Đại sứ Australia: Tự hào khi được làm việc tại Việt Nam

'Tôi có ấn tượng rất mạnh trước cách làm việc chất lượng và hiệu quả của các nhà ngoại giao Việt Nam'… Đó là chia sẻ của Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick khi trả lời phỏng vấn Báo Thế Giới & Việt Nam nhân dịp Hội nghị Ngoại giao 30.

Thưa Đại sứ, 2018 là năm quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Australia khi hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Xin Đại sứ cho biết triển vọng của mối quan hệ song phương này?

Điều đầu tiên tôi muốn khẳng định, quan hệ song phương Việt Nam – Australia đang phát triển mạnh mẽ nhất trong suốt 45 năm kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày hôm nay, quan hệ song phương của chúng ta mạnh hơn hôm qua, và còn mạnh hơn nhiều so với một năm trước đây.

Năm 2018 đúng là năm quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Australia khi Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký kết thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Đây là một văn bản rất thiết thực, đề ra quan điểm chung của hai nước về tình hình thế giới và những quan tâm chung về cách Việt Nam và Australia có thể hợp tác để đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của chúng ta trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, dựa trên những lợi ích chung của cả hai quốc gia.

Ngoài ra, hai nước cũng chia sẻ một niềm tin chiến lược mạnh mẽ với nhau. Niềm tin chiến lược không có nghĩa cả hai bên phải đồng tình trên mọi vấn đề, nhưng Australia và Việt Nam sẽ luôn tin tưởng và sát cánh bên nhau, đem lại nhiều lợi ích cho hai bên. Điều này đã được thể hiện rõ ràng qua cách Chính phủ, Quốc hội, Lãnh đạo và các doanh nghiệp hai nước khi làm việc. Và tôi rất tự tin khi khẳng định rằng quan hệ song phương Việt Nam – Australia sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malcolm Turnbull ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Australia.

Để quan hệ Đối tác Chiến lược đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả thì hai bên cần tập trung vào những lĩnh vực hợp tác nào, thưa Đại sứ?

Việt Nam và Australia đã và đang cùng nhau hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, được khẳng định qua Kế hoạch Hành động Australia – Việt Nam giai đoạn 2016-2019. Kế hoạch này được coi là cánh tay phải của mối quan hệ song phương, giúp thúc đẩy hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Mối quan hệ phong phú và sâu rộng này giữa hai nước được miêu tả rõ qua ba “quan hệ đối tác”, tôi sử dụng từ này một cách rất thận trọng bởi quan hệ song phương thời hiện đại giữa hai quốc gia là một mối quan hệ bình đẳng.

Về kinh tế, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng đối với Australia và ngược lại. Australia hiện đang là đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam. Xuất khẩu giữa hai nước cũng có nhiều tiến triển vượt bậc. Những khoản đầu tư từ Australia vào Việt Nam đã giúp tạo ra hàng nghìn công việc mới, mang lại sự thịnh vượng cho người dân và hơn hết, đem tới những công nghệ mới cho thị trường Việt Nam. Hiện tại, Australia vẫn còn một chương trình hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp tư nhân vì chúng tôi tin rằng, khối doanh nghiệp tư nhân sẽ là chìa khóa để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa.

Hợp tác về quốc phòng an ninh cũng là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ song phương hai nước. Hợp tác quốc phòng an ninh sẽ giúp đẩy mạnh vị thế của khu vực lên cao hơn. Vào cuối năm nay, Australia sẽ hỗ trợ đưa các quân nhân Việt Nam và các bác sĩ sang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Các bác sĩ, y tá này đã được trang bị tiếng Anh tại các lớp đào tạo do Quân đội Australia tổ chức. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Việt Nam đã sẵn sàng tham gia vào công việc gìn giữ và bảo vệ hòa bình chung của thế giới và Australia sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick. (Ảnh: NH)

Ngoài ra, quan điểm của Việt Nam và Australia về các vấn đề trong khu vực cũng có nhiều điểm tương đồng. Quan điểm và cách tiếp cận của Australia trong vấn đề Biển Đông cũng nhận được sự đồng tình từ phía Việt Nam. Australia không đồng ý với việc bất kì quốc gia nào tự công nhận chủ quyền tại Biển Đông cho đến khi những quyền đó được luật pháp quốc tế công nhận. Chúng tôi tin rằng các quốc gia ven biển đều có quyền khai thác trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, và đây là quan điểm mà Australia công khai ủng hộ vì chúng tôi luôn theo đuổi việc xây dựng một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế. Australia và Việt Nam là hai quốc gia có diện tích trung bình, luôn tin tưởng và tuân theo luật quốc tế nhằm phát triển đất nước thật thịnh vượng, xây dựng một cộng đồng hòa bình và an toàn.

Lĩnh vực cuối cùng là hợp tác về công nghệ và sáng tạo. Đây là một lĩnh vực được cả chính phủ hai nước rất quan tâm và đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Tôi rất tự hào với những gì các trường đại học ở Australia đang thực hiện cùng Việt Nam, không chỉ tập trung vào phát triển giáo dục mà còn phát triển các nghiên cứu nhằm giải quyết một số vấn đề công nghệ cao tại Australia và Việt Nam. Lĩnh vực hợp tác này sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng năng suất và tăng trưởng kinh tế của cả hai bên. Australia cũng rất sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam để hai nước có hành trang vững vàng đối mặt với sự thay đổi chóng mặt của thế giới.

