Đãi ngộ đúng mức tài năng diễn viên kịch, điện ảnh-truyền hình

Trường Đại học Sân khấu (SK) và Điện ảnh (ĐA) Hà Nội hơn 60 năm qua đã đào tạo rất nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng cho nghệ thuật nước nhà. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS, Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Nhà trường đang có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo sao cho phù hợp với xu hướng phát triển nghệ thuật của thời đại.

Phóng viên (PV): Có thể nói, tài năng diễn xuất trên SK, ĐA, truyền hình (TH) của nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ thời gian qua đã góp cho bầu không khí nghệ thuật nước nhà thêm sôi nổi. Nhiều người trưởng thành từ cái nôi đào tạo của nhà trường. Ông đánh giá thế nào về công tác tuyển sinh đào tạo diễn viên?

PGS, TS, NGND Nguyễn Đình Thi: Tài năng cũng như đam mê cống hiến của các em với nền nghệ thuật nước nhà được đông đảo công chúng đón nhận là niềm tự hào của những người làm công tác đào tạo chúng tôi. Trong các ngành đào tạo, nhiều năm nay, mã ngành Diễn viên kịch, ĐA-TH luôn thu hút lượng thí sinh đăng ký lớn nhất. Năm 2019 toàn trường có khoảng 1.400 thí sinh đăng ký tuyển sinh, riêng mã ngành đào tạo này đã có gần 800 hồ sơ đăng ký. Đương nhiên, ngành này đòi hỏi năng khiếu, ngoại hình, vì vậy công tác tuyển chọn cũng rất khắt khe. Gần 800 hồ sơ đăng ký, qua vòng sơ tuyển loại hơn 600, vào chung tuyển còn hơn 100 và cuối cùng chọn được 40 thí sinh. Chỉ tiêu của nhà trường tuyển là 45. Từng có nhiều thắc mắc, tại sao đang còn chỉ tiêu mà nhà trường chỉ tuyển 40 thí sinh? Thực tế, ngành này không thể đào tạo nếu không tuyển lựa kỹ vì liên quan đến chất lượng đào tạo, chất lượng tài năng. Hiện nay, đội ngũ diễn viên ở các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, gương mặt xuất hiện trên SK, ĐA, TH, nhiều người đã tốt nghiệp từ nhà trường như: Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Đình Tú… Những gương mặt nghệ sĩ gạo cội tài năng trên SK, ĐA nước nhà như: NSND Lan Hương, NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trần Lực… cũng trưởng thành từ đây. Họ đã trưởng thành tại các nhà hát, qua tác phẩm ĐA, khẳng định tên tuổi, giành những giải thưởng nghệ thuật danh giá trong nước, quốc tế. Nhiều người quay trở về trường tham gia giảng dạy, trở thành các chuyên gia đào tạo.

 PGS, TS, NGND Nguyễn Đình Thi.

PGS, TS, NGND Nguyễn Đình Thi.

PV: Nguồn nhân lực sáng tạo cho SK, ĐA, TH dường như thời gian qua cũng đang có sự thiếu hụt. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

PGS, TS, NGND Nguyễn Đình Thi: Trong hoạt động của SK, ĐA và TH có những đội ngũ sáng tạo ở nhiều thành phần: Đạo diễn, biên kịch, diễn viên, lý luận phê bình, họa sĩ… Với các ngành đạo diễn, quay phim hay biên kịch ĐA, TH thì không khó. Hằng năm, số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh khá đông, dao động 60-70 thí sinh (chỉ tiêu tuyển cho mỗi ngành 15-20). Nhưng đối với ngành Biên kịch SK thì rất khó khăn. Thí sinh đăng ký ít. Biên kịch ĐA, TH khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm được việc làm, đôi khi chỉ cần có ý tưởng kịch bản thì nhà sản xuất, công ty truyền thông đã mua, kinh phí tốt; trong khi viết kịch bản SK để được nhà hát chọn lựa dàn dựng phải mất thời gian khá lâu, thù lao hạn chế… Đó cũng là nguyên nhân của câu chuyện thiếu kịch bản SK nhiều năm nay. Hay ngành Lý luận phê bình SK, ĐA hai năm nay thí sinh đăng ký dự tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi để làm được công tác lý luận phê bình đòi hỏi người làm công việc này phải có khả năng bao quát, hiểu biết toàn diện về lĩnh vực mình theo dõi. Rõ ràng, nhìn vào thực tế, nếu ngành nghề theo học ra trường không tìm được việc làm, không có thu nhập thì khó thuyết phục được sự lựa chọn của thí sinh và phụ huynh.

Với một số ngành nghề thiếu hụt nguồn nhân lực, nhà trường đang triển khai các đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về tuyển sinh và đào tạo. Những ngành khó tuyển mà cần phải duy trì sẽ được Nhà nước đặt hàng. Hiện nay, nhà trường đưa vào danh mục các ngành: Kịch hát truyền thống; Lý luận phê bình SK, ĐA; Biên kịch SK để có định hướng đầu tư đào tạo, duy trì nguồn nhân lực này.

Những gương mặt diễn viên trẻ tài năng của sân khấu, điện ảnh trưởng thành từ nôi đào tạo của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.

PV: Để nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như chất lượng nguồn nhân lực tài năng nghệ thuật, thời gian qua nhà trường đã có những bước đổi mới gì?

PGS, TS, NGND Nguyễn Đình Thi: 5 năm trở lại đây, đáp ứng sự phát triển của công nghiệp văn hóa nước nhà, nhà trường liên tục mở ngành đào tạo mới, thu hút đông đảo thí sinh đăng ký như: Nhiếp ảnh báo chí, Nhiếp ảnh truyền thông đa phương tiện, Đồ họa kỹ xảo, Hóa trang SK. Trong đó, hai ngành Nhiếp ảnh báo chí và Hóa trang SK, tuy nhiều sinh viên mới bước sang học năm thứ hai, nhưng nhiều em đã làm được nghề và kiếm được tiền khi nhận làm trong các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện. Nhà trường cũng đang thực hiện thay đổi phương pháp giảng dạy. Ví dụ, giảng viên của ngành diễn viên ngoài kiến thức, kỹ thuật cơ bản luôn phải cập nhật những kiến thức mới thông qua việc tham dự các khóa học, tập huấn trong nước và nước ngoài.

Hợp tác quốc tế cũng được nhà trường chú trọng. Nhà trường là thành viên của các tổ chức nghệ thuật lớn: Hiệp hội các trường ĐA quốc tế và SK, Hiệp hội các trường đại học khu vực Á Âu… Theo đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường mời giảng viên, chuyên gia quốc tế đến từ Áo, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… tham gia giảng dạy, cập nhật xu hướng nghệ thuật mới của thế giới.

Bộ VHTT&DL cũng đang nghề nghị Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo tài năng trong nước và đào tạo tài năng ở nước ngoài. Đây là chủ trương rất thuận lợi để các trường nghệ thuật triển khai công tác đào tạo tài năng có trọng tâm. Theo đó, diễn viên có năng khiếu được chọn vào lớp tài năng, được đãi ngộ thích đáng như: Cấp học bổng, học tập với giảng viên dày dạn kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Như vậy, các em sẽ có thêm nhiều cơ hội để trưởng thành và tỏa sáng trong tương lai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dai-ngo-dung-muc-tai-nang-dien-vien-kich-dien-anh-truyen-hinh-612023