vừa qua, Đại sứ Indonesia tại LHQ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam trong thời gian qua.

Ông nhận xét, phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã tích cực vận động và các nước ASEAN cũng hỗ trợ Việt Nam hết mình bởi ASEAN cũng mong muốn quốc gia thành viên của mình có mặt trong HĐBA. Với công tác chuẩn bị chu đáo, Việt Nam sẽ không gặp trở ngại gì trong ngày bầu cử 7/6 sắp tới, ông khẳng định.

Đại sứ Indonesia tại LHQ Triansyah Djani. Ảnh: LHQ

Chia sẻ bài học kinh nghiệm của Indonesia, Đại sứ Djani lưu ý, sau khi trúng cử, Ủy viên mới sẽ chỉ có 6 tháng để chuẩn bị cho việc đảm trách vị trí ở HĐBA trong 2 năm tới. 6 tháng đó là khoảng thời gian hết sức quan trọng, và đòi hỏi Việt Nam sẽ phải nắm bắt các quy trình, luật lệ của HĐBA.

Theo ông, dù cũng như Indonesia, Việt Nam đã từng đảm đương vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA và đã chuẩn bị tốt, song hiện tại mọi thứ đã thay đổi nhiều. Đơn cử như khối lượng công việc phải làm ở HĐBA hiện nay nhiều gấp 3 lần khối lượng công việc cách đây 10 năm. Tình hình địa chính trị cũng khác, thông tin cũng phát triển rất nhanh. Việc chuẩn bị kỹ càng là cần thiết bởi không thể đoán trước được tình hình thế giới sẽ xảy ra những gì, nhất là ở những nơi còn đang có xung đột và chiến tranh.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Nhật Bản tại LHQ Koro Bessho: Việt Nam sẽ giúp chuyển tải được quan điểm của khu vực tới các chương trình nghị sự của Hội đồng.

Trưởng phái đoàn đại diện Nhật Bản tại LHQ Koro Bessho. Ảnh: AP

Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Koro Bessho cho biết ông vững tin vào khả năng trúng cử của Việt Nam cho vị trí tại Hội đồng Bảo an. Ông khẳng định Việt Nam là một người bạn gần gũi và rất quan trọng đối với Nhật Bản, nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược của hai nước. Hai bên đều muốn giúp đỡ, hỗ trợ nhau, đặc biệt trong các vấn đề quốc tế.

Khi kết thúc nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an, Nhật Bản trông đợi Việt Nam sẽ giúp chuyển tải được quan điểm của khu vực châu Á tới các chương trình nghị sự của Hội đồng, đóng góp kinh nghiệm cho nhiều vấn đề của Hội đồng.

Về cơ hội Việt Nam có thể đưa những vấn đề gây tranh cãi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên bàn nghị sự của Hội đồng khi trở thành Ủy viên không thường trực, ông Bessho cho rằng mỗi thành viên Hội đồng Bảo an đều có quyền đề xuất vấn đề mình muốn đưa ra thảo luận tại Hội đồng. Tuy nhiên cần chú ý những quy định mà tất cả phải tuân thủ.

Lan Thảo

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/dai-su-cac-nuoc-dat-niem-tin-vao-viet-nam-cho-vi-tri-uy-vien-khong-thuong-truc-hdba-79026.html