Đại sứ đánh giá thế nào về Ngoại giao Việt Nam trong hai năm qua đóng góp vào kiến tạo và phát triển đất nước, cũng như trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương tại khu vực và trên trường quốc tế?

Cả sự nghiệp ngoại giao của mình, tôi đều hoạt động tại Đông Nam Á. Đã từ lâu rồi, tôi có ấn tượng rất mạnh mẽ trước cách làm việc chất lượng và hiệu quả của các nhà ngoại giao Việt Nam. Hầu hết các cuộc đàm phán mang tính chiến lược cao nhất mà tôi từng trải qua trong suốt 20 năm sự nghiệp là với các nhà ngoại giao Việt Nam. Tôi thực sự rất hài lòng khi được làm việc tại một đất nước có các nhà ngoại giao chuyên nghiệp như Việt Nam.

Tôi cũng rất ngưỡng mộ trước sự tập trung cao độ, tất cả cùng chung tay làm việc hướng tới một kết quả chung của Việt Nam. Điều đặc biệt của Ngoại giao Việt Nam là cách các bạn luôn biết làm thế nào để đa dạng hóa các mối quan hệ, luôn cố gắng tìm kiếm và mở rộng các mối quan hệ mới, đồng thời củng cố và thúc đẩy phát triển các mối quan hệ hiện có qua quan hệ song phương, đa phương trên các diễn đàn khu vực cũng như quốc tế vì lợi ích chung của quốc gia. Ngoài ra, Australia cũng ủng hộ việc Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ủng hộ Việt Nam đẩy mạnh vai trò của mình trên trường quốc tế.

Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng là một điều đáng khen ngợi. Có rất nhiều quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương muốn tham gia vào CPTPP nhưng lại thiếu đi sự quyết đoán chính trị hoặc sức mạnh kinh tế để có thể đảm nhận một cam kết lớn như vậy. Với việc là thành viên của CPTPP, Việt Nam sẽ có thêm những cơ hội kề vai sát cánh với các nền kinh tế lớn thế giới, dễ dàng nắm bắt hơn những chuyển biến thương mại, đồng thời gửi đến thế giới một thông điệp chính trị rất mạnh mẽ rằng, Việt Nam đã sẵn sàng để trở thành người đi đầu trong lĩnh vực kinh tế - thương mại trong khu vực.

Trải qua hai năm đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc sống cũng như công việc của mình?

Tôi đem lòng yêu mến Việt Nam ngay từ lần đầu tôi đến thăm đất nước của các bạn với tư cách là một du khách, vào tháng 7/1997. Và Hà Nội là thành phố đem lại nhiều cảm xúc nhất cho tôi. Kể từ đó, tôi cũng đã có rất nhiều cơ hội để quay lại Việt Nam để làm việc cũng như nghỉ ngơi. Khi biết được mình sẽ tới Việt Nam để làm việc với tư cách Đại sứ, tôi đã không khỏi bất ngờ và vui mừng.

Liên quan tới công việc, tôi đã có rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi bắt đầu công việc của mình vào năm 2016. Nhưng điểm sáng nhất trong nhiệm kỳ của mình, tôi muốn nhắc đến việc Việt Nam đã tổ chức rất thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Cấp cao APEC 25 với tư cách chủ nhà vào năm 2017. Cũng tại đây, lãnh đạo hai nước, các bộ, ban, ngành liên quan đã cùng nhau làm việc rất sát sao về những vấn đề mà hai nước chưa tìm được tiếng nói chung. Ngoài ra, APEC cũng là nơi Thủ tướng Malcolm Turnbull và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo với thế giới rằng Việt Nam và Australia chính thức ký kết thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Đối với tôi, tuần lễ đó tại thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp, là thời điểm quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của tôi.

Bên cạnh đó, tôi và vợ tôi cũng đã đem lòng yêu mến Hà Nội từ rất lâu. Nhưng những trải nghiệm ở bên ngoài các thành phố lớn mới để lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất. Tôi đã đến thăm 27 tỉnh và thành phố khác nhau, từ Hà Giang cho tới Kiên Giang để có thể hiểu thêm về Việt Nam. Mỗi điểm đến đều để lại cho tôi những cảm nhận khác biệt bởi sự đa dạng và phong phú của văn hóa. Đây cũng chính là một trong những điểm mạnh mà các bạn đang sở hữu và hy vọng rằng nền văn hóa lâu đời của Việt Nam cũng sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn nữa. Chắc chắn rằng, tôi sẽ rất buồn khi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam. Thế nhưng, tôi thực sự đã có khoảng thời gian rất tuyệt vời tại đây, được biết và tìm hiểu Việt Nam qua một cách thân mật như thế này, tôi cũng không còn gì phải nuối tiếc nữa.

Xin cám ơn Đại sứ và chúc ông có thêm những thành công và trải nghiệm thú vị nữa ở Việt Nam!

Quang Đào

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/dai-su-australia-tu-hao-khi-duoc-lam-viec-tai-viet-nam-76054.html